Lều chõng thời nay

Lều chõng thời nay
TP - Hôm nay, gần 1 triệu sĩ tử trên cả nước bước vào kỳ thi cam go, vốn được coi là bước ngoặt trong cuộc đời: Thi đại học! Mật độ giao thông tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, hai trung tâm đại học lớn nhất ở hai đầu đất nước, tăng đột biến.

> Khi sĩ tử vẫn mua may bán rủi
> Sĩ tử 'lều chõng', sờ đầu rùa thời @
> Bắt đầu kì thi Đại học: Băn khoăn với thiết bị thông minh

Người dân cảm nhận thấy rõ nét áp lực gia tăng lên cơ sở hạ tầng – xã hội vốn đã quá tải sẵn ở hai thành phố này.

Các gia đình nghèo như gồng mình lên để đưa con “lai kinh ứng thí”. Cảnh phụ huynh cùng sĩ tử ngơ ngác “tay bị, tay gạo”, đôi khi kèm theo cả con gà quê to tướng, đổ về các bến xe, bến tàu thủ đô những ngày này nhan nhản trên các trang báo mạng.

Dịch vụ nhà trọ, nhà nghỉ được mùa. Khát vọng “khoa bảng” từ ngàn đời hiển hiện trong đời sống xã hội rõ nét nhất trong những ngày này. Văn Miếu chật cứng sĩ tử đến cầu may, dịch vụ viết sớ, bán đồ cầu may đại loại như “cá chép vượt vũ môn” treo lủng lẳng khắp Văn Miếu.

Cả xã hội vào cuộc để “tiếp sức mùa thi”. Cảnh sát giao thông hoạt động hết công suất để tránh tắc đường, kẹt xe giờ sĩ tử đi thi. An ninh, trật tự, điện nước, y tế cũng phải đảm bảo ở mức tối đa cho một mùa thi an toàn, thành công. Bóng áo xanh tình nguyện của các tổ chức đoàn, hội, của các bạn trẻ giăng khắp phố phường.

Tinh thần thiện nguyện, những tấm lòng hảo tâm của nhà chùa, giáo xứ, của nhiều cá nhân và gia đình ở thành phố lan tỏa khắp nơi. Mừng là thấy được, thời nay những nét văn hóa truyền thống cao đẹp của dân tộc - sự hiếu học, tinh thần đùm bọc, tương trợ lẫn nhau - vẫn đang tồn tại và phát triển. Song lại lo, bởi sự học thời nay ồn ào và tốn kém quá.

Nhớ lại những năm 1980 của thế kỷ trước, thế hệ chúng tôi đi thi đại học mà nhẹ nhàng, im ắng như không. Báo đài cũng chả rầm rĩ vào cuộc như bây giờ. Thí sinh ở tỉnh nào, học cấp 3 ở đâu thi ở đó, ăn cơm nhà đi thi. Nói nhẹ nhàng là nhẹ nhàng cho xã hội, chứ thi cử thời đó chắc chắn nghiêm túc và khó khăn hơn bây giờ, 21-22 điểm đã được đi du học nước ngoài, cả trường huyện có khi chỉ dăm bảy người đỗ đại học.

Vẫn biết mỗi thời mỗi khác. Thế nhưng, liệu có cách thi cử nào xã hội đỡ tốn kém và xáo trộn hơn không? Tất cả các nước có nền giáo dục tiên tiến trên thế giới đâu có áp dụng cách thi cử tập trung như ở ta. Xét tuyển hoặc đề thi, cách thi, thời gian thi đều do từng trường quyết định.

Còn nếu giả như chưa đủ điều kiện để xét tuyển, để cho các trường tự chủ... chí ít cũng nên như thời xưa : Ở đâu thi ở đấy ! Phép toán vận trù học đơn giản cũng thấy lợi ích rõ ràng của nó, thay vì hàng triệu thí sinh phải di chuyển thì chỉ một lượng nhỏ giám thị tương ứng sẽ phải di chuyển mà thôi. Và do đó, không còn cảnh “cơm đường, cháo chợ”, cảnh tắc đường, kẹt xe... cho hàng triệu người khắp cả nước.

Nếu vẫn tiếp diễn cảnh hàng năm đến hẹn lại lên, người người lại ùn ùn lai kinh ứng thí, khác nào lều chõng ngày xưa?

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG