Liên thông không là đường vòng vào đại học

Liên thông không là đường vòng vào đại học
Liên thông là một trong những vấn đề gây nhiều chú ý từ phía các trường lẫn thí sinh trong kỳ tuyển sinh năm nay.

Liên thông không là đường vòng vào đại học

> Những điểm mới của kỳ thi tuyển sinh 2013
> Hà Nội không 'đóng cửa' với tại chức và dân lập
> Nhiều trường được tuyển sinh trở lại

Liên thông là một trong những vấn đề gây nhiều chú ý từ phía các trường lẫn thí sinh trong kỳ tuyển sinh năm nay.

Từ đầu tháng 2, Thông tư 55 quy định đào tạo liên thông sẽ chính thức có hiệu lực. Những đổi mới trong quy định nhằm siết chặt kỷ cương, chất lượng của loại hình đào tạo này. Phần lớn các ý kiến đều cơ bản đồng tình với chủ trương, nhưng vẫn còn băn khoăn về cách thức thực hiện.

Trường và thí sinh gặp khó?

Tại hội nghị giáo dục đại học diễn ra đầu tuần này, đại biểu nhiều trường lo ngại về quy định đào tạo liên thông của Bộ GD-ĐT mới ban hành. Có trường cho rằng hiện nay việc tuyển sinh TC, CĐ rất khó khăn. Nếu người học không được thi liên thông ngay thì sẽ không vào học. Các trường tại cụm Đà Nẵng cho rằng những quy định của thông tư sẽ khiến trường CĐ gặp nhiều khó khăn trong việc tuyển sinh năm nay.

 Không phải vẽ ra một con đường vòng, thậm chí đôi lúc việc đăng ký vào học các trường này trở thành đường tắt để có thể vào ĐH với chất lượng thấp hơn so với yêu cầu 

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận

Cũng có đại biểu đặt ra trường hợp: những sinh viên đã thi ĐH có kết quả cao hơn điểm sàn nhưng lại chọn học CĐ thì được miễn thi 3 môn văn hóa sau khi đã tốt nghiệp CĐ muốn thi liên thông lên ĐH được không?

Ngoài ra, việc tính thời gian 36 tháng từ khi tốt nghiệp nên được xét theo năm.

Cụ thể là có những sinh viên tốt nghiệp vào khoảng tháng 9 nhưng kỳ thi tuyển sinh ĐH lại vào tháng 7, nếu phải thi ngay thì bất lợi cho các sinh viên này.

Có ý kiến vẫn băn khoăn với việc cho phép các trường ĐH đào tạo CĐ và TC.

Theo đại biểu của một trường CĐ tại Hà Nội, nếu còn quy định này các trường CĐ và TC sẽ không thể phát triển được vì hiện nay cứ phải chờ các trường ĐH tuyển sinh xong rồi thí sinh mới vào trường CĐ, TC.

Thí sinh nộp hồ sơ thi liên thông tại Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM năm 2012. Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Thí sinh nộp hồ sơ thi liên thông tại Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM năm 2012. Ảnh: Đào Ngọc Thạch.

Nhằm phân luồng học sinh phù hợp

Một năm thành lập 23 trường ĐH

Theo thống kê của Bộ, trong năm 2012 đã có 23 trường ĐH được thành lập. Trong đó chỉ 3 trường được thành lập mới và đều là trường tư thục. Còn lại là đa số các trường công lập được nâng cấp từ bậc học thấp hơn. Ông Nguyễn Văn Thành, Hiệu trưởng Trường ĐH Xây dựng, đưa ra cảnh báo: “Hiện nay cả nước có 30 cơ sở đào tạo kỹ sư công trình. Với tốc độ đào tạo như vậy thì 5 năm nữa ngành học này sẽ bão hòa và sinh viên sẽ không xin được việc làm. Trong khi đó, ngành học này đòi hỏi phải chất lượng, không thể đào tạo ra các kỹ sư dởm được”.

Trao đổi bên lề hội nghị tuyển sinh, PGS-TS Nguyễn Hội Nghĩa, Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, cho biết: “Việc ra đời thông tư để chấn chỉnh chất lượng cũng như phân luồng sinh viên là chủ trương rất đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, chuyển đột ngột từ thái cực quá dễ đến quá khó thì hơi “chặt” cho các trường cũng như cho sinh viên.

Thông tư có quy định chỉ tiêu liên thông không vượt quá 20% chỉ tiêu chính quy rồi. Bộ cũng có quyền kiểm tra, giám sát.

Với quy định này, rất nhiều em thi luôn vào ĐH, nếu không trúng tuyển mới vào CĐ và TCCN, nghề. Các em phải chờ đủ 3 năm mới thi liên thông thì nhóm sinh viên này cũng “nản” rồi”.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho rằng: “Các ý kiến có nói đến lợi ích của sinh viên, học sinh đang học tại các trường CĐ, TCCN nghề cũng như việc tuyển sinh của các trường này cần được cân nhắc và lưu tâm”.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Luận nhấn mạnh: “Chúng ta cũng cần nghĩ đến một điều lớn hơn nhiều. Đó là mục đích khi mở các trường nghề, TCCN là gì? Nhiệm vụ của hệ thống giáo dục trong việc phân luồng thế nào? Không phải vẽ ra một con đường vòng, thậm chí đôi lúc việc đăng ký vào học các trường này trở thành đường tắt (tắt chương trình, tắt yêu cầu) để có thể vào ĐH với chất lượng thấp hơn so với yêu cầu”.

Bộ trưởng phân tích: “Việc mở ra các trường này là để phân luồng học sinh. Chúng ra đang thiếu thợ thì phải đào tạo để học sinh thành những người thợ lành nghề chứ không phải học xong để thi lên ĐH. Nếu chỉ vì chuyện này thì mục tiêu mở trường nghề là thất bại”.

Để kết luận, Bộ trưởng khẳng định: “Chúng ta tôn trọng nguyện vọng học ĐH của tất cả thí sinh, tôn trọng mong muốn học tập suốt đời; dứt khoát mở một lối cho thí sinh học các trường này. Nhưng nếu ngay lập tức có thể vào học ĐH thì chủ trương phân luồng đặt ra từ đầu thất bại”.

Chấm dứt đào tạo thạc sĩ tràn lan

Về quy định đào tạo thạc sĩ mới ban hành, một vài trường vẫn đề nghị cho phép liên kết đào tạo thạc sĩ ngoài nhà trường. Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã kiên quyết từ chối.

Ông khẳng định: “Hiện nay việc đào tạo thạc sĩ đã quá tràn lan, cần phải chấm dứt, và còn có xu hướng phổ cập cả tiến sĩ. Vì vậy phải chấn chỉnh đối với bậc đào tạo này”.

Không đồng loạt đào tạo tín chỉ

Theo thống kê của Bộ, sau nhiều năm yêu cầu các trường chuyển sang hình thức đào tạo tín chỉ nhưng đến nay mới chỉ có hơn 100 trường trong số hơn 400 trường ĐH, CĐ thực hiện.

Vì thế, vừa qua Bộ đã ban hành nhiều văn bản quy định trường phải thực hiện đào tạo tín chỉ mới được tổ chức đào tạo liên thông, vừa học vừa làm... Điều này khiến nhiều trường kêu khó.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho rằng: “Những trường nào đủ năng lực thì làm, còn không làm được thì không phải chuyển sang một cách hình thức. Đã làm là phải thực chất, không nên chạy theo phong trào”.

Theo Thanh Niên

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG