“Lấy thằng cha ấy, coi như có tới hai bà mẹ chồng”

“Lấy thằng cha ấy, coi như có tới hai bà mẹ chồng”
Anh bảo: “Giá mà hồi đó anh nghe em, bớt bớt một chút những thứ rắc rối không cần thiết...”. Nghe những lời này, tôi bỗng thấy tội nghiệp anh. Nhưng bát nước đã đổ đi rồi, làm sao hốt lại cho đầy?

> Thất vọng chồng Tây
> Nhật ký bà vợ đã ly hôn

Tôi nhận được điện thoại của Tùng trong lúc đang dự đám cưới con gái của một người bạn. Anh bảo: “Em đến nghen, anh mong lắm”. Tôi do dự: “Nhưng em đang bận. Lát nữa phải đi đón con. Hôm nay nó học thêm...”. Cứ tưởng nói vậy thì anh sẽ thôi không nằn nì nữa, nào ngờ anh lại nói: “Em nhờ xe ôm đón con cũng được mà. Anh muốn đến chỗ em nhưng mệt quá...”.

Nghe đến đấy thì tôi đã mềm lòng. Tôi bảo cô bạn: “Anh Tùng bệnh, mình muốn về sớm để ghé thăm anh ấy”. Vừa nghe vậy, cô bạn đã nhăn mặt: “Trời, cậu còn nắm níu thằng cha ấy làm gì? Còn chưa đủ mệt mỏi hay sao?”. Tôi cười: “Quên hết rồi”. Cô bạn tôi cũng bật cười: “Cho mình gởi lời thăm thằng cha rắc rối ấy”.

Bạn bè và người thân của tôi đều biết Tùng kỹ tính. Đối với anh, mọi thứ lúc nào cũng phải sạch sẽ, tinh tươm. Khi mới quen nhau, tôi thấy điều đó là bình thường, thậm chí còn thấy thích. Ngồi sau xe anh, tôi hay áp má vào lưng anh để được ngửi thấy mùi da thịt hòa quyện với mùi áo quần thơm tho và mùi nước hoa thoang thoảng, nhẹ nhàng. Về đến nhà anh, tôi yêu căn phòng của một ngươi đàn ông độc thân nhưng lúc nào cũng gọn gàng, ngăn nắp. Đặc biệt, nhà anh lúc nào cũng có hoa tươi. Những lọ hoa cao, thấp, vuông, tròn... dành riêng cho từng loại hoa.

Có lần tôi tò mò: “Chắc anh mất nhiều thời gian lắm cho những việc này?”. Anh gật đầu: “Ít nhất là 4 tiếng mỗi ngày đấy em à. Tính anh không chịu được sự lượm thượm”. “Sao anh không thuê người ta làm cho đỡ mất thời gian?”. Anh lắc đầu: “Anh thích tự tay làm lấy. Như vậy mới vừa ý mình”. Tôi đùa: “Anh hay thật đấy. Sau này, ai làm vợ anh, chắc sẽ sướng lắm...”.

Thật lòng, lúc đó, tôi cũng nghĩ như vậy. Với một người chồng như thế thì bất cứ người phụ nữ nào làm vợ anh cũng sẽ... khỏe re.

Thế nhưng khi tôi nói điều này với bạn bè, ai cũng can ngăn: “Loại đàn ông kỹ tính như thế, khó chơi lắm”. “Lấy thằng cha ấy, coi như có tới hai bà mẹ chồng”. “Không khéo rồi, vợ chồng cắn đắng vì chuyện ấy”. Tôi bỏ ngoài tai tất cả những lời khuyên can...

... Nhớ đến đấy, bất giác tôi phì cười. Dù phải chia tay nhau vì không chịu nổi sự trái khoáy ấy của Tùng, nhưng tôi không ghét bỏ mà chỉ thấy anh đáng thương như một đứa trẻ. “Anh bệnh như vậy mà còn dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, hoa tươi vẫn đầy khắp các phòng... Em phục anh thật đấy”. Nhìn mọi thứ trong nhà, tôi buột miệng. Tùng lắc đầu: “Anh đâu có làm. Người giúp việc làm đấy”.

