Gần 600 năm rồi, khi những lưu dân Nam tiến đầu tiên hạ quang gánh xuống đất Đàng Trong, là lúc chợ hình thành. Cái chợ họ mang theo trong tâm thức, giờ lại bày biện ra trên nền đất mới. Vẫn chợ làng, gắn với cây đa, mái đình, bến sông như từng thân thuộc nơi bản quán.
Những lưu dân xứ Thanh đầu tiên mở chợ nơi làng lụa Mã Châu đất Duy Xuyên xứ Quảng này. Nơi sinh ra bà chúa tằm tang Đoàn Quý Phi, chánh thất của chúa Nguyễn Phúc Lan. Để lừng lẫy suốt thời gian. Bến đò Tơ xưa, nay đã bồi lấp, bờ bãi hoang vắng lúp xúp những ngô khoai.
Vậy là tôi đang ngồi trên phiên chợ trầm tích dưới lớp đất còn ướt phù sa. Tìm nghe lại tiếng huyên náo của thương khách trên lớp sóng đò giang, giờ cũng chìm khuất dưới tầng sâu thời gian.
GS Trần Quốc Vượng phân loại chợ quê cổ truyền dựa vào không gian, thời gian, hàng hóa: Chợ núi, chợ sông, chợ đường; chợ làng, chợ tổng, chợ huyện, chợ tỉnh; chợ ngày, chợ phiên, chợ mai, chợ chiều; chợ gạo, chợ bò, chợ nón, chợ cá, chợ vải… Nhưng xứ Đàng Trong này, ngoài mái lá chợ quê, còn có những phiên chợ lênh đênh trên sóng biển dài suốt ngàn năm.
Chính giáo sư Vượng là người đã “đẩy ngược” những phiên chợ xuyên đại dương mà sử liệu ban đầu vốn ghi nhận xuất hiện từ thế kỷ XVI-XVII lên tới đầu Công nguyên. Khi cuối 1980 đầu những năm 1990 thế kỷ trước, ông cùng các cộng sự tổ chức khảo cổ tại Hội An, phát hiện tại các bến cảng nơi đây đầy những gốm Sa Huỳnh muộn - Chăm sớm, gốm văn in Hán - Lục triều, đồ bán sứ Đường, gốm Islam gốc Hồi, gốm sứ Tống - Nguyên - Minh Trung Hoa, gốm Heiden Nhật, tiền Nhật... Để minh chứng rằng những cư dân Sa Huỳnh, rồi Champa của vùng đất Amaravati đã từng nhộn nhịp thương thuyền đến từ các quốc gia thuộc nền văn minh Ấn Độ, và cả từ nền văn minh La Mã.
Bao năm ăn ở, đi về với Hội An, tôi luôn có cảm giác mỗi bước chân mình đang thả chậm rãi ấm áp trên nền hồi quang rực rỡ của cảng thị Faifo lớn nhất Đông Nam Á. Mùa xuân năm 1592, hai thương nhân đầu tiên Suetsugu và Funamoto (Nhật Bản) ghé Cửa Đại, đặt những dấu chân thương mãi đầu tiên. Để sau đó, thời cực thịnh, thương nhân Nhật Bản tại Hội An tới 100 nóc nhà với hàng ngàn nhân khẩu, trong một khu phố dài đến 3-4 dặm, ước chừng 2 cây số.
Rồi hình dung đám rước dâu giữa phố cổ của Araki Shutaro - thương nhân nổi tiếng Nhật Bản từng là một Samurai với công chúa Ngọc Khoa ái nữ của chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên. Năm 1619, sau lễ thành hôn, doanh nhân Nhật được Chúa ban tên Việt là Nguyễn Taro, hiệu Hiển Hùng. Hai vợ chồng góp công lớn mở mang thương mại ở Faifo. Sau đó bà theo chồng về Nhật, khi qua đời được thờ tại đền Daionji (Nagasaki) cho đến ngày nay. Ngót một trăm năm sau, năm 1695, Thích Đại Sán thiền sư người Trung Quốc tới chốn này, mô tả thuyền buôn “xa trông cách bờ, cột buồm như rừng tên xúm xít đậu chờ gió tại cửa Hội An…”. Và như ghi chép của giáo sĩ người Ý Christofoco Borri “trong khoảng hơn 100 dặm người ta có thể đếm được trên 60 hải cảng, nơi cập bến lên bộ, trong đó Hội An là hải cảng đẹp nhất, được tất cả các ngoại kiều đến và ở đây”.
