Lên kế hoạch bảo vệ rùa Hoàn Kiếm

Cá thể rùa Hoàn Kiếm ở hồ Đồng Mô được cứu hộ năm 2008. Ảnh: ATP.
Cá thể rùa Hoàn Kiếm ở hồ Đồng Mô được cứu hộ năm 2008. Ảnh: ATP.
TP - Tại Hội nghị Bảo vệ các cá thể rùa hoang dã trên hồ Đồng Mô và hồ Xuân Khanh sáng qua (10/5), đại diện các cơ quan từ trung ương đến địa phương đề xuất nhiều giải pháp trước mắt và lâu dài bảo vệ loài hai cá thể rùa Hoàn Kiếm - loài rùa quý hiếm nhất thế giới.

Đưa rùa Hoàn Kiếm từ hồ Xuân Khanh về Đồng Mô

“Các cá thể rùa hoang dã trên hồ Đồng Mô và hồ Xuân Khanh” ở phần tên Hội nghị được hiểu là 2 cá thể rùa Hoàn Kiếm của Việt Nam, 2/4 cá thể rùa Hoàn Kiếm của thế giới. Một cá thể sống ở hồ Đồng Mô, phát hiện năm 2007, một cá thể ở hồ Xuân Khanh vừa được công bố tháng trước sau khi các mẫu gene môi trường được chuyên gia Mỹ phân tích và khẳng định loài.

Được UBND thành phố giao là cơ quan chủ trì phối hợp cùng các sở, ngành liên quan lên phương án bảo vệ, bảo tồn cá thể rùa Hoàn Kiếm, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội đã dự thảo kế hoạch Bảo vệ rùa Hoàn Kiếm hoang dã tại hồ Đồng Mô và hồ Xuân Khanh, cùng thuộc thị xã Sơn Tây, Hà Nội.

Kế hoạch đề xuất 5 nhóm giải pháp bảo vệ rùa Hoàn Kiếm gồm tăng cường công tác thông tin tuyên truyền như phát loa truyền thanh ở các xã ven hồ, ký cam kết giữa chính quyền, chủ hồ, người dân địa phương về việc bảo vệ rùa Hoàn Kiếm. Hai là, kiểm soát chất lượng nước trong hồ bằng việc lấy mẫu định kỳ một tháng một lần để đánh giá, kiểm tra chất lượng nước hồ. Ba là đánh giá trữ lượng các loài thủy sản trong hồ, thả cá bảo vệ nguồn lợi thủy sản, cân bằng môi trường sinh thái kết hợp nguồn thức ăn tự nhiên cho rùa. Cụ thể định kỳ một năm hai lần đánh giá trữ lượng các loài động thực vật thủy sinh trong hồ, xây dựng phương án thả bổ sung các loài cá bản địa, các loài có giá trị kinh tế cao để cân bằng môi trường sinh thái, bảo vệ nguồn lợi thủy sản đồng thời tạo nguồn thức ăn tự nhiên cho rùa.

Bốn là giải pháp bảo vệ trực tiếp gồm tổ chức đoàn tuần tra liên ngành thường xuyên kiểm tra, theo dõi nhằm ngăn chặn hành vi gây hại cho rùa, có phương án di chuyển rùa từ hồ Xuân Khanh về hồ Đồng Mô để thuận tiện công tác chăm sóc bảo vệ. Cuối cùng, nghiên cứu tìm kiếm các cá thể mới, xác định giới tính cá thể rùa Hoàn Kiếm cũng như thành lập khu bảo tồn rùa Hoàn Kiếm ở hồ Đồng Mô.

Đại diện các cơ quan trung ương, địa phương, tổ chức bảo tồn như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội, Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, đại diện Chi cục Kiểm lâm, Chi cục Thủy sản, công an thành phố Hà Nội, Chương trình Bảo tồn rùa châu Á thống nhất với các phương án trên, trong đó nhấn mạnh việc di chuyển rùa từ hồ Xuân Khanh về hồ Đồng Mô.

Theo Chương trình bảo tồn rùa châu Á (ATP), việc để 2 cá thể rùa Hoàn Kiếm riêng rẽ 2 nơi sẽ không có nhiều ý nghĩa cho công tác bảo tồn phát triển loài. Trong khi đó, đại diện Tổng cục Thủy sản, cho rằng, việc bảo tồn chuyển vị (đưa cá thể được bảo tồn sang nơi khác) là phù hợp trong điều kiện hiện nay để có thể bảo vệ, nhân giống phát triển loài nếu điều kiện cho phép.

Để thực hiện việc này, các chuyên gia đề xuất xây dựng khu bảo tồn rùa hoang dã tại hồ Đồng Mô, Hà Nội. Trên hồ Đồng Mô có hòn đảo diện tích gần 5000 m2 đã được ATP khảo sát và lựa chọn cho việc xây dựng cơ sở bảo tồn loài. Tại đây, công tác chăm sóc cứu hộ sẽ được tiến hành trong điều kiện môi trường được kiểm soát. Sau đó các chuyên gia sẽ thực hiện xác định giới tính của 2 cá thể rùa Hoàn Kiếm này.

Khảo sát các hồ lớn ở Hà Nội để tìm rùa Hoàn Kiếm

Cùng việc bảo vệ hai cá thể rùa Hoàn Kiếm, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề xuất tiến hành khảo sát, theo dõi các hồ thuộc địa bàn Hà Nội để xác nhận thêm cá thể hoang dã còn sót lại. Việc khảo sát sẽ thực hiện ở các hồ Xuân Khanh, Đồng Mô (Sơn Tây), Suối Hai (Ba Vì), Đồng Sương, Văn Sơn (Chương Mỹ) và Tuy Lai (Mỹ Đức). Bên cạnh đó, thu mẫu và phân tích gene với các cá thể rùa mai mềm do người dân bắt được tại khu vực hồ Xuân Khanh và hồ Đồng Mô để không bỏ sót cá thể rùa Hoàn Kiếm cỡ nhỏ.

Theo ATP, rùa Hoàn Kiếm phân bố một vùng rộng lớn ở gồm Bắc bộ và Bắc trung bộ. 18 tỉnh thành từng ghi nhận dấu vết của loài rùa này. ATP đã khoanh vùng 16 khu vực tiềm năng có thể có rùa Hoàn Kiếm. Việc xác định loài trước đây rất khó khăn do loài rùa có tập tính bí ẩn. Tuy nhiên, khó khăn nay sẽ được khắc phục nhờ kỹ thuật gene môi trường. Hiện nay, các chuyên gia Mỹ đang có mặt tại Việt Nam để chuyển giao kỹ thuật gene môi trường. Việc xác định loài sẽ trở nên đơn giản hơn.

Tuy nhiên, đại diện các cơ quan liên quan như kiểm lâm, thủy sản, môi trường, khoa học cho rằng, đây là giải pháp lâu dài. Trước mắt sẽ tập trung điều tra, khảo sát tổng thể để có thêm thông tin về cá thể rùa Hoàn Kiếm mới phát hiện, tăng cường công tác tuyên truyền, bảo vệ cá thể rùa Hoàn Kiếm mới phát hiện. Ưu tiên bảo tồn tại vị trí, sau đó sẽ tính đến phương án chuyển vị, đưa cá thể rùa Hoàn Kiếm ở hồ Xuân Khanh về hồ Đồng Mô.

MỚI - NÓNG