Đây là lần thứ 30 Liên Hợp Quốc bỏ phiếu về lệnh cấm vận, theo Reuters.
Phát biểu tại cuộc họp của Đại hội đồng, Ngoại trưởng Cuba Bruno Rodriguez cho biết kể từ năm 2019, Mỹ đã “leo thang bao vây cấm vận xung quanh đất nước của chúng tôi, nhằm mục đích cố tình gây ra thiệt hại nặng nề cho các gia đình Cuba”.
Ngoại trưởng Rodriguez chỉ trích Tổng thống Mỹ Joe Biden vì tiếp tục chính sách “gây áp lực tối đa” của người tiền nhiệm Donald Trump thay vì nối lại chính sách “phá băng quan hệ” mà cựu Tổng thống Barack Obama đã đề ra trong năm cuối cùng cầm quyền.
Trong khi thừa nhận chính quyền Tổng thống Biden đã thực hiện một số động thái cực kỳ hạn chế để mở lại các chuyến bay, chuyển tiền và dịch vụ lãnh sự với Cuba, Rodriguez lập luận rằng “việc bao vây cấm vận, đã được thắt chặt đến mức cực đoan, tiếp tục là yếu tố trung tâm xác định chính sách Cuba của Mỹ”.
Ông Rodriguez cho biết kể từ khi Tổng thống Biden nắm quyền, lệnh cấm vận đã khiến nền kinh tế Cuba thiệt hại khoảng 6,35 tỷ đô la, tương đương hơn 15 triệu đô la mỗi ngày. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh không đổ lỗi cho Mỹ về tất cả các vấn đề của Cuba.
Mỹ lần đầu tiên bỏ phiếu trắng trong cuộc bỏ phiếu lên án lệnh cấm vận vào năm 2016, ngay sau khi ông Obama khôi phục quan hệ chính thức với hòn đảo này. Tuy nhiên, người kế nhiệm ông Obama là ông Trump đã nối lại nỗ lực của các tổng thống trước để cô lập Cuba.
Cả hai chính quyền của Tổng thống Trump và Biden đều viện dẫn vấn đề "nhân quyền" để biện minh cho hàng thập kỷ bị bóp nghẹt kinh tế Cuba, một lập luận mà Phó đại sứ Liên Hợp Quốc của Cuba, Yuri Gala, tuyên bố là phi lý.
Ông nói: “Nếu chính phủ Mỹ thực sự quan tâm đến hạnh phúc, nhân quyền và quyền tự quyết của người dân Cuba, thì họ có thể dỡ bỏ lệnh cấm vận.”
Lệnh cấm vận thương mại được đưa ra sau cuộc cách mạng năm 1959 của cố Chủ tịch Cuba Fidel Castro và đến thời điểm hiện tại hầu như không thay đổi.
Cuộc đối đầu kéo dài giữa hai nước chưa có dấu hiệu dịu xuống, bất chấp một số cử chỉ thiện chí trong những tháng gần đây. Chính quyền Tổng thống Biden hồi vào tháng 10 đã cung cấp 2 triệu đô la cứu trợ khẩn cấp sau cơn bão Ian cho Cuba. Nước này cũng tặng Cuba thiết bị chữa cháy sau vụ cháy kho chứa dầu trên hòn đảo vào tháng 8.