Tên lửa SpaceX đưa vệ tinh Starlink lên quỹ đạo ngày 14/5. (Ảnh: AP) |
Người dân và quân đội Ukraine phải dựa vào tín hiệu vệ tinh Starlink để liên lạc kể từ khi xung đột với Nga nổ ra cách đây hơn 1 năm, còn quân đội Ukraine dùng dịch vụ này để tăng cường hiệu quả tấn công trên chiến trường.
Các quan chức của Lầu Năm Góc xác nhận với Bloomberg rằng cơ quan này sẽ mua thiết bị đầu cuối của hãng thuộc sở hữu của tỷ phú Elon Musk, theo khuôn khổ Sáng kiến hỗ trợ an ninh Ukraine.
“Chúng tôi tiếp tục làm việc với nhiều đối tác toàn cầu để bảo đảm Ukraine có năng lực thông tin liên lạc và vệ tinh liên tục”, một quan chức nói với Bloomberg.
Năm ngoái, khi cuộc xung đột mới nổ ra, Musk hứa sẽ hỗ trợ kết nối mạng internet cho Ukraine bằng hệ thống Starlink.
Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, họ không thể tiết lộ thông tin cụ thể số lượng thiết bị sẽ hỗ trợ cho Ukraine vì lý do an ninh, nhưng khẳng định “liên lạc qua vệ tinh đóng vai trò quan trọng trong mạng lưới thông tin liên lạc tổng thể của Ukraine và Bộ Quốc phòng ký hợp đồng với Starlink để mua dịch vụ như vậy”.
Tháng 10 năm ngoái, tỷ phú Musk được cho là đã phàn nàn về chi phí cung cấp các thiết bị đầu cuối Starlink. Vị tỷ phú nói rằng công ty của ông đã chi hơn 80 triệu USD để hỗ trợ Ukraine.
Musk sau đó thay đổi, nói rằng công ty sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine miễn phí.
Tính đến cuối năm 2022, Ukraine được báo cáo đã nhận được 22.000 thiết bị đầu cuối Starlink.