Ngày 30/3, tại di tích Nghinh Lương Đình bên bờ sông Hương thơ mộng thuộc quận Phú Xuân (TP Huế) diễn ra buổi lễ đón nhận danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia dành cho lễ hội điện Huệ Nam. Sự kiện có sự tham dự của các lãnh đạo thành phố Huế, đại diện các ban, ngành địa phương cùng đông đảo người dân, du khách, cộng đồng thánh môn đệ tử thờ Mẫu. Ảnh: TTBTDTCĐ. |
Trước đó, vào cuối năm 2024, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 3981/QĐ-BVHTTDL, đưa lễ hội điện Huệ Nam vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ảnh: TTBTDTCĐ Huế. |
Lễ hội điện Huệ Nam (hay còn gọi là điện Hòn Chén) là một lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa dân gian pha trộn với yếu tố cung đình Huế, được tổ chức tại điện Huệ Nam thuộc làng Hải Cát, phường Long Hồ (quận Phú Xuân, TP Huế). Ảnh: TTBTDTCĐ Huế |
Qua hàng trăm năm tồn tại và phát triển, lễ hội ngày càng khẳng định sức sống bền bỉ, thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân và du khách. Ban đầu, lễ hội chỉ gói gọn trong khu vực điện thờ, sau đó mở rộng đến dân làng Hải Cát và dần phổ biến rộng rãi trong cộng đồng. Ảnh: TTBTDTCĐ Huế. |
Ngày nay, lễ hội điện Huệ Nam mang đậm dấu ấn của tín ngưỡng thờ Mẫu, trở thành sản phẩm văn hóa tiêu biểu của xứ Huế và lan tỏa mạnh mẽ đến nhiều vùng miền trên cả nước. Lễ hội diễn ra hai lần mỗi năm vào tháng 3 và tháng 7 âm lịch với nhiều nghi thức trang trọng như lễ cung nghinh Thánh Mẫu, rước Hội đồng Tứ phủ, lễ cáo yết, lễ chánh tế, và nghi lễ hầu đồng tại điện Huệ Nam và đình làng Hải Cát. Ảnh: TTBTDTCĐ Huế. |
Ông Phan Thanh Hải - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP Huế - cho biết kể từ sau khi đất nước giành độc lập, lần đầu tiên trong khuôn khổ Festival Huế 2022, nghi lễ cung nghinh Thánh Mẫu bằng đường bộ được tái hiện, tạo điểm nhấn quan trọng cho lễ hội. Đây cũng là cơ sở để duy trì nghi thức rước này 2 năm một lần, giữ gìn nét văn hóa độc đáo mà tiền nhân đã để lại. Ảnh: TTBTDTCĐ Huế. |
Lễ hội điện Huệ Nam không chỉ đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh của người dân mà còn góp phần làm phong phú đời sống văn hóa địa phương. Các nghi thức trong lễ hội như lễ cung nghinh, lễ tế, hầu đồng, và các nghi lễ diễn xướng khác thể hiện sự gắn kết giữa con người với thế giới tâm linh, qua đó giúp bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống quý báu. Ảnh: TTBTDTCĐ Huế. |
Theo ông Phan Thanh Hải, lễ hội điện Huệ Nam được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là niềm tự hào lớn của người dân Huế. Đây là di sản do cộng đồng nắm giữ và chung tay bảo vệ, góp phần gìn giữ nét đẹp văn hóa dân tộc. Trong thời gian tới, ngành văn hóa sẽ tham mưu UBND TP Huế triển khai các đề án bảo tồn và phát huy giá trị của lễ hội, nhằm lan tỏa hơn nữa tầm quan trọng của di sản này trong bối cảnh xã hội hiện đại. Ảnh: TTBTDTCĐ Huế. |
|
Trước buổi lễ trao danh hiệu, ban tổ chức đã tiến hành nghi lễ cung nghinh Thánh Mẫu và Hội đồng Tứ phủ từ Thánh đường 352 Chi Lăng lên Nghinh Lương Đình, với sự tham gia của hàng trăm người. |
Sau khi hoàn tất các nghi lễ tại đây, đoàn tiếp tục di chuyển bằng thuyền trên sông Hương, tiến về điện Huệ Nam (phường Long Hồ, quận Phú Xuân) để thực hiện các nghi thức truyền thống, khép lại một sự kiện mang nhiều ý nghĩa trong đời sống văn hóa tín ngưỡng của người dân xứ Huế và cộng đồng thánh môn đệ tử thờ Mẫu. Ảnh: TTBTDTCĐ Huế. |