Lê Tú Chinh: Chạy qua gian khổ, vươn tới vinh quang

Lê Tú Chinh: Chạy qua gian khổ, vươn tới vinh quang
TP - Hỏi có thích danh hiệu “nữ hoàng tốc độ”, từng được gắn với Vũ Thị Hương hay không, Tú Chinh nhỏ nhẻ lắc đầu rồi bảo danh xưng đó chỉ thích hợp với đàn chị của mình, Chinh còn phải phấn đấu nhiều. Rụt rè, có phần nhút nhát, nhưng cô gái này cứ thế chinh phục các đỉnh cao.

Với giới điền kinh Việt Nam và Đông Nam Á, cái tên Vũ Thị Hương đã quá lừng lẫy. Từ SEA Games 2005 tới 2013, cô gái sinh năm 1986 tại Thái Nguyên đã đoạt 7 HCV ở hai cự li 100m và 200m nữ. Với Vũ Thị Hương, điền kinh Việt Nam giữ thế thống trị các cự li ngắn trong khu vực qua nhiều năm liền. Nói như dân điền kinh, Hương cứ bước ra đường chạy, “vù” 1 cái là có HCV.

Chạy qua hết đỉnh cao này tới đỉnh cao khác

100m nữ là cự li danh giá bậc nhất của môn điền kinh. Danh xưng “nữ hoàng tốc độ” cự li ngắn gắn với Vũ Thị Hương, tương tự như với Trương Thanh Hằng ở hai cự li trung bình, 800m và 1.500m. Khi Vũ Thị Hương bất ngờ tuyên bố giải nghệ trước thềm SEA Games 2015, làng điền kinh Việt Nam không khỏi sốc. Lý do bởi thời điểm trên, dù phong độ không còn ở đỉnh cao, Vũ Thị Hương vẫn được xác định thừa sức đoạt HCV SEA Games. Thế nên, sự xuất hiện của Lê Tú Chinh đã khiến giới chức điền kinh Việt Nam thở phào một cái. A, đây rồi!

Lê Tú Chinh chỉ được biết tới sau tấm HCV cự li 200m tại giải điền kinh trẻ châu Á 2016 tổ chức tại TPHCM. Nhưng sau đó, cô khiến giới chuyên môn và truyền thông phải nhắc đi nhắc lại tên khi liên tiếp đoạt danh hiệu mới ở một giải đấu khác. Trong số này gồm trọn bộ 4 HCV cự li ngắn tại giải VĐQG diễn ra sau giải đấu trên, HCĐ cự li 100m ở Grand Prix và 2 HCV (100m, 200m) ở giải Thái Lan mở rộng 2017. Thành tích chạy 100m ở giải Thái Lan mở rộng, tổ chức trước thềm SEA Games 29 của Tú Chinh là 11 giây 47, vượt thành tích đoạt HCV SEA Games 28 của Kayla Richardson (Philippines, 11 giây 76). Đây chính là cơ sở để giới điền kinh đặt niềm tin, Chinh sẽ đoạt vàng tại SEA Games 29.

Và mọi thứ đã diễn ra đúng như vậy, thậm chí vượt cả mong đợi. Tại đại hội vừa diễn ra ở Kuala Lumpur (Malaysia), cô gái mới 20 tuổi lần lượt chinh phục hai HCV các cự li 100m và 200m nữ. Ở cự li 100m, Tú Chinh cán đích với thời gian 11 giây 56, bỏ xa người về nhì là VĐV nước chủ nhà Malaysia, Zulkifli tới 20% giây.

Lê Tú Chinh: Chạy qua gian khổ, vươn tới vinh quang ảnh 1 Ảnh: TTXVN.

Trên trang facebook cá nhân, thấy “nữ hoàng tốc độ” Vũ Thị Hương tấm tắc khen ngợi và động viên người đàn em. Trước SEA Games 29, Vũ Thị Hương từng nhiều lần dự đoán, Tú Chinh sẽ là người kế tục xứng đáng, thậm chí đủ khả năng vượt qua mình ở đấu trường khu vực. Tuy nhiên không chỉ dừng lại ở đó, bộ tứ VĐV Việt Nam gồm Lê Tú Chinh, Lê Thị Mộng Tuyền, Đỗ Thị Quyên và Trần Thị Yến Hoa còn tiếp tục đoạt thêm chiếc HCV cự li 4x100m nữ, phá thế thống trị của người Thái suốt hơn 1 thập niên. Trưởng Bộ môn Điền kinh (Tổng cục TDTT) phân tích, cự li 4x100m đòi hỏi sự phối hợp giữa các VĐV phải cực tốt. Điểm gây ngạc nhiên ở chỗ, trong 4 cô gái trên thì Tú Chinh tập luyện tại TPHCM, 3 cái tên còn lại ở… Hà Nội. Bốn người chỉ lắp ráp với nhau một thời gian ngắn trước SEA Games. Thành tích 43 giây 88 của cả bốn đã phá kỷ lục 44 giây của SEA Games, do người Thái thiết lập trong 10 năm. Cá nhân Lê Tú Chinh hoàn tất cú “hat-trick” vàng.

