Lễ hội Tràng An, tưởng nhớ công đức Đức thánh Quý Minh Đại Vương

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Sau thời gian dài phải tạm dừng do dịch COVID-19, Ninh Bình chính thức khai mạc lễ hội Tràng An tại đền Trần (đền Nội Lâm) ở Tràng An để tưởng nhớ công đức Đức thánh Quý Minh Đại Vương.

Đúng 8h sáng ngày 17/4 (17/3 Âm lịch), Lễ hội Tràng An chính thức bắt đầu. Sau hồi trống khai hội trên bờ và màn đánh trống trên đò vang lên giục giã, đoàn rước hàng trăm người khiêng kiệu và rước bài vị tế Đức thánh Quý Minh Đại Vương cùng hàng nghìn du khách lên đò tạo nên một không khí lễ hội vừa trang nghiêm, vừa không kém phần sôi động.

Lễ hội Tràng An, tưởng nhớ công đức Đức thánh Quý Minh Đại Vương ảnh 1

Lãnh đạo tỉnh Ninh Bình tại Lễ hội Tràng An. Ảnh: N.L

Xuất phát từ bến thuyền Tam Quan, đoàn rước vượt qua 5km đường thủy, xuyên qua các hang động trên dòng sông Ngô Đồng. Sau chừng hơn một tiếng diễu hành trên mặt nước, đoàn rước đến đền Nội Lâm để cử hành các nghi thức tế lễ. Các hoạt động phần lễ được thực hiện mang nhiều yếu tố tâm linh và linh thiêng, đáp ứng nhu cầu của con người luôn hướng và tìm về nguồn cội, thể hiện rõ những ước muốn của con người thông qua các nghi lễ với đất trời, tổ tiên, với các thánh, thần để cầu mong một cuộc sống bình an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi…

Lễ hội Tràng An, tưởng nhớ công đức Đức thánh Quý Minh Đại Vương ảnh 2

Màn trống khai mạc Lễ hội Tràng An. Ảnh: N.L

Hành trình rước kiệu tiến về đền Trần để tham dự lễ hội, du khách được thả mình vào không gian thiên nhiên, chiêm ngưỡng cảnh vật của một "vịnh Hạ Long trên cạn" nên thơ, trữ tình với những thung nước trong xanh, những hang động lấp lánh áng nước, ánh nhũ, thư thái ngắm nhìn dòng nước trong xanh ẩn dưới đó là những dải rêu xanh, những thảm thực vật đa màu sắc hòa cùng âm vang của tiếng mái chèo khua nhẹ trên sông.

Những chiếc thuyền luồn qua hàng chục hang động, những thung nước mênh mông xanh biếc, đoàn thuyền dừng lại ở bến đò đền Trần. Lúc này, du khách tiếp tục hành trình bằng hình thức leo núi để đến khu vực đền Trần.

Lễ hội Tràng An, tưởng nhớ công đức Đức thánh Quý Minh Đại Vương ảnh 3

Du khách tại bến thuyền Tràng An. Ảnh: N.L

Đường núi dốc, hẹp, lại đông người nhưng du khách không hề cảm thấy mỏi mệt bởi ở đây cây cối xanh tươi, không khí mát dịu như tiếp thêm sức lực và sự hào hứng để mỗi người vững tin bước vào nơi thờ tự linh thiêng đã tồn tại hàng nghìn năm lịch sử.

Ở Ninh Bình, Đức thánh được thờ tại một số nơi như đình làng Sinh Dược, xã Gia Sinh (Gia Viễn); núi Cánh Diều (thành phố Ninh Bình); núi Thiện Dưỡng, đền Kê Thượng, xã Ninh Vân (Hoa Lư) và ở đền Trần thuộc Khu du lịch sinh thái Tràng An.

Lễ hội Tràng An, tưởng nhớ công đức Đức thánh Quý Minh Đại Vương ảnh 4

Thuyền rồng tại lễ hội.

Đền Trần được vua Đinh Tiên Hoàng xây dựng vào thế kỷ thứ X với mong muốn mượn uy danh của Thánh để trấn trạch theo 4 hướng Đông-Tây-Nam-Bắc. Đây còn là nơi vua Trần Thái Tông sau khi dẹp giặc Mông xâm lược (1258) đã vào đây tu hành. Ngôi đền cũ bằng gỗ do Đinh Tiên Hoàng đế xây dựng đã đổ nát và nhà Trần cho xây dựng lại bằng các cột đá rất nổi tiếng còn lại nguyên vẹn cho đến ngày nay, được nhân dân quen gọi là đền Trần vì được xây dựng lại từ thời nhà Trần.

Đền Trần nằm giữa một vùng sơn thủy hữu tình thuộc Khu du lịch sinh thái Tràng An. Tại Đền Trần có 4 cột đá được chạm khắc bộ tứ linh (long, ly, quy, phượng) hết sức độc đáo, thực sự là những tác phẩm nghệ thuật tinh xảo do ông cha để lại.

Lễ hội Tràng An, tưởng nhớ công đức Đức thánh Quý Minh Đại Vương ảnh 5

Du khách trên dòng sông Ngô Đồng. Ảnh: N.L

Tham gia Lễ hội Tràng An, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của địa thế Tràng An "núi là thành, sông là đường, hang động là cung điện", với sự hấp dẫn ở hệ thống những hang động, những thung nước liên hoàn, tạo thành một vòng tròn khép kín mà còn thấy hào hứng, thú vị bởi đường đi - lối về trong một hành trình tham gia lễ hội không hề lặp lại.

Lễ hội Tràng An, tưởng nhớ công đức Đức thánh Quý Minh Đại Vương ảnh 6

Lễ hội Tràng An 2022 nhìn từ trên cao.

Dòng sông Ngô Đồng không chỉ làm du khách mê mải thưởng thức cảnh non nước hữu tình mà còn đắm mình với những làn điệu văn hóa truyền thống của nhiều dân tộc, đến từ nhiều vùng miền trong cả nước, như hát then, đàn tính, hát xoan, quan họ, nhã nhạc cung đình, đờn ca tài tử… Lúc này, dòng sông Ngô Đồng trở thành một dòng sông di sản của các làn điệu dân ca được sắp xếp biểu diễn tại mỗi khúc sông, đoạn núi để du khách vừa ngắm nhìn thiên nhiên tươi đẹp vừa nghe da diết những làn điệu dân ca đặc sắc.

Nhà sử học Dương Trung Quốc, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam: theo truyền thuyết dân gian Đức thánh Quý Minh Đại Vương, là một trong ba anh em - ba vị tướng đã được phong Thánh (Đức thánh Tản Viên, Đức thánh Cao Sơn và Đức thánh Quý Minh), là người có công trấn ải Sơn Nam, bảo vệ đất nước thời vua Hùng Duệ Vương (tức Hùng Vương thứ 18).

Ngài là một "thượng đẳng thần", được các triều vua qua nhiều triều đại ban chiếu sắc phong, được nhân dân khắp nơi thờ phụng, trở thành Thành hoàng làng ở nhiều nơi, nổi tiếng là vị thần linh ứng khi dân gian cầu đảo. Đức thánh Quý Minh Đại Vương là một trong những vị thần được thờ tụng theo tín ngưỡng dân gian.

MỚI - NÓNG