Thổn thức bản nghèo-Kỳ 1: Bóng tối dưới chân đèn

0:00 / 0:00
0:00
TP - Trong chiều dài một km nhưng sông Nậm Mộ đã phải gánh 3 nhà máy thủy điện. Hệ lụy nhãn tiền, người dân oằn mình chịu đựng. Lợi đâu chưa thấy nhưng khó khổ đã thấy nhiều.

Ngược dòng Nậm Mộ

Giữa tháng 7, chúng tôi trở lại xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An). Con đường xưa cũ nay được mở rộng, thảm nhựa giúp chúng tôi đến với Tà Cạ nhanh hơn. Những bản làng nằm vắt vẻo bên sườn núi, bờ sông là nơi sinh tồn bao đời nay của cộng đồng dân tộc Thái, Khơ Mú…. Giao thông đã thuận lợi hơn những năm về trước nhưng Tà Cạ vẫn thế, như một đóa hoa rừng chưa đến thì bung nở. “Thủy điện lần lượt chắn dòng, sông Nậm Mộ bị chia cắt thành nhiều đoạn, chỉ 1km đã có 3 nhà máy, nếu tính mật độ và số lượng nhà máy thủy điện thì không địa phương nào nhiều hơn Tà Cạ. Thế nhưng, 3 bản của xã vẫn chưa có điện lưới. Ánh sáng từ điện còn chưa có, nói gì đến phát triển kinh tế”, ông Vi Văn Mằn - Chủ tịch xã Tà Cạ trầm buồn lí giải.

Nậm Mộ đoạn qua bản Cánh (xã Tà Cạ) mùa này tĩnh lặng không một gợn sóng, dòng chảy cuộn xiết đầu nguồn là điều vốn có của một dòng sông nay đã mất đi. Trên sông không có một thuyền bè nào qua lại. Cảnh người dân hối hả chài lưới từ lâu đã không còn. “Trước khi làm thủy điện, thủy sản nhiều lắm, dân đánh bắt đủ ăn, đủ sống”, ông Vi Văn Mằn cho hay. Lục tìm hồi ức, một già làng ở bản Cánh kể: “Tà Cạ vốn là một vùng rừng núi hoang vu không có dấu chân người, rồi một vị tướng lưu lạc đến và khai phá, làm cho mảnh đất này trở nên trù phú, người muôn nơi đến cư trú nhiều hơn. Bản làng đông vui, thuyền trên, bến dưới, Nậm Mộ tấp nập người buôn bán, giao thương”. Vật đổi sao dời, Nậm Mộ giờ như một khúc sông chết, dòng chảy tùy thuộc vào 3 nhà máy thủy điện án ngữ bấy lâu.

Nhà máy thủy điện Bản Cánh, Nậm Mô, Nậm Cắn 2 là những cái tên được ngành công thương “ưu ái” lĩnh xướng làm thay đổi lịch sử Nậm Mộ. Những nhà máy thủy điện này được ví von như những cây đèn lớn chiếu sáng mọi nơi, nhưng dưới chân đèn ấy vẫn còn một khoảng tối. “Người dân bức xúc vì những thiệt thòi, xã có 3 thủy điện, bản làng cách thủy điện chỉ 5km nhưng lại không có điện. Mọi sinh hoạt, lao động, sản xuất của người dân phải dừng khi mặt trời khuất núi. Dân trí thấp, ai cũng mong muốn thế hệ trẻ học hành chăm ngoan, ngày sau xây dựng quê hương giàu đẹp nhưng không có điện thì việc học của các cháu cũng chẳng khá hơn, chương trình học nâng cao làm sao theo kịp…?”, Chủ tịch UBND xã Tà Cạ chia sẻ.

Nhà máy thủy điện mọc lên như “nấm sau mưa” nhưng sau mỗi cơn mưa dài ngày là sự giận dữ của “mẹ thiên nhiên”. Chính tại xã Tà Cạ, trận “đại hồng thủy” năm 2018 trên dòng Nậm Mộ là một minh chứng còn mãi ám ảnh người dân bản địa. Nước cuồn cuộn từ thượng nguồn đổ về như con thủy quái ập đến bản làng bình yên. Lưu lượng nước lớn làm thay đổi dòng chảy, nhà trôi, đất lở, người dân thất thần nhìn cảnh tan hoang. Cùng với việc nhà máy thủy điện Nậm Mô xả đáy, phía hạ du các xã Tà Cạ, Chiêu Lưu, Hữu Kiệm, thị trấn Mường Xén trải qua những ngày thảm họa. Cũng chính trong trận lũ 2018, cách chân đập nhà máy thủy điện Nậm Mô khoảng 50m phía hạ du sạt lở nghiêm trọng, đường nội bộ của nhà máy này bị sập hoàn toàn, nhiều “hàm ếch” ăn sâu vào bờ đe dọa hơn 100 hộ dân sinh sống gần đó. Quốc lộ 7B đi xã biên giới Mường Ải, Mường Típ nhiều đoạn bị xóa sổ.