Trước SEA Games, Tú Chinh từng gặp vấn đề tâm lý. Cô gái 20 tuổi chưa quen với sự nổi tiếng, bỗng bị mất ngủ khi được nhắc tới nhiều. HLV Nguyễn Thị Thanh Hương lo lắm, bởi với dân chạy, mất ngủ là hỏng. Với kinh nghiệm lâu năm, bà Hương đã phải “xoay” cho cô học trò nhỏ cân bằng lại trạng thái tâm lý. Vào giải, Lê Tú Chinh ngắt hết mọi liên hệ có thể khiến phân tâm chuyên môn, từ điện thoại, facebook và… cách li cả bạn trai.

Lê Tú Chinh: Chạy qua gian khổ, vươn tới vinh quang ảnh 2 HCV chạy tiếp sức.

“Sóng sau đè sóng trước” và giấc mơ châu lục

Sinh năm 1997, Tú Chinh sớm mồ côi mẹ từ khi mới 6 tuổi. Ông Lê Thành Nhân cứ cặm cụi kiếm tiền nuôi con ăn học. Cho tới khi lọt vào “mắt xanh” HLV Nguyễn Thị Thanh Hương, Tú Chinh vẫn là một cô bé “cao, gầy, loắt choắt”, nhưng rất nhanh nhẹn. Đấy là ấn tượng của bà Hương khi bắt gặp Lê Tú Chinh ở trường Tiểu học Tuy Lý Vương (Quận 8, TPHCM). Từ đó tới nay, cô và trò cứ gắn bó với nhau, lần lũi qua hết gian khó này tới vất vả khác, rồi chạm đỉnh vinh quang.

Vắng mẹ từ nhỏ, sự ân cần chỉ bảo của HLV Nguyễn Thị Thanh Hương khiến Tú Chinh không khỏi cảm thấy ấm áp và an toàn. Ông Lê Thành Nhân chia sẻ, từ lúc con gái theo nghiệp điền kinh với HLV Nguyễn Thị Thanh Hương, ông cũng yên tâm hơn với công việc mưu sinh để lo cho con. Bản thân ông Nhân cũng nhiều lúc ngạc nhiên, con bé vốn ốm yếu, nhút nhát, lại mạnh mẽ đến vậy trên đường chạy. Nhắc tới Lê Tú Chinh khi còn tập luyện ở nhà, bà Hương lại thấy thương. VĐV trẻ thông thường đều vào Trung tâm HLTT thành phố để tập. Riêng Chinh nhất quyết xin về nhà, rồi hàng ngày đều đặn vào Trung tâm tập luyện. Cộng với việc không học bổ túc mà vẫn muốn học chính quy, lịch học và chạy của Tú Chinh hàng ngày thường bắt đầu từ tờ mờ sáng tới tối mịt. Bà Hương sau tìm hiểu mới biết, gia đình khó khăn nên cô bé muốn xin về nhà để được nhận thêm tiền hỗ trợ. Khoản tiền chưa đến triệu/tháng, nhưng với cô bé đã là lớn, trang trải nhiều thứ trong gia đình.

Với những người gắn với điền kinh Việt Nam lâu năm, thì giữa Vũ Thị Hương với Lê Tú Chinh gần như không có điểm chung nào. Đàn chị Vũ Thị Hương sôi nổi, tràn trề sức sống ở ngoài đời bao nhiêu thì đàn em lại rụt rè, bẽn lẽn bấy nhiêu. Trên đất Malaysia, hỏi Chinh có thích danh xưng “nữ hoàng tốc độ” mới của Việt Nam hay không, cô bé rụt rè nói mình còn phải rèn luyện nhiều, chưa dám so với chị. Ấy thế nhưng khi vừa giành HCV, Tú Chinh lập tức “báo cáo” chị Hương. Hai chị em cứ động viên qua lại nhau, khiến người ngoài không khỏi cảm động.

Theo Trưởng Bộ môn Điền kinh Dương Đức Thuỷ, Tú Chinh có những phẩm chất đặc biệt, độ dài bước chân của cô vào loại hiếm của điền kinh Việt Nam xưa tới nay. Sự vượt trội ở cư li ngắn khiến Tú Chinh có thể trở thành “hạt nhân” ở các cự li đồng đội. Ông Thuỷ dự đoán, Chinh có thể tiến xa hơn ở cự li 200m nữ. Thời đỉnh cao, Vũ Thị Hương từng đoạt 1 HCĐ và 1 HCB Asiad. Thông số tốt nhất cự li 200m của Vũ Thị Hương là 23 giây 30. Thế nên, không phải không có cơ sở khi nhận định, Tú Chinh cần nỗ lực hơn nếu muốn vượt lên tầm châu lục. Đây cũng là giấc mơ của cô, như chia sẻ sau khi đoạt HCV ở hai cự li 100m, 200m SEA Games 29.

MỚI - NÓNG