Kể từ tháng 12/2013 đến nay, bốn doanh nghiệp này tăng giá sữa với mức tăng từ 5-10%. Đó là Mead Jonhson với các nhãn sữa Enfagrow, Enfamil.., Nestle với dòng sữa Nan, Friesland Campina với dòng sữa Frisolac và dòng sữa Alpha, Dielac…
Và đây là cách giải thích cho việc tăng giá của đại diện hãng Abbott, cho dù ông này có vẻ tránh dùng từ “tăng giá”. Theo ông ta, truyền thông đưa tin Abbott tăng giá các sản phẩm sữa bột cho trẻ em với mức tăng khoảng 5% nhưng thực tế không phải là tăng giá. Từ tháng 7/2013, Abbott ra mắt sản phẩm thế hệ mới Similac IQ, “công thức cải tiến, bổ sung nhiều dưỡng chất”.
“Tuy nhiên, công ty đã quyết định hỗ trợ chiết khấu giá để người tiêu dùng được mua với giá bằng giá sản phẩm công thức cũ. Nay chương trình trợ giá đã kết thúc (từ ngày 2/1/2014) nên giá bán trở về mức bình thường khi chưa trợ giá, chứ không phải hãng tăng giá bán”, ông này nói. “Bình thường” ở đây có nghĩa là cộng thêm 5% vào giá bán, chứ không phải tăng giá!
Vấn đề nằm ở chỗ, hầu hết người tiêu dùng không thể biết “công thức cải tiến, bổ sung nhiều dưỡng chất” kia thực sự là gì, có khác trước gì không, trong khi đó cơ quan quản lý thì đang bận tranh cãi ai mới thực sự đang quản lý giá sữa. Và trong khi giá sữa đã liên tục tăng từ cuối tháng 12/2013 đến nay, cho đến khi Thủ tướng chính phủ yêu cầu các bộ ngành có liên quan, trực tiếp là bộ trưởng Bộ Tài chính kiểm tra việc bốn “ông lớn” cùng tăng giá sữa, thì các ngành liên quan mới có vẻ “vào cuộc quyết liệt”.
Nhưng đến thời điểm hôm qua, 3/3, đại diện Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) vẫn cho hay chưa thể có kết luận về các doanh nghiệp có bắt tay tăng giá không. Đó là còn chưa kể vẫn chưa có kết luận chính thức nào về lý do các doanh nghiệp đưa ra như vì lạm phát, vì thay đổi công thức chế biến, vì giá sữa bột đầu vào tăng… có đúng không, có hợp lý hay không.
Cần phải nhắc lại, đây không phải lần đầu tiên giá sữa tăng đồng loạt và không rõ ràng, và cũng không phải lần đầu tiên các công ty có thị phần chi phối đồng loạt tăng giá. Nhưng sự thiếu minh bạch thị trường, vẫn tồn tại.
Và người tiêu dùng vẫn phải móc thêm hầu bao trong khi chờ cơ quan quản lý “ra tay kiên quyết”. Nhưng qua nhiều lần như thế, cũng nên đặt câu hỏi: Liệu nhà nước không thể xây dựng được cơ chế quản lý giá sữa hiệu quả, để doanh nghiệp “bắt tay nhau”, hay vấn đề là còn những kiểu “bắt tay” khác?