Bản án này tuyên bị cáo Huỳnh Văn Nén tù chung thân về hai tội giết người và cướp tài sản. Vụ án chấn động Hàm Tân, Bình Thuận 16 năm trước chính thức được lật lại.
“Làm người cha có con bị tù oan vì tội giết người, đau đớn lắm. Tôi có nguyện ước, trước khi nhắm mắt xuôi tay, vụ án của con tôi được kháng nghị và tái thẩm”. Cụ Huỳnh Văn Truyện, nay đã 89 tuổi nói, sau khi từ huyện Thới Bình (Cà Mau) ra Hà Nội kêu oan cho con trai Huỳnh Văn Nén.
Bị tù vì hai án giết người, không kháng án
Đêm 23/4/1998, bà Lê Thị Bông ở thôn 2 (xã Tân Minh, nay là thị trấn Tân Minh, Hàm Tân, Bình Thuận) bị xiết cổ chết.
Ngày 17/5/1998, cơ quan CSĐT, Công an tỉnh Bình Thuận bắt tạm giam Huỳnh Văn Nén (sinh năm 1962, quê Cà Mau, trú tại thôn 2, Tân Minh, Hàm Tân, Bình Thuận) vì nghi ông Nén là thủ phạm giết bà Bông.
Trong tù, Huỳnh Văn Nén khai nhận tội giết bà Bông để cướp chiếc nhẫn 1 chỉ vàng, rồi khai đã cùng nhiều người của gia đình vợ giết bà Dương Thị Mỹ ở cùng thôn, đêm 18/5/1993.
Từ lời khai này, ngày 2/12/1998 cơ quan CSĐT, Công an tỉnh Bình Thuận phục hồi điều tra vụ bà Mỹ bị giết, khởi tố Huỳnh Văn Nén, vợ ông ta là Nguyễn Thị Cẩm, mẹ vợ ông ta là Nguyễn Thị Lâm và 7 người con, cháu của bà Lâm, tổng cộng 10 người. Vụ án đó, sau này nổi tiếng với tên gọi “Vụ án vườn điều”.
Ngày 31/8/2000, TAND tỉnh Bình Thuận xét xử sơ thẩm vụ án bà Bông bị giết. Tòa nhận định, bị cáo Huỳnh Văn Nén là tội phạm cực kỳ nguy hiểm, mối hiểm họa cho lương dân, tuy nhiên bị cáo đã có công khai báo về vụ bà Dương Thị Mỹ bị giết, nên được hưởng tình tiết giảm nhẹ. Tòa tuyên phạt Huỳnh Văn Nén mức án tù chung thân về tội giết người.
Ngày 7/3/2001, TAND tỉnh Bình Thuận xét xử sơ thẩm “Vụ án vườn điều’. Trước đó, bị cáo Nguyễn Thị Nhung, chị ruột vợ ông Nén đã chết đêm 24/2/2001, do bệnh hiểm nghèo. Tòa tuyên án phạt tù giam từ 2 năm đến 10 năm về tội “giết người” đối với 5 bị cáo, trong đó Huỳnh Văn Nén bị phạt 6 năm tù. Ông Nén không kháng án đối với cả hai bản án.
Bị oan trong “Vụ án vườn điều"
Ngày 14/6/2001, Tòa Phúc thẩm, TAND Tối cao tại TPHCM xét xử phúc thẩm (lần 1) “Vụ án vườn điều". Tại đây, Huỳnh Văn Nén phản cung, nói rằng những lời bị cáo nhận tội và khai báo về hành vi phạm tội của những người khác là do bị đánh, bị bức cung, thực tế bị cáo hoàn toàn không biết gì về vụ bà Mỹ bị giết. Khi xảy ra “Vụ án vườn điều", ông Nén đang làm thuê tại “Căn cứ 4” (xã Xuân Hòa, Xuân Lộc, Đồng Nai), không ở Tân Minh.
Ông Huỳnh Văn Nén phản cung tại phiên tòa phúc thẩm (lần 1) “Vụ án vườn điều” ngày 14/6/2001. Ảnh: Nguyễn Đình Quân
Trong trại giam, khi kiểm sát viên VKSND tỉnh Bình Thuận phúc cung, ông Nén kêu oan nhưng vẫn bị buộc tội. Do vậy, tại phiên tòa sơ thẩm bị cáo vẫn khai nhận tội và sau đó không kháng án, vì không hy vọng được giải oan, sợ bị đánh tiếp…
Việc các cơ quan tố tụng tỉnh Bình Thuận không dừng xét xử khi có tố cáo của Nguyễn Phúc Thành về thủ phạm giết bà Bông, để tiến hành xác minh làm rõ tình tiết này là sai phạm nghiêm trọng về tố tụng.
