Lây nhiễm trong cộng đồng không rõ nguồn: 9 chùm ca bệnh rất phức tạp

0:00 / 0:00
0:00
Chùm ca bệnh phát sinh tại nhà thuốc Đức Tâm tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, liên quan nhiều địa bàn Ảnh: Hoàng Mạnh Thắng
Chùm ca bệnh phát sinh tại nhà thuốc Đức Tâm tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, liên quan nhiều địa bàn Ảnh: Hoàng Mạnh Thắng
TP - Ngày 20/7, Hà Nội tiếp tục ghi nhận hàng chục ca dương tính SARS-CoV-2, trong đó, chùm ca bệnh mới phát hiện tại nhà thuốc Đức Tâm lây lan khá nhanh với hơn chục ca mắc, liên quan nhiều địa điểm ở thủ đô.

Sáng 20/7, Hà Nội công bố ghi nhận 19 ca dương tính SARS-CoV-2, trong đó có 3 nhân viên nhà thuốc Đức Tâm (95 Láng Hạ, Đống Đa). Trước đó, ngay trong đêm 19/7, lực lượng chức năng quận Đống Đa đã phong tỏa tạm thời khu vực nhà thuốc Đức Tâm và gần 10 hiệu thuốc liền kề, kể cả khu tập thể xung quanh với khoảng 300 người dân đang sinh sống để truy vết, xét nghiệm, phun khử khuẩn. Đến trưa 20/7, theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, thành phố ghi nhận thêm 21 ca, riêng chùm ca bệnh tại nhà thuốc Đức Tâm có thêm 8 trường hợp dương tính SARS-CoV-2, liên quan nhiều địa điểm tại các quận Hoàn Kiếm, Nam Từ Liêm, Hà Đông, Hai Bà Trưng và huyện Hoài Đức.

Tầm soát các trường hợp ho, sốt, mất vị giác

Sáng 20/7, tại cuộc họp giao ban Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 thành phố Hà Nội, ông Chu Ngọc Anh, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho rằng, chùm ca bệnh ở nhà thuốc Đức Tâm là rất phức tạp. Bên cạnh hơn chục ca dương tính đã được ghi nhận, một số trường hợp F1 liên quan địa chỉ này đang có dấu hiệu trở thành F0.

Ông Ngọc Anh cho rằng, nhà thuốc Đức Tâm đã thực hiện không nghiêm túc chỉ đạo của thành phố về việc kiểm soát người đến mua thuốc điều trị ho, sốt; chưa thực hiện tốt việc phối hợp thông báo thông tin về các trường hợp ho, sốt để xét nghiệm mà để xảy ra lây nhiễm; khi có triệu chứng bệnh mới đi xét nghiệm. Ông biểu dương việc Sở Y tế đình chỉ cơ sở này, đồng thời yêu cầu xem xét xử lý trách nhiệm về việc để lây lan dịch bệnh…

Cần nâng cao năng lực bảo quản vắc-xin

Chiều 20/7, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường làm việc với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội. Ông đề nghị CDC Hà Nội kiểm tra, rà soát lại các kho, tủ lạnh bảo quản vắc-xin cũng như năng lực bảo quản hiện nay. Trong trường hợp quá tải về năng lực bảo quản, CDC Hà Nội cần phối hợp chặt chẽ với Quân khu Thủ đô, Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư… để sẵn sàng chuyển vắc-xin về bảo quản dự phòng. “Khi chuẩn bị cho chiến dịch tiêm chủng, cần tính đến cả tình huống xấu nhất, kịch bản xấu nhất để lên kế hoạch thực hiện sẵn sàng, tránh bị động”, ông nói.

CDC Hà Nội hiện mới chỉ trang bị hệ thống dây chuyền lạnh bảo quản chủ yếu các vắc-xin từ 2-8 độ C, có 6 tủ bảo quản được tối đa 60.000 liều ở điều kiện từ âm 15 đến âm 25 độ C, chưa trang bị bảo quản đối với vắc-xin yêu cầu nhiệt độ âm sâu. Do đó, CDC Hà Nội chỉ có thể tiếp nhận và triển khai tiêm khi vắc-xin đã được rã đông và bảo quản ở nhiệt độ 2-8 độ trong khoảng thời gian quy định cho phép. Bên cạnh đó, 69 tủ ở các trạm y tế bị hỏng đang chờ bố trí nguồn kinh phí để sửa chữa. Hà Nội hiện có hơn 1.200 dây chuyền tiêm với hơn 820 điểm tiêm chủng tại 579 xã, phường, thị trấn và xây dựng kế hoạch tiêm lên đến 200.000 mũi/ngày.

Hà Minh

Với việc phát hiện chùm ca bệnh mới tại nhà thuốc Đức Tâm, từ ngày 5/7 đến chiều 20/7, Hà Nội ghi nhận 9 chùm ca bệnh phức tạp, liên quan nhiều địa chỉ. Thành phố hiện có 45 điểm phong tỏa tại 17 quận, huyện. Lãnh đạo Hà Nội cho rằng, tình hình dịch diễn biến phức tạp, nguy cơ cao, khó lường, vì thế, thành phố đã tăng cường 2 “cánh quân”. Một là tầm soát các trường hợp ho, sốt, mất vị giác; hai là tầm soát các khu vực nguy cơ cao để khóa chặt mầm bệnh.

