Bức tranh lần đầu được mở toàn bộ trước công chúng vào 16/3 tại Đại bảo tháp Tây Thiên, xã Đại Đình, Tam Đảo, Vĩnh Phúc. Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa đích thân gia trì cho tranh và cử hành lễ cầu nguyện hòa bình thế giới, quốc thái dân an. Đây cũng là Ngày Văn hóa Phật giáo Ấn Độ tại Việt Nam do T.Ư Hội Phật giáo và Hội Hữu nghị Việt Nam- Ấn Độ tổ chức với nhiều hoạt động văn hóa tâm linh đặc sắc. Lễ công nhận bức tranh lập kỷ lục Việt Nam cũng được cử hành cùng ngày tại bảo tháp Tây Thiên. Vào dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, VietKings từng trao kỷ lục tranh thêu trên lụa lớn nhất 5,5 x 31m cho bức Cội xưa nặng tới 1,2 tấn.
Hình thức tranh cuộn thongdrol thêu hình Phật trên gấm phổ biến ở các quốc gia vùng Himalaya. Để phục vụ những lễ hội Phật giáo với lượng người tham dự có thể lên đến chục vạn, những bức tranh cần có kích thước lớn và thường được treo trên tường của các pháo đài hoặc trên vách núi. Có những bức đạt tới chiều cao 63m. Những bức tranh mang ý nghĩa tâm linh đặc biệt này thường chỉ được mở ra trong những kỳ hội lớn. Sự xuất hiện của dòng tranh này tại Việt Nam là hi hữu vì tranh trên vải vốn khó thích ứng với khí hậu nóng ẩm.
Cùng với Phật Quan Âm ở trung tâm, bức tranh lập kỷ lục Việt Nam còn có các hình ảnh Phật Văn Thù, Kim Cương Thủ, Ngũ Trí Phật. Với diện tích gần 200m2, nặng hơn 100kg, tranh cần 60 người phục vụ khai mở. Với kích cỡ này, đáng ra tranh phải mất một năm để thực hiện nhưng 40 nghệ nhân vẽ, thêu, may… đã gấp rút làm trong 6 tháng để kịp khai mở dịp Lễ hội Quan Âm Đại bảo tháp Tây Thiên.
Không chỉ có kích thước khổng lồ, bức tranh còn là kiệt tác nghệ thuật Phật giáo độc bản theo chuẩn mực cao nhất của Hoàng gia Bhutan. Trong suốt quá trình sáng tác, để đảm bảo sự tập trung, các nghệ nhân và thợ thủ công cùng làm việc trong một hội trường lớn phải giữ gìn kỷ luật và rèn luyện tinh thần như tu sĩ Phật giáo trong các kỳ chuyên tu nhập thất. Mỗi nét vẽ, mũi kim, đường chỉ của họ do đó đều mang ý nghĩa dâng cúng lên chư Phật, thấm đượm những nguyện ước thành kính để tình yêu thương của Đức Quan Âm nơi bức tranh được ban trải tới mọi hữu tình chúng sinh... Toàn bộ quá trình được thực hiện dưới sự giám sát nghiêm ngặt của các Thượng sư (Rinpoche). Mỗi bước đều được thực hiện theo các nghi lễ tâm linh và khi hoàn thiện có nghi thức gia trì, tịnh hóa riêng để đảm bảo sự thanh tịnh và linh thiêng của tranh theo đúng truyền thống Phật giáo Himalaya.
Thongdrol tức tranh thêu hình Phật trên gấm cỡ lớn mỗi khi khai mở trong các đại lễ văn hóa Phật giáo vùng Ấn Độ- Himalaya, thu hút hàng vạn người tới chiêm bái. Với các bức tranh cổ và hiếm, tần suất khai mở rất hi hữu. Người dân nơi đây tin năng lượng và từ trường an lành của tranh khi mở ra giúp giải trừ chướng ngại, mang đến cuộc sống hòa bình, thịnh vượng. Truyền thống văn hóa tâm linh đặc sắc này góp phần thu hút du khách khắp thế giới đổ về các lễ hội như Hemis (Ladakh- Ấn Độ), Punakha (Bhutan)...