Mới đây tờ Yale Global, ấn bản của Trung tâm Nghiên cứu Toàn cầu hóa Yale có bài phân tích về những đòn hiểm của Trung Quốc trên Biển Đông.
Theo tờ báo này, việc Trung Quốc hạ thủy tàu sân bay đầu tiên của mình đã thu hút được sự chú ý của thế giới vào năm 2012. Bằng việc tân trang lại tàu của Nga, Trung Quốc đang ra sức dùng nó như công cụ để thực hiện tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông mặc dù phải mất nhiều năm nữa tàu này mới có thể chính thức hoạt động được, các nhà quan sát dự đoán.
Đầu tháng qua, Trung Quốc giới thiệu một “vũ khí” mạnh mẽ hơn để tự khẳng định chủ quyền, đó là một tàu chở theo hàng ngàn khách du lịch. Việc Trung Quốc cho triển khai một tàu du lịch và vô số tàu khác nhằm lập yêu sách trên Biển Đông đã cho thấy một ý nghĩa mới trong tuyên bố “trỗi dậy hòa bình” của Trung Quốc.
Kể từ những năm 1950, các bản đồ của Trung Quốc đã có “đường chín đoạn” dọc bờ biển Trung Quốc và Đông Nam Á nhằm đánh dấu lãnh thổ của mình.
Năm 2009, Trung Quốc trình bản đồ này lên Liên Hợp Quốc để tuyên bố “chủ quyền”. Kể từ đó, hầu hết các quan chức cấp cao của chính phủ Trung Quốc coi “đường chín đoạn” là đường biên giới biển hợp pháp.
Cũng kể từ đó, Trung Quốc tiến hành một loạt hành động gây hấn với các nước láng giềng ở Đông Nam Á bằng tàu đánh cá và tàu tuần tra cùng những lời lẽ tuyên bố chủ quyền vô lý. Tháng 7 năm 2010, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã kêu gọi Trung Quốc giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình.
Đáp trả lời kêu gọi này, Trung Quốc đẩy mạnh khả năng thực thi và triển khai qua hàng loạt các cơ quan: Cục quản lý An toàn Hàng hải, Bộ Thực thi Luật Ngư nghiệp, Cục Quản lý Đại dương Nhà nước, Cơ quan Giám sát Hàng hải và hoàn toàn không có mặt Lực lượng Cảnh sát biển Trung Quốc. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đầu tư phát triển mạnh lực lượng không quân và hải quân.
Liêu Ninh, mẫu hạm đầu tiên của Trung Quốc thu hút được sự chú ý của cộng đồng quốc tế, song trong tương lai gần, tàu này chỉ được sử dụng cho mục đích huấn luyện, không có khả năng hoạt động về quân sự.
Tàu Trung Quốc diễu võ dương oai trên Biển Đông. |
Tàu ngư nghiệp hiếu chiến
Sự phát triển của lực lượng quân sự Trung Quốc được phóng viên tờ Los Angles Times tại Bắc Kinh mô tả như sau: từ năm 2000, quân đội Trung Quốc đã chuyển giao 11 tàu chiến cũ cho Cơ quan Giám sát Hàng hải, cơ quan tự đóng được 13 tàu và đang kế hoạch đóng thêm 36 tàu nữa. Bộ Thực thi Luật Ngư nghiệp gần đây cũng được bàn giao một tàu chiến cũ được trang bị bãi đậu trực thăng.
Theo tờ Yale Global, những chiếc tàu này khá bận rộn. Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Hoa Kỳ ước tính số lượng các cuộc tuần tra trên biển của Trung Quốc đã tăng lên gấp ba lần kể từ năm 2008. Tờ báo trích lời một sỹ quan hải quân Mỹ: “Những tàu giám sát hàng hải Trung Quốc không có nhiệm vụ nào khác ngoài việc quấy rối các nước xung quanh, phục vụ cho yêu sách bành trướng của nước này”.
