Ngày 2/1, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị “Phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ phục vụ Chương trình điện hạt nhân”.
Ông Lý Quốc Hùng - Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ - cho biết, hiện nay nguồn nhân lực khoa học và công nghệ về điện hạt nhân của nước ta thiếu cả về số lượng và chất lượng, nhất là rất thiếu các nhà khoa học, kỹ thuật đầu đàn.
Theo tính toán của đơn vị này, số nhân lực khoa học và công nghệ về điện hạt nhân hạn chế làm việc chủ yếu trong các cơ quan như: Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam; Cục An toàn bức xạ và hạt nhân - Bộ Khoa học và Công nghệ; Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia TPHCM; Trường Đại học Bách khoa Hà Nội; Viện Vật lý - Viện Khoa học và công nghệ Việt Nam; Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội; Trường Đại học Đà Lạt; Tập đoàn Điện lực Việt Nam; Trường Đại học Điện lực.
Theo khuyến cáo của Tổ chức Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), Tập đoàn Điện lực Pháp, Tập đoàn Atoms Troyexport của Liên bang Nga và một số cơ quan về điện hạt nhân khác, nhân lực cần cho một nhà máy điện hạt nhân công suất 2.000 MW (2 lò phản ứng) khoảng 1.000 người có trình độ từ trung cấp đến đại học.
Trong điều kiện Việt Nam, để đảm bảo tiếp nhận chuyển giao công nghệ, vận hành, duy tu, bảo dưỡng nhà máy an toàn, cần khoảng 1.200 người có trình độ đại học (giai đoạn chuẩn bị đầu tư cần khoảng 100 người; giai đoạn đấu thầu dự án cần khoảng 140 người; giai đoạn xây dựng nhà máy, vận hành thử cần khoảng 960 người).
Hội nghị phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ phục vụ chương trình điện hạt nhân do Bộ Công Thương tổ chức ngày 2/1. Ảnh: BCT. |
Các vị trí trong một nhà máy điện hạt nhân được phân bổ nhân lực gồm 60 người ở bộ phận kiểm soát an toàn và bảo vệ bức xạ; 360 người ở khâu quản lý dự án; 10 người quản lý và lãnh đạo nhà máy; 140 người vận hành khai thác, điều hành các lò, 18 người làm nhiệm vụ an toàn, bảo đảm chất lượng; 300 người đảm nhiệm bảo trì và hỗ trợ kĩ thuật; 160 người làm nhiệm vụ hỗ trợ khác; 152 người cung cấp dịch vụ bên ngoài.
Trong trường hợp tái triển khai cả 2 dự án nhà máy điện hạt nhân (Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2, công suất 4.000 MW), sẽ cần 2.400 người có trình độ đại học.
Ngoài ra, kinh nghiệm của một số nước có ngành hạt nhân phát triển cho thấy, ngoài số nhân lực phục vụ trực tiếp cho nhà máy điện hạt nhân nêu trên còn cần khoảng 350 người có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ các chuyên ngành luật và pháp quy hạt nhân, các chuyên gia nghiên cứu và phát triển (chuyên gia R&D), các chuyên gia chu trình nhiên liệu... phục vụ nghiên cứu, quản lý, vận hành, khai thác, đảm bảo an toàn cho nhà máy điện hạt nhân.
Mặt khác, số lượng nhân lực nêu trên chưa tính đến nhu cầu nhân lực cho quản lý nhà nước, nghiên cứu viên tại các viện nghiên cứu và đội ngũ giảng viên trong cơ sở giáo dục. Nếu tính trung bình mỗi 12 nhân lực lao động trong ngành điện hạt nhân có tương ứng 1 nghiên cứu viên; 20 sinh viên cần có 1 giảng viên, tổng nhu cầu nhân lực cho nhóm này sẽ khoảng 250 người.
Để phát triển, đảm bảo nguồn nhân lực cho ngành điện hạt nhân, đại diện Bộ Công Thương cho rằng cần xây dựng chương trình đào tạo chuyên sâu về điện hạt nhân tại các trường đại học theo hướng hiện đại, phù hợp yêu cầu thực tiễn; đồng thời đẩy mạnh hợp tác quốc tế về đào tạo và nghiên cứu với các quốc gia có kinh nghiệm trong lĩnh vực điện hạt nhân, như Liên bang Nga, Nhật Bản, Pháp, Mỹ…