Tam Chúc- dấu ấn mới trên tuyến du lịch tâm linh phía Bắc

Không gian văn hóa nghệ thuật trên hồ Tam Chúc chào mừng thành công Đại lễ Vesak 2019 Ảnh: TTXVN
Không gian văn hóa nghệ thuật trên hồ Tam Chúc chào mừng thành công Đại lễ Vesak 2019 Ảnh: TTXVN
TP - Chùa Tam Chúc hiện là điểm du lịch thu hút du khách thập phương không chỉ của tỉnh Hà Nam. Bởi những cái nhất của khu du lịch tâm linh, sinh thái, nghỉ dưỡng dự tính phải tới 2048 mới hoàn tất này.

Hồ Tam Chúc hiện nay mới ở tình trạng được nạo vét tạm thời và bơm nước vào để thuyền có thể đưa du khách du ngoạn. Hồ Tam Chúc có lẽ là mảnh ghép cuối cùng hoàn thiện quần thể các khu du lịch sinh thái vùng ngập nước gồm chùa Hương với khu bảo tồn thiên nhiên Vân Long, chùa Bái Đính, Tràng An, Tam Cốc…

Được biết trước đây Tam Chúc là vùng sình lầy khá sâu, tới mức trâu bò rơi xuống không lên được, dân làng Tam Chúc phải lội nước mỗi khi về nhà. “Sau này sẽ có xà lan cắm chốt trong hồ, đưa hệ thống máy khoan xuống sâu 2-3m cắt nhỏ đất đá ra và từ từ hất ra bên ngoài để lòng hồ sâu thêm. Hiện nay mọi người cứ nói nơi thờ Phật không nên làm du lịch nhưng với người làm du lịch như chúng tôi, du lịch tâm linh cũng là một loại hình”, hướng dẫn viên cho hay.

Tam Chúc sẽ phát triển 6 khu chức năng, ngoài trung tâm đón tiếp là khu văn hóa tâm linh Tam Chúc, khu bảo tồn tự nhiên Quèn Vồng và hồ Tam Chúc, khu nghỉ dưỡng chăm sóc sức khỏe và du lịch cộng đồng Tam Chúc, khu sân golf Kim Bảng và hồ Ba Hang và trung tâm dịch vụ hậu cần phục vụ hoạt động khu du lịch tại thị trấn Ba Sao.

Phong thủy là một yếu tố thường được nhắc tới để quảng bá cho Tam Chúc. Các điện thờ và công trình tiêu biểu của Tam Chúc: điện Tam Thế, điện Giáo Chủ, điện Quán Âm cùng khu Trung tâm Hội nghị Quốc tế đều nằm trên một trục thẳng gọi là “thần đạo” bắt nguồn từ hõm của đỉnh núi phía Tây cho tới chỗ tụ thủy (cũng được coi là tụ phúc) của sông Đáy. Trục này không bị vướng bởi bất cứ ngọn núi nào trên hồ. Ngoài ra trong vùng cũng có những lễ hội, truyền thuyết mang tính văn hóa lịch sử khá đặc sắc “làm nền” cho sự xuất hiện của những công trình mới. Đặc biệt dân ở đây vốn đã sùng Phật từ trước. Chính người dân đã cung tiến dựng một tượng Phật lớn bằng đá trên sườn núi trên đường dẫn vào chùa cổ Ba sao. Từ đường nhựa có thể chiêm bái pho tượng Phật trong tư thế tọa thiền này.

Một trục hành trình tâm linh khác lên tới cả trăm cây số tới đây sẽ trở thành tuyến du lịch tâm linh Con đường Phật giáo kết nối 3 quần thể di tích và thắng cảnh chùa Hương, chùa Tam Chúc, chùa Bái Đính theo con đường hành hương của Quốc sư Nguyễn Minh Không. Theo Thượng tọa Thích Minh Quang, Phó Chánh Văn phòng T.Ư GHPGVN: “Quốc sư Nguyễn Minh Không thời Lý (1066-1141) đi men theo núi từ Ninh Bình đến Mỹ Đức (Hà Nội) tìm cây thuốc cứu dân độ thế. Ngài đi đến đâu thấy có hang động đẹp thì lại xây chùa bái Phật. Ngài đã về Hà Nam mở rộng chùa Tam Chúc và hành đạo cứu người…”. 

Tới đây sẽ có một con đường nối thẳng từ chùa Hương sang Tam Chúc rồi đến Bái Đính rút gọn tuyến đường này xuống chỉ còn 20km. 

MỚI - NÓNG
Dự án nghìn tỷ nát tươm: Tư vấn thiết kế khai ‘chưa từng nhận được phản ánh’
Dự án nghìn tỷ nát tươm: Tư vấn thiết kế khai ‘chưa từng nhận được phản ánh’
TPO - Tại tòa, bị cáo thuộc đơn vị tư vấn khai quá trình thi công cho đến trước ngày diễn ra sạt trượt, đơn vị tư vấn không nhận được bất cứ phản ánh nào liên quan đến hồ sơ thiết kế. 'Nước ngầm' mà cáo trạng đề cập là do thấm từ trên xuống, lỗi này do đơn vị thi công sử dụng đất đắp không đạt yêu cầu.