Lấy lời khai học sinh vụ 231 cái tát, sao bắt trẻ tái lại chấn thương?

TPO - Sự việc học sinh hứng 231 cái tát đã xảy ra, “nạn nhân”  không chỉ là học sinh bị tát mà tất cả những em học sinh phải tát bạn là những người đang chịu tổn thương. Họ không phải là những “tội phạm” khi bị điều tra như vậy.

Phòng GD&ĐT huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) xác nhận, đơn vị này vừa nhận được báo cáo số 46 từ Ban Giám hiệu Trường THCS Duy Ninh, xã Duy Ninh về việc nhà trường đã điều tra các học sinh bằng phiếu điều tra liên quan đến vụ em H.LN (11 tuổi) bị 231 cái tát gây xôn xao dư luận.

Hiệu trưởng nhà trường lý giải việc buộc 23 học sinh trong lớp liên quan đến việc tát em N. viết lời khai với 19 câu hỏi chỉ là phiếu điều tra, khảo sát bình thường nhằm làm "sáng tỏ" về 231 cái tát.

Bắt các em "trải nghiệm lại chuyện ấy"

TS Tâm lý Trần Thành Nam, ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng, mục đích của nhà trường muốn xác minh sự việc này như thế nào thì đấy là việc đúng, không ai phản đối cả. Tuy nhiên, cách thức nhà trường đang làm thì không phù hợp, và thể hiện sự không hiểu biết về mặt tâm lý của trẻ.

TS Thành Nam nhấn mạnh, nếu khi nhà trường làm phiếu khảo sát như vậy thì ở đây thầy cô như đóng vai cảnh sát chứ không phải là người làm giáo dục nữa.

“Sự kiện đã xảy ra, “nạn nhân” là em học sinh bị tát và tất cả những em học sinh phải tát bạn. Họ không phải là những tội phạm khi bị điều tra như vậy”- TS Nam nhấn mạnh

Xét ở khía cảnh ảnh hưởng tâm lý thì sao?, TS Nam cho rằng, nếu những sự kiện ấy là những sự kiện mà không mấy tốt đẹp, gây tổn thương, sau khi tát bạn về thấy hối hận và lo lắng, sợ bị trả thù, không đúng với bản thân thì bây giờ cách thức điều tra, khai lại toàn bộ ấy cũng giống như việc “tái lại chấn thương”.  Sự việc này giống như kiểu sẽ hỏi một em  bị xâm hại tình dục suốt ngày bị hỏi bị xâm hại ở đâu, như thế nào, mô tả lại thế nào?

“Cái đấy chả khác gì các cô đang làm cho các con “trải nghiệm lại chuyện ấy””- TS Nam khẳng định.

TS Vũ Thu Hương, giảng viên ĐH Sư phạm Hà Nội cũng cho rằng, việc phát phiếu điều tra với các em học sinh là một cách giải quyết cực kì tồi tệ, vô trách nhiệm và hết sức áp đặt.

Theo TS Hương, với tư cách là  một giáo viên, hiệu trưởng lôi vụ việc đó ra làm trò đấu tố, rõ ràng là muốn uốn các con sang trò nói dối, tạo các bằng chứng giả để giảm nhẹ ác cảm cũng như hình phạt nếu trường có thể bị liên đới trách nhiệm.

“Tôi cho rằng, là giáo viên, khi mình sai, phải nhận lỗi và thể hiện động thái sửa lỗi, sao lại đẩy các em làm việc này”- bà Hương nhấn mạnh.

Tất cả các em đang tổn thương, sao các cô ích kỷ như vậy?

TS Tâm lý Trần Thành Nam cho rằng, mục đích của cô muốn thu thập thông tin. Điều đáng bàn là cách thức lấy thông tin để phù hợp tâm lý lứa tuổi thì nên làm thế nào cho phù hợp còn bắt trả lời bằng phiếu, còn ghi tên cụ thể của các con, liệu rằng có nguy cơ gì cho đứa trẻ đằng sau không?  Liệu rằng đứa trẻ có trả lời thực sự theo sự thật hay là trả lời theo một trông đợi xã hội nào đấy để cho các yếu tố khác của nhà trường đạt được.

“Ví dụ, các cô làm việc này vì muốn xã hội nhìn nhận lại vụ việc một cách đơn giản hơn. Nhà trường cảm thấy sự việc này không phải hoàn toàn lỗi của nhà trường, lỗi của cô. Nếu ở trong khía cạnh đó, nhà trường đã bắt học sinh ghi “giấy trắng mực đen” thì các cô hơi ích kỷ. Đây là việc xuất phát từ nhu cầu của người quản lý, chứ không đặt quyền lợi của học sinh khi lên trên khi xác minh sự việc này khi đã xảy ra”- TS Nam nhấn mạnh.