Những phiên chợ kéo dài giữa hai mùa gió. Đầu năm lập xuân, gió mùa đông bắc đưa các thuyền buôn chở hàng từ Nhật Bản, Trung Quốc đến, cùng các thương khách phương Tây Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hà Lan, Ý Đại Lợi, Pháp, Anh… Đến tháng 7-8, khi gió mùa đông nam còn thổi và báo hiệu mùa mưa bão sắp đến, đoàn thuyền buôn bắt đầu rời Hội An về nước. Theo những cánh buồm viễn dương tỏa ra khắp đại dương là sản vật Đàng Trong, từ rừng xuống biển: Gỗ, quế, song mây, trầm hương, kỳ nam, xạ hương, thuốc nam, da thú, ngà voi, tiêu, cau, sáp ong, mật ong, tơ lụa, gốm, đường phèn, chè, mật mía, hải sâm, đồi mồi, vây cá, ốc hương, yến sào…
*
Cảm xúc thật khó tả khi bám theo từng bậc thang bước xuống con tàu cổ chìm dưới lòng biển đã ngót 700 năm. Xác tàu được đánh giá còn nguyên vẹn nhất so với các tàu cổ ở Đông Nam Á và thế giới được khai quật từ xưa đến nay. Nguyên vẹn long cốt, đầu thuyền, mạn, bánh lái, đáy… Sóng gió nơi cửa Châu Thuận Biển (Bình Sơn, Quảng Ngãi) được quây nhốt xung quanh bằng bức tường thép cao hơn 4 m, nhường lại một khoảnh rộng chừng 200m2 khô ráo giữa lòng biển. Để lần đầu tiên có cảnh các nhà khảo cổ ngồi hít thở khí trời và tha hồ sờ mó, đo đếm di chỉ, hiện vật ngay dưới… đáy biển.
Chiếc tàu buôn ấy chưa xác định được của nước nào, chở đầy gốm Chu Đậu bị chìm tại cửa biển còn có tên Vũng Tàu này. Có lẽ một đêm nào đó từ tầng dưới con tàu gỗ bỗng dưng phát hỏa. Những thương khách kịp thoát thân, còn đồ gốm trước khi chìm xuống biển nhiều chỗ nóng chảy dính chặt vào nhau. “Vũng Tàu” là nơi neo đậu tàu của một thương cảng cổ, nhưng giờ đây với người dân, cũng có nghĩa là nơi chôn giấu những xác tàu bị bão tố, tai nạn nhấn chìm cách nay nhiều thế kỷ. Dưới lòng biển này đang còn những xác tàu như vậy. Giới nghiên cứu đang tìm dấu vết của một nhánh biển nối thông Vũng Tàu với cảng Sa Kỳ cách đó hơn hai cây số, nay đã bị vùi lấp, nhà cửa, xóm chài mọc lên san sát.
Hơn 4.000 cổ vật đa phần là gốm Chu Đậu niên đại từ thế kỷ XIII trên con tàu buôn xấu số đã không đến được đích. Nhưng con đường gốm sứ lênh đênh trên các phiên chợ đại dương suốt nhiều thế kỷ đã đưa gốm Việt đi khắp nơi. Từ mảnh gốm hoa lam tìm thấy trong ngôi mộ ở Dazaifu Nhật Bản có niên đại 1330. Đến gốm Việt thế kỷ XV-XVI ở Fustat, Altur trên bán đảo Sinai (Ai Cập), tại Okinawa, Osaka, Hakata, Sakai, Hiroshima (Nhật Bản). Riêng Đông Nam Á, phát hiện 32 địa điểm khảo cổ có gốm Việt…
Cũng như con tàu buôn 700 năm vừa khai quật nghiên cứu xong, giờ tạm vùi cất lại vào lòng biển, con đường của những phiên chợ viễn dương dài suốt ngàn năm trên biển, nay sóng gió cũng đã xóa đi dấu vết.
Tất nhiên, giờ đây thay vào là những bến cảng hiện đại, những con tàu khổng lồ bằng sắt thép có thể chở được máy bay, xe tăng trong những chuyến hải hành dài như vô tận. Nhưng đó chỉ đơn thuần là thứ cỗ máy vận tải, chứ không mang đến hương vị “chợ” thấm đẫm từ những nền văn hóa.
Mãi nhớ thương những phiên chợ lênh đênh trên con tàu gỗ với cánh buồm vươn cao và những mái chèo khua nhẫn nại trên mặt đại dương, suốt ngàn năm…
Xứ Quảng, 2016