À, có tiến bộ đây. Tôi đi một vòng khắp nhà rồi quay lại ngồi cạnh anh: “Gọi em sang làm gì? Em thấy anh đâu đã nằm liệt giường mà phải gọi em đến? Nhưng mà này, sao bên ngoài gọn gàng, còn trong phòng làm việc của anh hôm nay bừa bộn thế?”. Tùng cười: “Nó bừa bộn từ lâu rồi. Từ khi em và con ra đi...”.

Rồi anh kể, có lần, anh buồn tình nhậu sỉn về, để nguyên quần áo leo lên giường ngủ. Rồi hôm sau, thức dậy, nhìn đồng hồ thấy đã muộn, anh không kịp ủi quần áo, thế là mặc đồ nhăn đi làm. Buổi trưa về, đói bụng quá, anh ăn tạm chén cơm nguội rồi chẳng buồn dọn dẹp, lăn ra ngủ vùi...

“Tức cười lắm! Chẳng biết sao lúc đó anh lại nhớ đến đêm tân hôn của tụi mình. Hôm đó, dù biết em rất mệt và buồn ngủ nhưng anh vẫn dựng dậy, bắt em ngồi chờ để anh dọn dẹp, trải lại dra, mắc lại mùng... Đúng là buồn cười thật”. Tôi cũng bật cười: “Hồi đó, em có tật đọc sách để dỗ giấc ngủ, vậy mà anh lại bắt em đọc xong phải cất đúng vào chỗ cũ rồi mới được ngủ. Cất xong sách thì em lại tỉnh rụi. Lại đọc, lại cất...”. “Em còn có tật hay vứt remode tivi lung tung...”.

Chúng tôi cứ thi nhau kể lại những chuyện không đâu như vậy rồi cười như trẻ nhỏ. Mãi đến khi thấy đã gần 11 giờ đêm, tôi mới giật mình: “Em phải về kẻo con trông”. Đang vui, mặt Tùng bỗng đượm buồn: “Em nè, anh muốn nói chuyện này... Em nán lại một chút nữa được không?”. “Chuyện gì mà trông mặt anh có vẻ quan trọng vậy?”.

Tùng ngập ngừng giây lâu: “Anh thấy thật tiếc cho chuyện của mình. Phải chi anh đừng quá xét nét, khó khăn với em, với con thì sự thể đâu đến nỗi nào... Thú thật, ngày trước, anh không nghĩ những chuyện nhỏ như vậy lại có thể thành vấn đề lớn trong cuộc sống vợ chồng. Giá mà hồi đó anh nghe em, bớt bớt một chút những thứ rắc rối không cần thiết...”.

Nghe những lời này, tôi bỗng thấy tội nghiệp anh. Nhưng bát nước đã đổ đi rồi, làm sao hốt lại cho đầy? Và điều quan trọng nhất là liệu khi tôi quay về thì những rắc rối của anh cũng theo đó mà trở lại? Làm sao tôi có thể tin chắc rằng anh đã thật sự thay đổi?

Như đoán được suy nghĩ của tôi, anh khẽ khàng nắm lấy tay tôi: “Anh không có ý mong em quay lại mà chỉ muốn em biết điều gì đã xảy ra với anh. Có những điều mà trong một thời gian rất dài, mình cứ nghĩ đó là đúng, là tốt nhất nhưng chỉ sau một đêm, mọi thứ đã đảo lộn. Anh chỉ muốn em và con nhìn anh khác đi...”.

Tối đó, khi tôi kể những điều này với con, thằng bé kêu lên: “Mẹ cứ cho ba một cơ hội đi. Biết đâu ba đã sửa đổi rồi? Chắc ba đã thấm đòn vì cái tật... kỳ khôi của mình”.

Thằng bé nói đúng. Hơn bốn chục tuổi đầu, ba nó mới nhận ra rằng, nước trong quá thì không có cá, người xét nét quá thì suốt đời cô đơn...

Thế nhưng nhận ra điều đó không có nghĩa là sẽ thay đổi bởi tính cách của một con người được hình thành trong cả một quá trình. Với Tùng, những điều đó đã ăn sâu vào tâm khảm, trở thành “thâm căn cố đế” thì làm sao mà anh sửa được?

Theo Bích Phượng
Người lao động

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG