Lật tẩy chiêu trò bá đạo của đội quân “vá săm dạo”

Có cả một đội quân hùng hậu chuyên rải đinh vá săm dạo.
Có cả một đội quân hùng hậu chuyên rải đinh vá săm dạo.
Mấy năm gần đây, trên quốc lộ 1A đoạn từ cầu Thanh Trì (Hà Nội) đến khu công nghiệp Tiên Sơn (Bắc Ninh) xuất hiện tình trạng rải đinh khiến người đi đường vô cùng bức xúc.

Sau khi theo chân một tay vá săm dạo có tiếng trên đoạn đường này, chúng tôi đã tận mắt chứng kiến và phanh phui được những chiêu trò “móc túi” tinh vi của đội quân vá dạo này.

Lập chốt, phân chia địa bàn

Trưa ngày 16/6, đang chạy xe trên đường, bất ngờ đến giữa cầu Phù Đổng chiếc xe máy của ông Nguyễn Xuân Quang (quê Lục Ngạn, Bắc Giang) bị xịt lốp sau, liên tiếp sau đó là hai xe máy tới mời chào vá săm (ruột xe):“Cán đinh rồi phải không bố, để con vá lại cho, 30 ngàn đồng thôi”. Nhưng khi tháo ra thì người vá dạo thông báo săm thủng tới 4 chỗ không thể vá chỉ có thể thay mà thôi. Và giá thay săm là 120 ngàn đồng. “Mở hàng đầu giờ chiều nên con lấy bố hữu nghị”, người vá săm nói.

Phải mất một buổi sáng lân la tìm đủ mọi cách thuyết phục, chúng tôi mới được Hùng, một tay vá dạo có tiếng trên đoạn đường này tiếp nhận cho theo học nghề vá dạo một hôm để về chỗ khác mở chốt “kiếm ăn” với yêu cầu sẽ “trả phí hàng tháng”. “Bài học mở đầu là, muốn kiếm được nhiều tiền thì cạy cho săm thủng thêm vài lỗ mà thay săm. Thấy khách ngu ngơ hay không để ý thì cứ bẻ cho gãy van mà thay. Thay cái săm lãi ít cũng cả trăm ngàn đồng chứ vá được vài chục bạc phí khách mà mất công lắm”, Hùng chỉ bảo.

Theo lời Hùng thì muốn hành nghề trên cung đường này không dễ vì: “Đất này đã có chủ, từ cầu Thanh Trì đến trạm thu phí là lãnh địa của thằng Trung, tiếp đến là địa phận của Trượng…”. Rồi Hùng thao thao nói: “Mày muốn theo tao học nghề cũng được nhưng mày tự đi vá dạo cướp miếng ăn của mấy anh em có ngày chúng nó lấy mạng, tốt nhất mày tìm chỗ nào chưa có ai làm thì hãy mở”. Hùng cho biết, giới hành nghề vá dạo trên cung đường này ai cũng biết tới Phương “đen” và Trượng, đây là những người hành nghề vá dạo đầu tiên trên cung đường này. 

Theo lời kể của Hùng, Trượng quê ở huyện Gia Lâm (Hà Nội) trước làm nghề xịt nước xe, khoảng 2 năm trở lại đây Trượng kiêm luôn cả việc vá săm. Do lượng khách cán phải đinh ngày một nhiều nên Trượng thuê thêm hai thợ về cùng làm. Còn Phương trước làm nghề chạy xe ôm, về sau bỏ nghề chuyển sang bán trà đá và vá dạo. Thấy Trượng và Phương ăn nên làm ra, nhiều người dân địa phương khác cũng bắt đầu theo nhau ra tuyến đường này hành nghề. Dần dần hình thành nên một đội quân vá dạo hùng hậu.

Theo quan sát, hai bên đường là chi chít các dãy số điện thoại với nội dung “vá xe, thay săm”. Một nguyên tắc bất thành văn trong giới vá dạo là không được tranh giành khách của nhau. Khách gọi vào số điện thoại của người đó đi làm, để xác định rõ điểm khách gọi điện nhờ vá săm khi dính phải đinh nhiều người còn ghi kí hiệu trước số điện thoại của mình chữ K, K1, K2 (nghĩa là khu vực 1, khu vực 2…). “Miếng cơm chung, khách gọi ai người đấy làm, tranh giành khách xảy ra mâu thuẫn người ta lại nghi ngờ này nọ, có ngày vào tù như chơi”, Hùng cho biết.

Để tiện làm ăn, những tay vá dạo dựng lên hai bên đường những căn chòi nhỏ để làm tiệm sửa xe. Những tiệm này hết sức đơn giản, không có bất cứ vật dụng hay phụ tùng gì, duy chỉ một túi đựng đồ, vài cây cạy, miếng vá và săm xe, bên ngoài tiệm treo tấm bảng nguệch ngoạc dòng chữ “vá xe, thay săm”.

Theo ghi nhận của PV, các tiệm sửa xe mọc nhiều nhất trên đoạn đường từ cầu Thanh Trì đến cổng Khu công nghiệp Ninh Hiệp, chỉ dài khoảng gần 2km nhưng trên đoạn đường này có gần 20 tiệm sửa xe. “Cần gì phải học nghề sửa xe, mua nhiều phụ tùng làm gì cho tốn tiền, ở cái đường này chỉ cần biết vá săm, thay săm là đủ sống”, Hùng khẳng định.

Chọc săm, bẻ van

Sau một buổi theo Hùng đi vá dạo chúng tôi đã được Hùng truyền nghề một cách nhiệt tình: “Mày nhìn tao làm vài lần là quen ngay thôi, khách mà đã gọi điện đến chắc chắn là cán phải đinh, cán một lỗ thì chỉ vá mà không thay được. Muốn kiếm nhiều tiền, lúc cạy vỏ dùng cây cạy chọc mạnh vào trong cho thủng thêm vài lỗ. Muốn cho chắc ăn thì cạy xong lốp, luồn tay vào giật mạnh cho gãy van. Thủng vài lỗ lại gãy cả chân van không muốn khách cũng phải thay, thay cái ruột lãi ít cũng cả trăm ngàn đồng chứ vá được vài chục bạc phí khách mà mất công lắm”.

Vào chiều ngày 17/5, đang ngồi uống nước trong một quán trà đá bên đường, thấy khách gọi điện đến vá xe gần KCN Ninh Hiệp, Hùng nhanh chóng phóng xe máy đi. Khách của Hùng là một cô gái. Lấy đồ nghề ra cạy vỏ, thấy khách chăm chú nhìn, Hùng liền tìm cách bắt chuyện hỏi han đủ điều, đến khi thấy khách có vẻ lơ là, Hùng lấy cây cạy đâm mạnh vào trong. Kết quả ruột xe bị thủng tới 3 lỗ, thay xong ruột xe Hùng hét giá 140 ngàn đồng. Theo ghi nhận của chúng tôi, chỉ trong ngày 27/5 Hùng thay được 7 ruột xe, vá được cho 4 khách. “Ruột lấy mất 30 ngàn đồng tao thay được 150 ngàn đồng, làm nghề này ngày kiếm 500 ngàn đồng là chuyện bình thường”, Hùng khề khề nói.

Để kiểm chứng rõ hơn, lấy lý do chạy lòng vòng tìm hiểu tình hình, lúc này trong vai một người đi đường cán phải đinh đến trước cổng KCN Tiên Sơn, tôi bấm máy gọi cho một số điện thoại in trên lan can bên đường. Khoảng 10 phút sau hai thanh niên mang đồ nghề vá săm xe tới. “Cán đinh hả anh. Anh vừa gọi số em đúng không?”, nói đoạn hai thanh niên mang đồ ra để cạy lốp. Khoảng 1 phút sau ruột xe của chúng tôi bị kéo ra trong tình trạng gãy chân van và thủng tới 2 lỗ. “Không vá được đâu, chạy kiểu gì mà ruột nát bem, chân van cũng gãy”, một thanh niên nói.

