Lập đền thờ người có công kiến tạo, xây chùa có đúng?

Lập đền thờ người có công kiến tạo, xây chùa có đúng?
TPO - TS. Bùi Hữu Dược, Vụ trưởng Vụ Phât giáo, Ban Tôn giáo Chính phủ cho biết: Tại chùa Tam Chúc có "đền Tứ Ân", một nơi thờ riêng không nằm trong nơi thờ Phật, theo quan niệm của Phật giáo Việt Nam trong khuôn viên đất chùa vẫn có thể xây “đền” hay “điện” để thờ, ngoài tam bảo là nơi thờ Phật. Đến “đền Tứ Ân”, người hiểu biết sẽ nhận ra ngay là nơi thờ người có công với chùa.

Độc đáo ngôi chùa thờ 26 bà mẹ ở Hải Dương

Nhìn bề ngoài, chùa Cao Xá ở thôn Cao Xá, xã Cao An, huyện Cẩm Giàng (Hải Dương) cũng được xây dựng như hàng ngàn ngôi chùa khác ở nước ta. Nhưng nét độc đáo ở ngôi chùa này chính là sự hiện diện của 26 bức bia hậu, tương ứng với gương mặt của 26 bà mẹ có nhiều công đức trùng tu, tôn tạo ngôi chùa.

Lập đền thờ người có công kiến tạo, xây chùa có đúng? ảnh 1 Đền thờ người có công với Phật giáo tại chùa Tam Chúc. 

Ông Đỗ Xuân Suất, Trưởng thôn kiêm Trưởng tiểu ban quản lý di tích thôn Cao Xá cho biết, chùa Cao Xá được xây dựng từ thời Hậu Lê, với tổng diện tích khoảng 6.500m2, nằm ở phía tây thôn Cao Xá. Chùa được đặt trên khoảnh đất cao và thoáng, 3 mặt là sông nước với vành đai bảo vệ là lũy tre xanh vừa yên ả thanh bình, vừa tăng thêm phần thâm u, linh thiêng cho ngôi chùa. Chùa gồm 7 gian Tiền đường, 3 gian Tam bảo, 5 gian nhà Bia và một khu nhà Mẫu.

Ngoài tượng Phật, ngôi chùa này cũng chính là nơi người dân địa phương thờ Đức Mẫu Nguyễn Thị Phương – mẹ của Đức Tam Quan đại vương, người góp công đánh bại quân Thục Vương từ thời vua Hùng thứ 18. Bà cũng là người đã có công dạy cho nhân dân Cao Xá trang trồng đậu, trồng bông và cày cấy.

Theo lời ông Suất, trải qua bao thăng trầm biến thiên của lịch sử, chùa Cao Xá nhiều lần bị phá hoại, hư hỏng nặng nề. Nhưng nhân dân Cao Xá qua nhiều thế hệ vẫn cùng nhau chung tay góp công sức của cải để trùng tu, tôn tạo lại chùa. Vì vậy, hiện nay chùa Cao Xá còn lưu giữ nguyên vẹn các pho tượng cổ, giá trị nhất là bức tượng làm bằng đồng đen quý hiếm có trọng lượng lớn ở trong tòa Tam Bảo.

Lập đền thờ người có công kiến tạo, xây chùa có đúng? ảnh 2 Chùa Cao Xá, lập bia thờ 26 bà mẹ có công với Phật giáo.

Bên cạnh đó, chùa còn lưu giữ được hệ thống bia ký với 26 bức bia hậu, chạm nổi trên đá là gương mặt của 26 bà mẹ Cao Xá trang các thời kỳ với nhiều công đức như: nuôi con vương trưởng, thành đạt, nhân hậu bao dung, có công với đất nước. Họ cũng là những người đã mang tiền của công sức để trùng tu, tôn tạo ngôi chùa cổ kính, trang nghiêm như ngày nay.

Tại Hải Dương, không riêng chùa Cao Xá thờ các bức bia hậu mà ở chùa Lộ Cương, phường Lộ Cương, TP. Hải Dương cũng đang thờ 16 bức bia hậu. Theo tìm hiểu của PV, các bức bia này tạc gương mặt người đang ngồi, nhưng không giống nhau, có cả hình nam và nữ. Có bức bia chỉ trạm nổi, tạc một hình người nhưng có bức lại tạc hai người, ba người.

Chia sẻ về những bức bia hậu này, ni sư Thích Đàm Tám, người đang trông nom, quản lý chùa Lộ Cương cho biết: Trước đây chùa rất lớn, nhưng do chiến tranh loạn lạc nên chùa bị đốt, phá rất nhiều, những thông tin về chùa hiện nay cũng không còn lưu giữ được gì, riêng các bức bia hậu đã có tại chùa từ lâu, nghe truyền lại đó là những bức bia thờ các gia đình đã hiến ruộng đất cho chùa.

