Dân bản chưa từng có sóng Interrnet nay có thể vào mạng. Trong ảnh, một cô gái trong bản đọc báo Tiền Phong trên điện thoại thông minh. |
Bản biệt lập
Từ trung tâm Thị trấn Mù Cang Chải của tỉnh Yên Bái, chúng tôi chạy theo tuyến đường 32 khoảng 40 cây số lên xã Mường Cang, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu đến bản Háng Á, xã Hố Bốn, huyện Mù Cang Chải.
Bản Háng Á tuy thuộc tỉnh Yên Bái, nhưng hiện chỉ có lối đi vào duy nhất từ xã Mường Cang thuộc tỉnh Lai Châu. Tuy nhiên, từ trung tâm xã Mường Cang vào đến bản Háng Á là đoạn đường khó đi nhất. Đường dài 6 km, bắt buộc phải đi bằng xe máy.
Đã hẹn trước nên Sùng A Chua, 25 tuổi cùng các thanh niên bản Háng Á chờ sẵn đón chúng tôi. Suốt chặng đường, chiếc xe máy cũ của A Chua nhún nhẩy, rung lắc liên hồi khiến tôi phải bấu chặt vào người cậu cho chắc chắn.
Con đường từng được trải nhựa đường nhưng xuống cấp trầm trọng. Nhựa đường chỉ còn một dải nhỏ ở giữa, xung quanh trơ đất và sỏi. Đường nhiều đoạn dốc gần như thẳng đứng, bên núi, bên vực. “Các anh may mắn lên đúng hôm thời tiết đẹp. Nếu gặp phải những ngày mưa bão, chắc chắn không thể đi được”, A Chua nói.
Đường dẫn vào bản. |
Sùng A Chua có 2 con nhỏ, trước đi làm tại khu công nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh, mới về khoảng 6 tháng nay. A Chua nói, tên bản Háng Á trong tiếng Mông có nghĩa là bùn lầy. Sở dĩ có tên như thế vì bản nằm sâu trong núi, mưa gió triền miên nên đất đai lầy lội.
Bản không có điện lưới, người dân phải làm điện ở suối. Tháng 8/2022 vừa rồi, may mắn có nguồn tài trợ của Nhật Bản, mỗi hộ được lắp một tấm pin năng lượng mặt trời nhưng cũng chỉ đủ dùng để thắp sáng vào buổi tối và tranh thủ sạc pin điện thoại. Sóng điện thoại, sóng internet chỉ phủ được một phần đầu của bản, gần với quốc lộ. Từ giữa bản đến điểm trường mầm non Hoa Huệ, thuộc điểm trường Háng Á ở cuối bản hoàn toàn không có internet.
“Khi ở TP Hồ Chí Minh, nghe báo chí đưa tin có mưa lũ, sạt lở em rất lo cho gia đình nhưng không có cách nào gọi được, chỉ biết đợi người nhà ra vùng có sóng gọi vào”, A Chua chia sẻ. Trường hợp đi làm xa nhưng luôn canh cánh nỗi lo ở nhà như A Chua không phải hiếm ở Háng Á. Ở Háng Á chỉ có thể làm rẫy, chăn bò nên nhiều thanh niên đi xa làm công nhân để nâng cao thu nhập.
Bắt sóng Internet từ vệ tinh
Chúng tôi vừa đến trường mầm non Hoa Huệ cũng là lúc internet vừa được đưa về đây với một cách thức rất đặc biệt bởi một công ty chuyên cung cấp dịch vụ viễn thông. Vừa vào tới nơi, tôi giật mình khi thấy một cô gái trẻ tại bản đang lướt đọc báo Tiền Phong trên điện thoại ngay cả khi chiếc điện thoại của tôi đang không có một cột sóng nào.
Ông Nguyễn Hồng Sơn - Tổng Giám đốc Tập đoàn OSB, đơn vị tài trợ cho chương trình này cũng đang có mặt ở đây. Ông Sơn chỉ tay vào chiếc chảo thu phát tín hiệu lớn, được xây chắc chắn với đế bê tông nằm trong khuôn viên điểm trường giải thích: Để dùng được Internet là nhờ chiếc chảo thu sóng Internet trực tiếp từ vệ tinh OSBSAT-1 của công ty sở hữu, mà không thông qua trạm phát sóng mặt đất. Hệ thống cung cấp Internet băng rộng đủ đảm bảo nhu cầu sử dụng tối thiểu các thiết bị như laptop, điện thoại.
Cách để thiết lập hệ thống cũng khá dễ dàng. Người dân chỉ cần cắm dây và ổ theo đúng hướng dẫn. Điểm mấu chốt là cần một không gian đủ rộng để lắp đặt chảo kết nối với vệ tinh ngoài không gian. Thiết bị để ngoài trời nên được công ty mạ kẽm tĩnh điện, chống được rỉ sét, chống nước, không sợ hư hỏng.
Cán bộ kỹ thuật OSB hướng dẫn người dân kết nối Internet vệ tinh. |
Hệ thống điện năng lượng mặt trời được OSB lắp đặt tại đây có thể có công suất hiệu dụng điện xoay chiều 1.000W và năng lượng lưu trữ công suất 2.400Wh. Bộ thiết bị này có thể cấp điện cho đèn chiếu sáng cho toàn bộ khuôn viên trường, tivi, loa đài, lap top trong 2 ngày.
Ngoài cung cấp dịch vụ internet, OSB cũng dành tặng điểm trường một điện thoại IP và một đầu số cố định vệ tinh để có thể liên lạc hai chiều từ điểm trường đến bất kỳ nơi, bất kỳ lúc nào.
Hệ thống có chi phí 120 triệu đồng. Chi phí duy trì dịch vụ internet vệ tinh khoảng 6 - 7 triệu đồng/tháng. OSB sẽ tài trợ trong năm đầu tiên; những năm sau, OSB sẽ kêu gọi thêm các đơn vị khác để tài trợ cùng để duy trì internet cho bà con.
Bộ truyền thu sóng vệ tinh, cùng thiết bị điện thoại cố định. |
Cô Lò Thị Phiên, 30 tuổi, giáo viên tại trường mầm non chia sẻ: Trường có 50 cháu, là dân tộc Mông. Mỗi khi muốn cho các em học bài thông qua chiếc tivi đã có sẵn trong lớp, giáo viên nhà trường phải ra huyện, nơi có sóng để tải về, rất vất vả. Nhờ có thiết bị này, giáo viên có thể dễ dàng số hóa bài giảng, giúp các cháu học tập, tăng cường bài giảng tốt hơn.
Ông Sùng A Bình, chủ tịch xã Hồ Bốn, cho biết, bản Háng Á có 114 hộ, 614 nhân khẩu và hầu như mọi người đều sử dụng điện thoại di động. Số người sử dụng điện thoại di động thông minh chiếm đến khoảng 70%. Vì vậy, dự án tài trợ này có ý nghĩa rất lớn đối với bản.
Cán bộ OSB cũng trao quà cho các em nhỏ vùng cao. |