Khái niệm “đề tổng hợp hai ý kiến” được dùng để chỉ kiểu đề mà ở đó người ra đề thường đưa ra 2 ý kiến về 1 tác phẩm văn học (tác phẩm thơ, tác phẩm văn xuôi, trích đoạn, hình tượng nhân vật...). Hai ý kiến này có thể thuận chiều (cả 2 ý kiến cùng đúng, cùng có ý nghĩa làm rõ đặc điểm của tác phẩm, trích đoạn, hình tượng…) hoặc ngược chiều (một ý kiến đúng còn một ý kiến sai).
Trong đề thi Đại học khối C, D năm 2013, 2014 (trước khi có sự đổi mới, hợp nhất 2 kì thi tốt nghiệp và đại học làm một vào năm 2015) chúng ta thấy dạng đề 2 ý kiến “thống trị” hoàn toàn phần Nghị luận văn học và chủ yếu là kiểu đề thuận chiều – cả 2 ý kiến cùng đúng, trong đó có 1 ý kiến đề cập đến một phương diện chính, phương diện chủ đạo, ý kiến còn lại đề cập đến một phương diện thứ yếu.
Một vài đề minh họa cho dạng đề tổng hợp – 2 ý kiến
Sau đây là minh họa cụ thể cho 2 kiểu khác nhau của dạng đề này:
Kiểu đề 2 ý kiến thuận chiều – cả 2 cùng đúng:
Đề 1:
Về hình tượng người lính trong bài thơ “Tây Tiến” của Quang Dũng, có ý kiến cho rằng: người lính ở đây có dáng dấp của các tráng sĩ thuở trước. Ý kiến khác thì nhấn mạnh: hình tượng người lính mang đậm vẻ đẹp của người chiến sĩ thời kháng chiến chống Pháp.
Từ cảm nhận của mình về hình tượng này, anh/chị hãy bình luận những ý kiến trên.
(Câu 3.a. Đề thi ĐH năm 2013 – Khối C)
Đề 2:
Về nhân vật Phùng trong truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu, có ý kiến cho rằng: nét nổi bật ở người nghệ sỹ này là một tâm hồn nhạy cảm và say mê cái đẹp thơ mộng của cảnh vật. Ý kiến khác thì nhấn mạnh: vẻ đẹp sâu xa của nghệ sĩ Phùng chính là một tấm lòng đầy trăn trở, lo âu về thân phận con người.
Từ cảm nhận của mình về nhân vật Phùng, anh/chị hãy bình luận những ý kiến trên.
(Câu 3.b. Đề thi ĐH năm 2013 – Khối D)
Đề 3:
Về hình tượng sông Hương trong bút kí “Ai đã đặt tên cho dòng sông?” của Hoàng Phủ Ngọc Tường (sách Ngữ văn 12), có ý kiến cho rằng: Vẻ đẹp nổi bật của sông Hương là cảnh sắc thiên nhiên thơ mộng, tình tứ. Ý kiến khác thì nhấn mạnh: Vẻ đẹp bề sâu của sông Hương là những trầm tích văn hóa, lịch sử.
Bằng cảm nhận về hình tượng sông Hương, anh/chị hãy bình luận các ý kiến trên.
(Câu III. Đề thi ĐH năm 2014 – Khối C)
Đề 4:
Về hình tượng Lor-ca trong bài thơ “Đàn ghi ta của Lor-ca” của Thanh Thảo, có ý kiến cho rằng: Đó là mẫu nghệ sĩ - chiến sĩ, vì dấn thân tranh đấu cho dân chủ và tự do nên bị bọn phát xít hành hình. Ý kiến khác thì khẳng định: Đó là mẫu nghệ sĩ thuần túy chỉ đam mê cái đẹp và sáng tạo nghệ thuật, nhưng bị giết hại oan khuất.
Bằng cảm nhận về hình tượng Lor-ca, anh/chị hãy bình luận các ý kiến trên.
(Câu III - Đề thi ĐH năm 2014 – Khối D)
Kiểu đề 2 ý kiến ngược chiều – một đúng, một sai:
Nhận định về niềm khát khao tận hưởng sự sống trong bài thơ “Vội vàng” của Xuân Diệu, từng có ý kiến cho rằng: đó là tiếng nói của cái tôi vị kỉ tiêu cực. Lại có ý kiến khẳng định: đó là tiếng nói của cái tôi cá nhân tích cực.
Từ cảm nhận của mình về niềm khát khao đó, anh/chị hãy bình luận những ý kiến trên.
(Câu 3.a. Đề thi ĐH năm 2013 – