Thời báo Ấn Độ - The Times of India - cho biết, thông tin trên được ông Devendra Fadnavis, Thủ hiến bang Maharashtra thông báo ngày 18/12 (giờ địa phương).
Theo thông tin ban đầu, tàu cao tốc hải quân đang chạy thử nghiệm động cơ mới thì bị hết ga, điều này khiến con tàu mất kiểm soát và đâm vào chiếc phà Neelkamal chở khách du lịch. Hậu quả, chiếc phà bị lật úp ngay sau đó.
Hình ảnh phà Neelkamal chở khách du lịch bị lật úp sau khi bị đâm. Ảnh: PTI. |
Tính đến tối thứ 18/12 (theo giờ địa phương), 101 người đã được hải quân, lực lượng bảo vệ bờ biển và cảnh sát giải cứu, trong đó có 11 tàu hải quân và 4 máy bay trực thăng tham gia nhiệm vụ này.
“Các nỗ lực tìm kiếm và cứu hộ vẫn đang được tiếp tục và thông tin chi tiết sẽ được cung cấp cho công chúng trong ngày 19/12”, ông Fadnavis nói và cho biết cảnh sát sẽ phối hợp với hải quân để điều tra vụ tai nạn; gia đình những người đã thiệt mạng sẽ được hỗ trợ 500.000 Rupee (khoảng 5890 USD) trước mắt.
Trực thăng quân sự và phà cứu hộ vẫn được điều động sau vụ tai nạn nghiêm trọng trên biển. Ảnh: Reuters. |
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi gửi lời chia buồn đến gia đình có người thân thiệt mạng và tuyên bố sẽ trao khoản tiền đền bù 200.000 Rupee (2.357 USD), từ Quỹ cứu trợ quốc gia của Thủ tướng cho thân nhân của mỗi người thiệt mạng. Trong khi đó, những người bị thương sẽ được trao 50.000 Rupee (587 USD).
CNN thông tin, thống kê sơ bộ trên tàu hải quân có 6 người, trong khi phà Neelkamal có hơn 110 người. Trong số 13 người thiệt mạng, có ba người là nhân viên hải quân. Có 2 nạn nhân vẫn trong tình trạng nguy kịch và đã được đưa đến bệnh viện.
Các du khách nhanh chóng được chăm sóc y tế sau khi vụ tai nạn giữa tàu cao tốc hải quân và phà du lịch xảy ra. Ảnh: Getty. |
Nói với kênh tin tức ABP Majha, một hành khách khác cho hay, tàu cao tốc đâm vào phà của họ và nước bắt đầu tràn vào khiến phà bị lật. Sau khi được người lái phà yêu cầu mặc áo phao, vị hành khách đã bơi trong mười lăm phút trước khi được một chiếc thuyền khác cứu.
Reuters cho biết, khách du lịchtrên phà Neelkamal đang trên đường đến thăm quần thể hang động Elephanta ở đảo Elephanta (hay còn gọi là đảo Gharapuri). Đây là một trong những điểm du lịch nổi tiếng nhất của thành phố Mumbai với hệ thống các hang động được điêu khắc công phu từ thế kỷ thứ 5-6 sau Công nguyên. Năm 1987 nơi này đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới.
Quần thể hang động Elephanta ở Mumbai được UNESCO công nhận là di sản thế giới năm 1987. Ảnh: UNESCO. |
Quần thể hang Elephanta bao gồm bảy hang động đầy kỳ thú và được chia làm 2 nhóm hang chính, nhóm thứ nhất gồm 5 hang lớn với những chi tiết điêu khắc về đạo Hindu, nhóm thứ hai gồm những hang động nhỏ hơn mô tả về đạo Phật. Cách phổ biến để đến thăm di sản thế giới này hiện nay là đi phà.