Thổn thức bản nghèo-Kỳ 1: Bóng tối dưới chân đèn ảnh 1

Anh Moong Văn Dậu cùng người dân bản Nhãn Lỳ sửa tua bin phát điện

Hệ lụy nhãn tiền chồng chất, người dân oằn mình gánh chịu, thế nhưng khi nhắc tới công tác an sinh xã hội của 3 nhà máy thủy điện trên địa bàn, ông Vi Văn Mằn - Chủ tịch xã Tà Cạ lắc đầu: “Một năm, thủy điện Nậm Cắn 2 và thủy điện bản Cánh hỗ trợ người nghèo khoảng 30 triệu đồng. Còn thủy điện Nậm Mô thì hỗ trợ 40 suất, mỗi suất 500 nghìn đồng”, ông Mằn nói.

“Khát điện” ngay cạnh thủy điện

Cùng chúng tôi tới bản Nhãn Lỳ, chỉ về con suối uốn lượn quanh bản, Chủ tịch UBND xã Tà Cạ Vi Văn Mằn cho biết, đó là suối Huồi Hiện, là ánh sáng của bản Nhãn Lỳ. Khoảng cách không xa với các nhà máy thủy điện nhưng bản Nhãn Lỳ không có điện lưới, toàn bộ người dân đều phải dùng tua bin để phát điện. Vừa trở về từ nương rẫy, anh Moong Văn Dậu (SN 1984) lại hối hả xuống suối sửa tua bin để tối nay cả nhà có điện dùng. “Tổ tiên sống ở Nhãn Lỳ và đời chúng tôi cũng thế, cuộc sống quanh năm dựa vào cây lúa, cây ngô trên rẫy. Điện lưới không có, dân bản phải xuống suối Huồi Hiện để lắp tua bin. Mỗi khi nước suối chảy mạnh thì điện sáng, còn không thì điện chập chờn, lúc được lúc mất", anh Dậu cho hay.

Toàn xã Tà Cà có 1.154 hộ dân, 40% hộ nghèo, chủ yếu là người dân tộc Khơ Mú, Thái, Mông. Riêng bản Nhãn Lỳ có 56 hộ dân, toàn bộ là dân tộc Khơ Mú, 100% hộ nghèo.

Khuôn mặt khắc khổ vì sương gió mưu sinh, anh Dậu cũng như những người dân khác của bản, từ nhỏ đã biết lắp đặt và tháo tua bin thành thạo. Quãng thời gian mòn mỏi chờ điện cũng là quãng thời gian suối Huồi Hiện mang sứ mệnh hun đúc hi vọng trong lòng người Nhãn Lỳ về một ngày mai đổi thay. Theo một số người cao niên của bản, khoảng 25 năm trước, Nhà nước cấp cho bản Nhãn Lỳ 3 cái tua bin nhưng máy công suất lớn còn nước suối thì yếu nên không thể sử dụng. Không từ bỏ mang ánh sáng chiếu rọi bản làng, người dân Nhãn Lỳ bán lúa thu hoạch trên rẫy, bán con gà chăm chút ngoài vườn, tích góp, chắt nhặt mua tua bin mi ni về sử dụng. Mỗi tua bin mi ni có giá dao động từ 2,5 đến 4 triệu đồng. Không ít lần, lũ đổ về trong đêm, những tua bin bị cuốn phăng ra sông Nậm Mộ. Lầm lũi trong đói nghèo nhưng người dân lại phải sắm mới tua bin. Cho đến bây giờ, tua bin là một phương án tốt nhất để người Nhãn Lỳ ra khỏi vùng đêm tối.

Thổn thức bản nghèo-Kỳ 1: Bóng tối dưới chân đèn ảnh 2

Nhà máy thủy điện Nậm Cắn 2

Cùng hỗ trợ anh Moong Văn Dậu khơi thông dòng chảy trên suối, anh Hoa Văn Toàn (Trưởng bản Nhãn Lỳ) thông tin: “Toàn bản có 56 hộ dân thì có khoảng 53 cái tua bin được lắp đặt trên suối Huồi Hiện. Trong 3 hộ dân còn lại có 1 hộ dùng chung tua bin với cha, mẹ, một hộ cách xa suối phải dùng điện từ ắc quy, còn một hộ duy nhất không có tiền để mua tua bin. Trước chưa có thủy điện thì còn bắt con cá, vợt con tôm cải thiện bữa ăn nhưng rồi thủy điện mọc lên, tôm cá cũng chẳng còn. Bữa đói, bữa no, nhiều thanh niên trai tráng rời xứ tha phương cầu thực. Người trong bản không hiểu nổi, tại sao có 3 nhà máy thủy điện gần như thế, lũ lụt dân bản chịu thiệt hại nhưng điện lưới lại không có dùng?”.

Câu hỏi của anh Hoa Văn Toàn và băn khoăn của chủ tịch xã Tà Cạ Vi Văn Mằn cũng là lời thổn thức chung của người dân bản nghèo miền biên viễn.

(Còn nữa)

MỚI - NÓNG