Vậy làm thế nào để xác minh lại sự việc? TS Nam cho rằng, tất cả các em đang tổn thương. Tất cả các việc làm sau đấy với các em cần có sự tư vấn về chuyên môn. Nhà chuyên môn nếu muốn thu thập thông tin thì ngoài mục tiêu thu thập thông tin nhưng phải có thêm một mục tiêu khác trong quá trình này, đó là, phải xác định các em có tổn thương gì và hỗ trợ các em ra sao. Vì thế, vụ việc này thì không nên để nhà trường hay  giáo viên làm.

Họ cần phải mời chuyên gia tâm lý về làm. Buổi nói chuyện diễn ra trong không gian riêng tư, bí mật. Em nào muốn nói thì nói và người tổng hợp thông tin phải khách quan, sau khi họ thu thập lại thì báo cáo lại.

“Ở đây các cô thu thập điều tra ra giấy, ghi cả tên. Như thế, có học sinh khai thật vì lo lắng hơn vì các em lại lo việc trả lời của mình có ảnh hưởng đến cô và các bạn mình hay không. Như vậy, rất khó các em hòa nhập lại quá trình học tập”- TS Nam chia sẻ.

Cũng theo TS Nam, các học sinh không có lỗi, các em chỉ là nạn nhân mà thôi, các em rất cần hòa nhập lại với lớp học. Việc này của nhà trường không chỉ phản cảm mà còn phản giáo dục. Mục tiêu của cuộc khảo sát này không vì quyền lợi, mục đích các em. Nó chỉ vì mục tiêu của nhà trường, vẫn chỉ là đang bảo vệ cái gì đó của nhà trường thôi.

Còn TS Vũ Thu Hương cho rằng, sự việc này thể hiện người hiệu trưởng này không chấp nhận rằng mình sai, mình cần phải sửa lỗi, muốn ép phần sai sang phía trẻ em hoặc muốn chứng minh là mọi việc không quá nghiêm trọng như báo chí đăng tin.

“Với một người lớn mà đạo đức không ổn, người hiệu trưởng này hoàn toàn không đủ điều kiện về tư cách đạo đức để giảng dạy đạo đức cho trẻ. Như thế có nghĩa là điều kiện để trở thành giáo viên cũng không đủ chứ đừng nói là người đứng đầu nhà trường”- TS Hương nhấn mạnh.

Trường THCS Duy Ninh bị yêu cầu kiểm điểm

Sau khi tự ý yêu cầu 23 học sinh trả lời 18 câu hỏi trong phiếu điều tra vụ tát bạn 231 cái, Ban giám hiệu THCS Duy Ninh đã bị Phòng Giáo dục huyện yêu cầu kiểm điểm. Chia sẻ với báo chí, ông Võ Thái Hòa, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Quảng Ninh (Quảng Bình), cho biết ông đã nắm được việc trường THCS Duy Ninh gửi phiếu điều tra học sinh. Đây là việc làm không phù hợp, Phòng GD&ĐT không tán thành và đã gửi công văn yêu cầu trường kiểm điểm.

Câu hỏi điều tra học sinh gồm 19 câu, cụ thể như sau:

1. Cô Thủy quy định phạt tát thời gian nào?

2. Bạn N. bị tát vào thời gian nào?

3. Khi tát bạn N., cô Thủy có mặt ở lớp không?

4. Em tát vào mặt bạn N. bao nhiêu cái?

5. Em tát vào bạn N. mạnh hay nhẹ?

6. Bạn N. có nói tục không?

7. Khi bị tát bạn N. có khóc không?

8. Sau khi bị tát má bạn N. có đỏ không?

9. Cô Thủy vào đã tát được mấy bạn?

10. Cô Thủy có bắt tát nhẹ phải tát mạnh không?

12. Cô Thủy tát bạn N. mấy cái?

13. Sau khi bị tát bạn N. có bị chảy máu không?

14. Sau khi tát bạn N., cả lớp có sợ hãi, bật khóc không?

15. Trước N. có bao nhiêu bạn bị tát?

16. Khi tát bạn N., cô Thủy ra lệnh hay tự ý?

17. Cô Thủy có phải là người cuối cùng tát bạn N. không?

18. Cô Thủy đứng cùng chiều hay ngược chiều bạn N.?

19. Sau khi tát bạn N. có ở lại học không?

   
MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.