Loại ruột xe mà hai thanh niên này đưa ra để thay ngoài vỏ bao màu tím, viết toàn chữ Thái Lan. Khi chúng tôi yêu cầu thay bằng ruột Caosumina, Long cho biết: “Loại này tốt mà giá rẻ hơn chưa thay Caosumina đắt lắm”. Thay xong ruột xe hai thanh niên này hét giá 150 ngàn đồng. Chúng tôi tỏ vẻ thắc mắc, người thanh niên kia gằn giọng: “Rẻ lắm rồi đấy ông anh. Công bọn này đi lấy săm, chạy đến thay tận nơi, cho người ta chút tiền xăng chứ”.

Móc túi người đi đường

Cũng tại đoạn đường này, khoảng 5 phút sau, xe một người phụ nữ cũng bị cán phải đinh. Không để người này kịp dắt bộ hai nam thanh niên liền phóng xe máy tới. Cũng như nhiều hành khách khác, người phụ nữ này cũng ngậm bồ hòn làm ngọt thay ruột với giá 140 ngàn đồng. Tiếp cận chúng tôi được biết biết chị tên là Thanh công nhân khu công nghiệp Tiên Sơn. “Hôm qua vừa vá xong hôm nay lại cán đinh tiếp. Bữa nào may mắn thì vá còn không thì thủng đến 2, 3 lỗ đành phải thay ruột”, chị Thanh bức xúc nói.

Theo ghi nhận của chúng tôi, mỗi miếng vá trên đoạn đường này giá từ 30 đến 40 ngàn đồng, thay săm giá từ 120 ngàn đến 170 ngàn đồng, giá thay lốp từ 250 đến 400 ngàn đồng. Theo lời Hùng, ruột xe và lốp dùng để thay cho khách hầu hết là ruột rởm, giá rẻ. “Bắt khách thay ruột xe thì dễ, muốn khách thay được lốp thì đừng có lộ liễu quá, thấy lốp nào đã hơi mòn, cũ thì cứ dùng lết (dụng cụ tháo săm) khứa cho gần thủng mà thay”, Hùng dạy nghề.

Mấy ngày theo dõi trên tuyến đường này, chúng tôi ghi nhận tình trạng đinh đóng gỗ được bẻ cong, ốc vít xuất hiện tràn lan trên mặt đường. “Chắc có kẻ xấu rải đinh chứ không lấy đâu ra mà đinh nằm trên đường nhiều như vậy”, ông Nguyễn Xuân Bình trú Từ Sơn, Bắc Ninh nói.

Sáng sớm ngày 17/6, có mặt trên cầu Phù Đổng, chỉ trong buổi sáng nhưng chúng tôi ghi nhận có tới 4 xe máy bị cán phải đinh. Dắt chiếc xe máy tiến về hướng cầu Thanh Trì, bà Trần Thị Dung (quê ở Tiên Du, Bắc Ninh) bức xúc: “Hầu như tuần nào cũng cán phải đinh, cứ đi qua tuyến đường này lại sợ, may chạy chậm chứ chạy nhanh nhiều hôm tôi đã lao đầu vào xe tải”.

Theo quan sát của chúng tôi càng vào những ngày cuối tuần tình trạng đinh xuất hiện trên tuyến đường này nhiều hơn. “Nếu cơ quan chức năng không sớm theo dõi để phát hiện kẻ rải đinh thì tính mạng người tham gia giao thông sẽ còn bị đe dọa. Tài sản người dân cũng bị những kẻ vá dạo phá hoại”, ông Tiệp quê ở TP. Bắc Giang, người thường xuyên qua lại trên đoạn đường này khẩn thiết nói.

Theo Theo Đời sống Pháp luật
MỚI - NÓNG