Bơm nước mặn để cứu lúa
Trưa nắng gay gắt, ông Danh Phúc (37 tuổi, ngụ xã Đại Ân 2, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng) vác từng can nước ngọt ra ruộng để pha thuốc phun cứu lúa.
Chia sẻ với PV Tiền Phong, ông Phúc cho biết khu vực của ông được ngành chức năng khuyến cáo không trồng lúa vụ 3, nhưng do giá lúa tăng, ông và nhiều bà con địa phương quyết định làm liều.
Ông Danh Phúc bên thửa ruộng bị nhiễm mặn. |
“Tôi biết vụ này làm rất khó khăn vì hạn, mặn nhưng thấy nhiều người làm mình cũng làm theo với hy vọng thuận thì thêm chút thu nhập, thay vì bỏ rộng trống chờ mưa tới. Hơn 2 ha lúa xuống giống được 45 ngày thì nguồn nước bị mặn xâm nhập, dễ vụ máy xem như mất trắng. Để cứu lúa, mấy hôm nay tôi mua thuốc về phun rầy nâu, dưỡng hạt, dưỡng rễ với hy vọng gỡ gạc vốn”, ông Phúc nói, khi dẫn chúng tôi đi trên con rạch nứt nẻ ra thăm lúa.
Theo ông Phúc, mặc dù Tết Chôl Chnăm Thmây của dân tộc Khmer đang đến gần, nhưng nhìn đồng lúa nhiễm mặn khiến gia đình ông ăn Tết kém vui.
Hàng nghìn ha lúa Đông Xuân muộn (ngoài kế hoạch) bị nhiễm mặn cháy lá. |
Tương tự, ông Lê Văn Hết (48 tuổi, ở xã Tài Văn, huyện Trần Đề, Sóc Trăng) cũng tiếc đồng, tiếc đất, nên cố xuống giống vụ Đông Xuân muộn, với diện tích hơn 10 ha lúa. Một phần đồng lúa của ông Hết cũng không thoát khỏi tình trạng khô hạn do nước nhiễm mặn không có nước ngọt tưới.
“Mặn xâm nhập khiến 3 ha coi nhưng mất trắng, 7 ha còn lại thiệt hại nhẹ. Để cứu lúa, tôi đành bơm nước có độ mặn trên 1,5‰ vào ruộng, hy vọng còn nước còn tát”, ông Hết bộc bạch.
Người dân bơm nước ngọt vào ruộng để cứu lúa, có trường hợp bơm cả nước mặn vào đồng. |
Trên 1.000 ha lúa bị ảnh hưởng
Hơn một tuần qua, gia đình ông Lâm Tài (thị trấn Long Phú, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng) chạy đôn chạy đáo mua máy bơm, đào mương tạm để bơm từ 2 ao nước ngọt tích trữ cuối cùng trong vườn ra ruộng, với hy vọng cứu được trên 1 ha lúa đã sạ hơn 2 tháng. Thế nhưng, lượng nước tưới vẫn không thấm vào đâu, lúa bắt đầu cháy lá do nắng hạn.
Kênh, mương khô cằn, đã nứt nẻ. |
“Dù đã tích trữ nước trong ao để tưới, không đủ do năm nay khô hạn kéo dài và gay gắt hơn mọi năm, mặn xâm nhập sâu. Tình hình này xem như gia đình mất trắng mấy chục triệu tiền công, giống, phân bón từ đầu vụ tới nay”, ông Tài nói. Cạnh ruộng lúa của ông Tài, ruộng lúa của nhiều nông dân khác cũng héo dần, cháy lá, khô thân.
Ông Nguyễn Hạnh, ngụ xã Long Phú, huyện Long Phú (chủ nhà máy xay xát lúa gạo) cho hay mỗi ngày cơ sở của ông tiếp nhận hơn một tấn lúa để xay xát, nhưng chất lượng, năng suất giảm so với mọi năm.
Lúa bị nhiễm mặn giảm năng suất. |
“Bình thường, 100 kg thóc cho ra khoảng 65-70 kg gạo, giờ chỉ được trên 40 kg gạo, còn lại thóc bị lép hạt do ảnh hưởng mặn. Vụ 3 ở đây có người bị thiệt hại nặng phải bỏ ruộng, có người ráng thu hoạch với hy vọng nhặt được bao nhiêu hay bấy nhiêu”, ông Hạnh nói.
Ông Lâm Văn Vũ - Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Long Phú cho biết dù ngành nông nghiệp tỉnh, chính quyền địa phương đã dự báo tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, cảnh báo người dân vùng ảnh hưởng không xuống giống. Tuy nhiên, thấy giá lúa ở mức cao, nên nhiều nông dân bất chấp khuyến cáo “xé rào” xuống giống vụ 3 năm nay.
“Sơ bộ tới ngày 8/4, toàn huyện Long Phú có hơn 1.000 ha lúa bị ngộ độc phèn, mặn, trong đó gần 38 ha mất trắng”, ông Vũ thông tin.
Người dân huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng nỗ lực cứu lúa. |
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng, địa phương có diện tích vụ Đông Xuân muộn ngoài kế hoạch khoảng 6.000 ha, trong đó ghi nhận có hơn 1.400 ha lúa bị ảnh hưởng hạn mặn (trong đó thiệt hại 43 ha).
Ngoài ra, nắng hạn gay gắt kéo dài, nguy cơ cao thiếu nước sinh hoạt cho khoảng 6.500 hộ khu vực ven biển thuộc các huyện Trần Đề, Long Phú, thị xã Vĩnh Châu… Theo dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn, xâm nhập mặn còn diễn ra đến tháng 5.
Lúa nhiễm mặn. |
Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng cũng chỉ đạo Chi cục Thủy lợi tiếp tục phối hợp Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh triển khai công tác quan trắc mặn và thông tin đến các địa phương trong thời gian hạn mặn. Đơn vị quản lý khai thác bố trí lực lượng trực tiếp túc trực 24/24 tại các cống xung yếu để tiến hành quan trắc độ mặn, vận hành hệ thống kịp thời trong thời gian diễn ra hạn mặn.
Ngoài ra, theo dõi chặt chẽ nguồn nước trên các sông, kênh rạch để điều tiết hợp lý các hệ thống công trình để cung cấp nước cho người dân sử dụng trong sản xuất và sinh hoạt.
Ông Lê Văn Hết bên cánh đồng lúa bị nhiễm mặn. Ảnh: Nhật Huy. |