Ca bệnh 418 là nam giới, 61 tuổi, sinh sống tại phường Thanh Bình, Quận Hải Châu, Thành phố Đà Nẵng. Bệnh nhân được xác định dương tính với SARS-CoV-2 đêm 25/7, đang được điều trị cách ly tại khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Đà Nẵng, phải thở máy.
Chiều cùng ngày, 2 bệnh nhân mới được xác nhận là nam thanh niên 17 tuổi (ca bệnh 419) ở phường Quảng Phú, TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi. Kết quả xét nghiệm ngày 26/7 cho thấy bệnh nhân 17 tuổi dương tính với SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Trung tâm Y tế Bình Sơn, cơ sở điều trị 2, Khu công nghiệp Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi.
Bệnh nhân 420 là nữ, 71 tuổi, ở phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng. Ngày 12/7, bệnh nhân có biểu hiện sốt, đau ngực, đến ngày 22/7 nhập viện tại Bệnh viện C Đà Nẵng. Kết quả xét nghiệm ngày 26/7 cho thấy mẫu bệnh phẩm dương tính với SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện C Đà Nẵng. Như vậy trong 2 ngày liên tiếp Đà Nẵng ghi nhận ca mắc mới COVID-19 trong cộng đồng.
Hai bệnh nhân trở nặng nhanh, tiên lượng xấu
Sáng 26/7, Bộ Y tế công bố ca bệnh COVID-19 thứ 2 tại Đà Nẵng. Nhưng khác với những ca bệnh trong giai đoạn 1 của đại dịch, bệnh nhân số 418 lập tức phải thở máy vì tình trạng quá nặng. Cũng trong tình trạng thở máy, bệnh nhân 416 đã phải chuyển từ thở máy sang thở ECMO (hệ thống tim phổi nhân tạo) trong đêm 25/7. Đáng chú ý cả 2 bệnh nhân đều ho, sốt, mệt mỏi vài ngày trước khi xác định chính xác mắc COVID-19.
Tiểu ban Điều trị (Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19) cho biết, bệnh nhân 416 được sử dụng thuốc an thần, giãn cơ để nằm yên, tránh trường hợp bệnh nhân co giật, giãy giụa làm ảnh hưởng đến hệ thống máy móc duy trì chỉ số sinh tồn của cơ thể. Hiện bệnh nhân sốt cao liên tục 38-39 độ C. Ngoài ECMO, bệnh nhân phải lọc máu liên tục, thở máy hỗ trợ. Chuyên gia thuộc Tiểu ban Điều trị cho biết thêm, các chỉ số và chức năng của bệnh nhân trong phạm vi kiểm soát, tuy nhiên tiên lượng rất nặng.
Bệnh nhân 418 được điều trị tại khoa Nội hô hấp, Bệnh viện Đà Nẵng từ 21/7 với chẩn đoán theo dõi lao phổi bội nhiễm trên nền bệnh đái tháo đường type2, tăng huyết áp. Hiện bệnh nhân gặp biến chứng suy hô hấp, suy tim, tổn thương thận cấp.
Khoanh vùng, truy nguồn lây
PGS.TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, cho hay, mục đích của hoạt động truy vết trong phòng, chống dịch chính là tìm kiếm người tiếp xúc gần với bệnh nhân, càng sớm càng tốt để cách ly kịp thời, triệt để, ngăn chặn dịch lây lan. “Việc truy vết dựa trên các nguyên tắc, đó là chạy đua với thời gian, càng sớm càng tốt; các sự kiện, địa điểm hay còn gọi là mốc dịch tễ và từng người tiếp xúc gần cần được truy vết trong khoảng thời gian từ thời điểm 3 ngày trước khi bệnh nhân khởi phát đến khi bệnh nhân được cách ly y tế”, ông Dương cho biết.
Cùng với lực lượng được coi là đặc nhiệm do Bộ Y tế cử vào hỗ trợ, Đà Nẵng đã huy động tối đa nguồn nhân lực và vật lực đẩy mạnh xét nghiệm. Theo đó, khoảng 2.200 nhân viên y tế Bệnh viện Đà Nẵng được xét nghiệm kháng thể bằng kỹ thuật Elisa lần đầu triển khai tại Việt Nam. Đội công tác đặc biệt của Bộ Y tế hỗ trợ địa phương 10.000 bộ test để xét nghiệm kháng thể bằng phương pháp Elisa. Việc này giúp Đà Nẵng trong việc truy vết, tìm kiếm nguồn lây nhiễm, phát hiện sớm người mắc để có biện pháp ứng phó kịp thời, ngăn chặn sự lây lan ra diện rộng.
Phương pháp này sau đó sẽ được áp dụng tại Bệnh viện C Đà Nẵng (hiện đang cách ly khoảng 1.000 người, trong đó có gần 1 nửa là bệnh nhân, số còn lại là người nhà, cán bộ, nhân viên y tế), các khu du lịch có người nước ngoài lưu trú, nơi cư trú, sinh hoạt của bệnh nhân 416 và 418. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Đà Nẵng cũng đẩy mạnh điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm bằng phương pháp PCR các trường hợp tiếp xúc gần, nguy cơ cao đối với 2 bệnh nhân này.
PGS.TS Trần Như Dương cho biết, do bệnh nhân phải thở máy, không trực tiếp khai báo thông tin, kết hợp với việc đi lại, tham gia nhiều sự kiện nên công tác truy vết gặp nhiều khó khăn. Với bệnh nhân 418, nhà chức trách đang xác định những trường hợp có tiếp xúc để cách ly, lấy mẫu xét nghiệm.
Truy vết lây nhiễm trên diện rộng
Chiều 26/7, Văn phòng Chính phủ ban hành văn bản hỏa tốc chỉ đạo UBND thành phố Đà Nẵng, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế tăng cường thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19. Theo đó, nhằm kiểm soát tốt dịch COVID-19 tại thành phố Đà Nẵng, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức triển khai khẩn trương, quyết liệt các chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19 trước đó.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ chỉ đạo, hỗ trợ thành phố Đà Nẵng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin truy vết trên diện rộng tại thành phố Đà Nẵng, nhất là các trường hợp có nguy cơ lây nhiễm, kể cả khách du lịch. Bộ Y tế chỉ đạo hỗ trợ thành phố Đà Nẵng tăng cường năng lực xét nghiệm, điều trị; điều tra, giám sát dịch, nhất là các đối tượng, các khu vực có nguy cơ cao.
Văn Kiên