Chương trình Xúc tiến thương mại thị trường trong nước
Liên doanh tư nhân và Nhà nước trong sản xuất lâm sản
Những năm qua, hoạt động khai thác, chế biến và xuất khẩu lâm sản, nhất là chế biến đồ gỗ (CBĐG) của Việt Nam dần trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, hiện nay các cơ sở chế biến lâm sản ở Việt Nam sản xuất và xuất khẩu trên 3.000 mặt hàng khác nhau. Năm 2001, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ và dăm gỗ mới chỉ đạt 334 triệu USD (tính theo giá FOB), thì năm 2004 đã vượt trên 1,1 tỉ USD; năm 2008 giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 2,8 tỉ USD và năm 2010 là 3,5 tỉ USD.
Ông Nguyễn Tôn Quyền - Phó chủ tịch kiêm TTK Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam cho biết: năm 2000 cả nước chỉ có 1.200 doanh nghiệp chế biến gỗ thì đến năm 2009 đã tăng đến 2.500 doanh nghiệp. Ngành chế biến lâm sản và đồ gỗ Việt Nam đã tạo ra nhiều việc làm cho người dân, góp phần vào sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Tôn Quyền, các doanh nghiệp chế biến gỗ chưa có nhiều đổi mới công nghệ trong sản xuất mà chủ yếu chỉ làm gia công. Trong số 2.500 doanh nghiệp hoạt động ngành gỗ thì đã có hơn 50% là cơ sở chế biến quy mô nhỏ, trang thiết bị đơn giản, cũ kỹ. Số và chất lượng của đội ngũ công nhân trong ngành chưa đáp ứng yêu cầu, thiếu kỹ năng.
Sản xuất chế biến đồ gỗ VN cần sớm hiện đại hóa công nghệ để mở rộng thị trường ra thế giới . Ảnh: Việt Hương |
Về chủ trương liên doanh giữa tư nhân và Nhà nước trong sản xuất lâm sản, ông Vũ Long, chuyên gia kinh tế và chính sách lâm nghiệp (Hội khoa học lâm nghiệp Việt Nam) đề xuất liên doanh giữa khu vực công nghiệp chế biến gỗ tư nhân và khu vực lâm nghiệp Nhà nước trong phát triển rừng nguyên liệu. Theo đó, các hộ gia đình, nhân dân sẽ được các doanh nghiệp tạo điều kiện về vốn để đầu tư trồng rừng, “ngược lại họ phải có nghĩa vụ bán sản phẩm cho đối tác theo giá thị trường tại thời điểm tiêu thụ và nghĩa vụ trả nợ vốn vay. Được như vậy sẽ lợi đơn, lợi kép cho ngành lâm sản trong nước”, ông Long phân tích.
Để hiện thực hóa chủ trương này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hứa Đức Nhị đề xuất 5 vấn đề cần quan tâm: chính sách cho chế biến, xuất khẩu sản phẩm gỗ; mô hình liên doanh, liên kết giữa trồng rừng và chế biến; chính sách thúc đẩy thực hiện quản lý rừng bảo vệ và chứng chỉ rừng; mô hình doanh nghiệp hoặc liên kết các doanh nghiệp theo chuỗi khép kín từ trồng rừng, chế biến và xuất khẩu sản phẩm gỗ…
Việt Hương