Lấy văn hóa nuôi văn hóa, bớt xây dựng công trình văn hóa không phát huy hiệu quả

TPO - Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, cần đầu tư vào công nghiệp văn hóa, lấy văn hóa nuôi văn hóa, ngược lại nên giảm bớt xây dựng các công trình thể thao, văn hóa không phát huy hiệu quả.

Tổng nguồn lực giai đoạn 2025 - 2030 khoảng 122.250 tỷ đồng

Tiếp tục chương trình phiên họp, sáng 8/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035.

Tại tờ trình mới nhất, Chính phủ đề xuất tổng các nguồn lực huy động để thực hiện Chương trình giai đoạn 2025 - 2030 dự kiến là 122.250 tỷ đồng.

Trong đó, vốn ngân sách trung ương hỗ trợ trực tiếp được bố trí tối thiểu 77.000 tỷ đồng; ngân sách địa phương khoảng 30.250 tỷ đồng và vốn huy động hợp pháp khác khoảng 15.000 tỷ đồng.

Lấy văn hóa nuôi văn hóa, bớt xây dựng công trình văn hóa không phát huy hiệu quả ảnh 1

Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Trịnh Thị Thủy

Chính phủ dự kiến tổng các nguồn lực huy động để thực hiện Chương trình giai đoạn 2031 - 2035 là 134.000 tỷ đồng. Thời gian thực hiện trong 11 năm, chia làm các giai đoạn.

Cụ thể, trong năm 2025 sẽ thực hiện các hoạt động xây dựng cơ chế chính sách, hệ thống các văn bản hướng dẫn thực hiện các nhiệm vụ của chương trình, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cán bộ quản lý…

Sang giai đoạn 2026 - 2030, tập trung giải quyết các vấn đề hạn chế, thách thức đặt ra trong thời gian qua; triển khai các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra đến 2030.

Đến giai đoạn 2031 - 2035, tiếp tục xây dựng, phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa trở thành sức mạnh nội sinh, động lực để phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.

Thẩm tra về tổng mức đầu tư, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, Ủy ban cơ bản nhất trí với dự kiến tổng mức đầu tư và các nguồn vốn để thực hiện chương trình.

“Việc bố trí nguồn lực thỏa đáng là cần thiết để cụ thể hóa đầy đủ, hiệu quả các quan điểm, chủ trương của Đảng về phát triển văn hóa”, ông Vinh nêu.

Về nội dung này, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, tổng mức đầu tư của chương trình rất lớn. Do vậy, cần đánh giá kỹ quy mô, khả năng huy động, bảo đảm tính khả thi, phù hợp với khả năng đáp ứng của nguồn lực quốc gia, sử dụng hiệu quả ngân sách.

Về dự kiến kế hoạch bố trí và tiến độ nguồn vốn, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ cân nhắc, điều chỉnh mức phân bổ kinh phí theo hướng tập trung nhiều hơn cho giai đoạn 2028 - 2030 để phù hợp với thực tiễn công tác chuẩn bị và triển khai thực hiện.

Ngoài ra, Ủy ban Văn hóa cũng đề nghị Chính phủ xác định rõ nguồn vốn thực hiện Chương trình năm 2025 trong kế hoạch phân bổ vốn đầu tư trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 để có cơ sở triển khai thực hiện.

Lấy văn hóa nuôi văn hóa, bớt xây dựng công trình văn hóa không phát huy hiệu quả ảnh 2

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định. Ảnh: QH

Nhiều cơ sở văn hóa mỗi năm chỉ có mấy hoạt động

Nêu ý kiến tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định băn khoăn về việc bố trí vốn chương trình năm 2025 như thế nào? Có bố trí được vốn không, nếu có thì có “tiêu” được 400 tỷ trong năm 2025 không?

Ông Nguyễn Khắc Định đề nghị nên tập trung phát triển vào những ngành không cần dùng nhiều ngân sách nhà nước. Ông viện dẫn văn hóa trong phòng, chống lụt bão, tinh thần tương thân tương ái, đùm bọc,chia sẻ ngọt bùi của các tầng lớp nhân dân.

“Theo báo chí, có những xã nghèo họ nói, khi chúng tôi khó khăn, đồng bào miền Bắc chia sẻ ngọt bùi với chúng tôi, thì nay người miền Bắc gặp khó khăn, mỗi gia đình góp 500 nghìn... Đó là văn hóa chứ là gì? Những cái không cần đến ngân sách nhà nước, chỉ cần động viên giáo dục truyền thống mà vẫn đẩy lên được”, ông Định bày tỏ.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, cần đầu tư vào công nghiệp văn hóa, lấy văn hóa nuôi văn hóa, còn ngân sách nhà nước không có nhiều. Bên cạnh đó, ông Định cũng đề nghị nên giảm bớt xây dựng, vì tiền bỏ ra xây dựng không biết bao nhiêu cho đủ.

"Xây xong không phát huy hiệu quả thì không nên xây. Giờ mỗi tỉnh bảo phải 3 thiết chế văn hóa thể thao đồng bộ, có khi xây xong để đó, lãng phí lắm. Nhiều cơ sở văn hóa xây xong, một năm có mấy hoạt động thôi’, ông Định nhấn mạnh.

Giải trình, tiếp thu sau đó, Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Trịnh Thị Thủy cam kết thực hiện các chương trình đầu tư "có trọng tâm, trọng điểm" chứ không đầu tư một cách dàn trải, lãng phí.

MỚI - NÓNG