Hà Nội sẽ xét nghiệm sàng lọc các trường hợp ho, sốt, không có yếu tố dịch tễ trên địa bàn để phát hiện nguy cơ trong cộng đồng, lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội cho biết.

Kiểm soát người về từ vùng dịch

Theo số liệu báo cáo, lưu lượng người dân từ vùng dịch về Hà Nội vẫn nhiều. Ngày 19/7 có 1.377 khách từ TPHCM về qua đường hàng không; 3.190 khách thuộc các tuyến từ Đà Nẵng trở vào về Thủ đô qua đường bộ… “Đây là nguy cơ lây lan dịch bệnh rất lớn, nếu không bám sát di biến động dân cư từ cơ sở mà để trễ chỉ 1-2 ngày thôi thì rất nguy hiểm”, ông Ngọc Anh nói.

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, đại diện lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội cho rằng, dù tình hình phức tạp, nhưng đến thời điểm hiện tại, thành phố vẫn kiểm soát tốt tình hình. Theo vị này, với các chùm ca bệnh được phát hiện những ngày qua qua truy vết triệt để, đều đã cơ bản xác minh được nguồn lây, liên quan yếu tố từ ngoài xâm nhập vào, không phải là dịch bệnh phát sinh trong nội bộ thành phố. “Việc các chùm ca bệnh phát sinh lốm đốm trong thời gian qua là một yếu tố giúp chúng ta chủ động rà soát, ngăn chặn dịch bệnh lây lan, khoá chặt nguồn lây, tránh tình trạng cùng một lúc bung ra số lượng lớn, lúc đó thì rất khó khăn để phòng chống”, vị này nhận định.

Theo đại diện lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội, khoảng 10.000 mẫu xét nghiệm các trường hợp diện nguy cơ cao ở Hà Nội đã có kết quả xét nghiệm âm tính SARS-CoV-2. Những trường hợp này gồm công nhân làm việc tại Khu công nghiệp Thăng Long (huyện Đông Anh); người làm dịch vụ vận tải, lái xe, phụ xe đường dài, nhân viên bán vé, người làm việc thường xuyên tại một số bến xe lớn của thành phố hoặc lái tàu, nhân viên phục vụ, kiểm soát trên tàu hoặc tại nhà ga; tiểu thương, người thường xuyên làm việc tại các chợ đầu mối, chợ dân sinh; người làm dịch vụ bảo vệ chuyên nghiệp; công nhân vệ sinh tại các quận, huyện…

Phải đảm bảo đủ ôxy cho các khu điều trị

Ngày 20/7, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng đoàn công tác đến kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại Bình Dương, chỉ đạo tỉnh nhanh chóng trang bị đủ ôxy cho các khu điều trị.

“Bình Dương khẩn trương trang bị khoảng 1.000 khẩu ôxy cho các khu điều trị để kịp thời can thiệp điều trị, cứu chữa trong trường hợp bệnh nhân diễn biến nặng, tránh tình trạng thiếu khi cần xử lý không kịp”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói. Khẩu là bộ phận nối bình ôxy với các thiết bị dùng để điều trị bệnh nhân. Theo Phó Thủ tướng, việc phòng chống COVID-19 tại Bình Dương không chỉ là tính cho tỉnh mà nên tính cho cả TPHCM là địa phương giáp ranh. Năng lực điều trị F0 tại Bình Dương cần tính dôi ra, để khi dịch bệnh tại tỉnh được khống chế, tỉnh có thể sẵn sàng hỗ trợ TPHCM và các tỉnh lân cận.

Đến kiểm tra tại Công ty Cổ phần Khí đặc biệt Việt Nga (Khu công nghiệp Việt Nam-Singapore), Phó Thủ tướng đề nghị Ban giám đốc Công ty khẩn trương nâng công suất sản xuất khí ôxy để phục vụ nhu cầu điều trị bệnh nhân COVID-19 cho tỉnh Bình Dương. Theo tính toán sơ bộ, mỗi điểm điều trị cần khoảng 5 m3 ôxy/ngày. Vì vậy, Phó Thủ tướng giao UBND tỉnh Bình Dương chủ động tính toán chi phí để kịp thời trang bị đủ ôxy cho các khu điều trị.

UBND tỉnh Bình Dương kiến nghị Chính phủ, Bộ Y tế chi viện thêm khoảng 200 bác sĩ, 250 điều dưỡng và hỗ trợ 50 máy thở, trang thiết bị test COVID-19… Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo Bộ Y tế tăng cường bác sĩ, trang thiết bị y tế, thiết bị thở ôxy… để hỗ trợ theo đề nghị của Bình Dương. Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, số ca mắc mới và tổng số ca của Bình Dương thường bằng 1/10 số ca của TPHCM, vì vậy, có nhiều cách làm của TPHCM có thể áp dụng cho Bình Dương.

(HƯƠNG CHI)

MỚI - NÓNG