Nét đẹp thờ hậu trong văn hoá người Việt

Lập đền thờ người có công kiến tạo, xây chùa có đúng? ảnh 3  

Theo Thượng toạ Thích Minh Quang – trụ trì tại chùa Tam Chúc (Hà Nam), lâu nay việc thờ hậu tại các chùa, đình, đền vẫn luôn được duy trì, đó là nét đẹp, mang giá trị truyền thống văn hoá tinh thần của dân tộc Việt Nam. Những câu chuyện thờ hậu từ các bà hoàng hậu, hoàng phi đã được sử sách lưu truyền và ghi chép lại.

Đó là những người đã hiến đất, tài sản, công sức để xây dựng những ngôi chùa, đình, đền và không thu tiền, để cộng đồng, người dân hưởng lợi, chính vì vậy mà họ được người dân tôn vinh, tưởng nhớ và ghi công.

Thực tế tại chùa Tam Chúc, ngoài điện chính thờ Phật còn có nhà thờ Tổ, nhà thờ Tứ Ân, là nơi thờ những người có công xây chùa, có công phát triển Phật giáo Việt Nam như Sư tổ Đạt Ma; Khuông Việt Thiền Sư, người có công giúp vua Đinh; Đỗ Thuận Pháp Sư, giúp vua Đinh và vua Lê; Vạn Hạnh Thiền Sư, giúp vua Lý Công Uẩn; Hoàng thượng Trần Nhân Tông; Hoà thượng Thích Minh Không; Hoà thượng Thích Thanh Tứ, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Giáo hội Phật giáo Việt Nam, nguyên là trụ trì chùa Bái Đính...

Thượng toạ Thích Minh Quang cho biết: “Chùa Tam Chúc ngoài điện chính thờ Phật thì có nhà thờ Tổ và nhà thờ Tứ Ân. Nhà thờ Tứ Ân là để thờ những người có công lao lớn kiến tạo, xây dựng chùa, hay còn gọi là thờ hậu, thờ những người có công lao, đóng góp lớn xây dựng chùa đã có từ ngàn đời nay”.

“Ví dụ như chùa Hưng Long tôi đang trụ trì tại Ninh Bình, cách đây 500 năm có một bà cụ đã hiến 1.000 mẫu đất để xây dựng chùa. Mộ cụ vẫn còn đang ở trong chùa Hưng Long và cụ được tạc tượng thờ trong chùa”, Thượng toạ Thích Minh Quang nói.

TS. Bùi Hữu Dược, Vụ trưởng Vụ Phât giáo, Ban Tôn giáo Chính phủ cho biết: Tại chùa Tam Chúc có "đền Tứ Ân", một nơi thờ riêng không nằm trong nơi thờ Phật, theo quan niệm của Phật giáo Việt Nam trong khuôn viên đất chùa vẫn có thể xây “đền” hay “điện” để thờ, ngoài tam bảo là nơi thờ Phật. Việc đến “đền Tứ Ân”, người hiểu biết nhận ra ngay là nơi thờ người có công với chùa.

Lập đền thờ người có công kiến tạo, xây chùa có đúng? ảnh 4 Khu vực chùa Cao Xá.

"Người có công đức xây dựng chùa, khi mất đưa vào chùa thờ đây là việc làm theo truyền thống từ xa xưa… Do không gian rộng, do có điều kiện xây dựng, “đền Tứ Ân” được xây to và đẹp. Nhưng so với “điện Tam thế”, “điện Pháp chủ”... đâu phải to hơn. Việc thờ này không sai về hình thức, không trái với luật tục. Có chăng với con mắt của người quen nhìn cái nhỏ thì có vẻ phô trương.

Mặt khác, "đền Tứ Ân" chưa bài trí đủ các đối tượng tôn thờ (theo tứ trọng ân) nên nhiều người chưa hiểu cho rằng, chỉ thờ mỗi người đã mất. Vậy cũng xin xét kỹ nhiều chùa làng, do chật hẹp thờ vong ngay trong nhà chính điện, nhiều nơi còn khó khăn, con cháu muốn có gian thờ vong riêng mà đâu có điều kiện để xây”, TS Bùi Hữu Dược khẳng định.

Khu du lịch quốc gia chùa Tam Chúc (thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng, Hà Nam) được cho là ngôi chùa lớn nhất thế giới có diện tích gần 5.100ha, với gần 1.000ha hồ nước, 3.000ha núi đá, rừng tự nhiên…, cùng nhiều thung lũng, 3 mặt bao bọc bởi dãy núi Thất Tinh hình tay ngai, trước là hồ Tam Chúc với 6 quả núi. Mặt bằng chùa Tam Chúc rộng tới 144ha với nhiều công trình như chùa Ngọc, điện Tam Thế, điện Pháp Chủ, điện Quan Âm, cổng Tam Quan, Trung tâm Hội nghị quốc tế... và đền thờ Tứ Ân.

MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.