Họ làm đứt cáp của Việt Nam, bắt giữ và đe dọa ngư dân các nước Đông Nam Á, quấy rối tàu hải quân Mỹ và đã có lúc dựng cả một "rào chắn" nhằm kiểm soát Biển Đông.
Những tàu không thuộc hải quân của Trung Quốc, không được trang bị vũ khí nhưng lại thể hiện sự hiếu chiến bằng vòi rồng và móc câu đã khiến các nước láng giềng bất bình.
Tự bắn vào chân hay khai thác điểm yếu của Mỹ?
Tờ báo này nhận định, Trung Quốc có thể tự bắn vào chân mình về mặt chiến lược nhưng về mặt chiến thuật lại không phải như vậy. Các quốc gia Đông Nam Á còn thua xa so với Trung Quốc về mặt quân đội hay cơ sở để bảo vệ bờ biển. Thẳng thắn mà nói, các cơ quan thực thi luật hàng hải của Trung Quốc có thể “nắn gân” các nước trong khu vực nếu muốn, nhưng với quân đội Việt Nam lại là một ngoại lệ.
Trong khi đó, Mỹ từ lâu đã tuyên bố sẽ không nhúng tay vào vấn đề tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông và nhấn mạnh hai nguyên tắc: Giữ nguyên các tuyến đường biển quốc tế trong khu vực như “lợi ích chung toàn cầu” và giải quyết tranh chấp mà không sử dụng đến lực lượng quân sự.
Rõ ràng, bằng cách sử dụng những lực lượng bảo vệ bờ biển không được vũ trang để củng cố tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông, Trung Quốc đã khai thác được “điểm yếu” trong lập trường của Mỹ.
Hãy xem những gì đã xảy ra ở bãi cạn Scarborough, một đảo san hô mà Philippines tuyên bố chủ quyền và cũng gần với Philippines hơn là Trung Quốc. Lực lượng hàng hải Trung Quốc đã ngăn không cho Philippines bắt giữ ngư dân Trung Quốc khi đang hoạt động trong vùng này và còn căng dây cáp để các ngư dân Philippines không thể vào được ngư trường truyền thống của mình ngay trước “mũi” của Hải quân Mỹ, đồng minh của Philippines. Diễn biến trên bãi cạn Scarborough đã khiến chiến thuật của Trung Quốc ngày càng bị lộ tẩy: đó là chiếm một khu vực, thiết lập sự hiện diện cố định ở đó và bảo vệ nó bằng các lực lượng phi quân sự.
Một thách thức khác đối với các nước láng giềng mà Trung Quốc đặt ra đó là đưa tàu du lịch mang theo hàng ngàn du khách tới Biển Đông. Rõ ràng, các nước đang có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc sẽ không dám bắn vào một tàu đang chở du khách dân thường như vậy.
Tuy nhiên, những chiến thuật có thể nói là khôn ngoan của Trung Quốc đã tháo bỏ bức màn mập mờ về ý định tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông và là một sai lầm chiến lược. Nó đã gây tình trạng báo động khắp khu vực Đông Nam Á, đặc biệt đối với những nước đang có tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông như Philippines, Việt Nam, Brunei, Malaysia và thậm chí là cả Indonesia.
Hành động của Trung Quốc cũng khiến Mỹ phải chuyển trọng tâm sang khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Thậm chí, Mỹ cũng cho biết quân đội sẽ được tăng cường triển khai tới châu Á trong khi ngân sách quốc phòng bị cắt giảm. Chính phủ các nước láng giềng của Trung Quốc như Philippines, Việt Nam, Singapore và Indonesia đang ngày càng củng cố, mở rộng hợp tác an ninh với Mỹ. Một khu vực từng bình yên và có quan hệ tốt với Trung Quốc dường như đã thay đổi. |
Hữu Tuyên
Theo Yaleglobal