LS Trần Vũ Hải, Đoàn Luật sư Hà Nội
Từ ngày 9/3/2005 đến ngày 11/3/2005, Tòa Phúc thẩm, TAND Tối cao tại TPHCM xét xử phúc thẩm (lần 3) “Vụ án vườn điều”, tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm (lần 2), giao toàn bộ hồ sơ cho cấp sơ thẩm điều tra lại từ đầu, kiến nghị Cơ quan điều tra Bộ Công An thụ lý điều tra.
Tháng 12/2005, Cơ quan điều tra Bộ Công an và VKSND Tối cao công bố kết quả phục hồi điều tra “vụ án vườn điều”, theo đó không có đủ chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội của các bị can, bị cáo.
Sau đó, các bị cáo trong vụ án này đã được đình chỉ điều tra, trả tự do, được các cơ quan pháp luật xin lỗi công khai và được bồi thường oan sai. Riêng Huỳnh Văn Nén không được bồi thường oan sai trong “vụ án vườn điều”, tiếp tục thụ án tù chung thân tại vụ án bà Bông.
Vụ bà Bông, kết án chỉ dựa vào lời khai nhận tội
Theo biên bản khám nghiệm hiện trường ngày 24/4/1998, hai bên hàng rào giữa nhà bà Bông và chùa Thạch Long có hai con dao, nhưng trong quá trình khám nghiệm, con dao nằm phía ngoài hàng rào đã bị mất? Ở hiên nhà bà Bông có một dấu bàn chân phải không dép in hằn trên cát, kích thước 23 x 9 cm, gót rộng 4,5 cm.
Trên ghế sa-lông trong nhà có 3 dấu chân không dép, kích thước 22 x 8,5 cm, gót rộng 4 cm. Nhưng việc điều tra sau đó không cho biết 3 dấu chân trên sa-lông là dấu chân phải hay dấu chân trái, 4 dấu chân là của một người hay của hai người khác nhau, có dấu chân nào trùng hợp với dấu chân của Huỳnh Văn Nén hay không?
Theo kết luận điều tra, ông Nén khai, ông ta dùng một sợi dây dù để xiết cổ bà Bông, sau đó ném bỏ bên đường mòn khi bỏ chạy khỏi hiện trường. Nhưng sợi dây được coi là tang vật được tìm thấy ở một nơi cách xa đường mòn hơn 100m. Cơ quan điều tra không thu hồi được tài sản duy nhất của bà Bông bị mất là chiếc nhẫn 1 chỉ vàng 24K, với lý do ông Nén đã làm mất khi bỏ chạy…
Trong thời gian theo dõi việc điều tra, xét xử “vụ án vườn điều”, tháng 10/2000 các phóng viên báo Tiền Phong nghe tin, có người tố cáo thủ phạm giết bà Bông không phải là ông Nén. Ngày 18/10/2000, phóng viên báo Tiền Phong đã đến Trại giam Sông Cái (Ninh Thuận) thuộc Cục V26, Bộ Công an.
Tại đây, Trung tá Phạm Văn Phóng, Giám thị trưởng Trại giam Sông Cái cho biết, ngày 26/8/2000, một phạm nhân tại Trại giam Sông Cái là Nguyễn Phúc Thành (sinh năm 1979, trú thôn 2, Tân Minh, Hàm Tân, Bình Thuận) tố cáo, Nguyễn Th. (Chín điếc) và Hồ Văn V., cùng ở xã Tân Minh mới là thủ phạm giết bà Bông. Theo Thành, tháng 4/1998 anh ta được Th. và V. kể chuyện giết bà Bông và rủ đi bán 1 chỉ vàng lấy được, nhưng do là bạn bè nên Thành không tố giác họ.
Đến khi biết tin Huỳnh Văn Nén có thể bị phạt tử hình về tội giết bà Bông, Thành mới quyết định tố giác thủ phạm thực sự. Ban giám thị Trại giam Sông Cái đã cho Thành khai lại nhiều lần, thấy trùng khớp mới gửi bản khai của Thành về Cục V26, Bộ Công an trong ngày 26/8/2000.
Năm ngày sau, tại phiên tòa sơ thẩm ngày 31/8/2000, ngoài lời nhận tội của Huỳnh Văn Nén (mà sau này ông ta nói do bị bức cung, nhục hình), không có nhân chứng, vật chứng nào khẳng định ông ta giết bà Bông. Tuy nhiên, 31/8/2000, TAND tỉnh Bình Thuận vẫn tuyên phạt ông Nén án tù chung thân, về các tội “giết người”, “cướp tài sản của công dân” và “cố ý hủy hoại tài sản của công dân”.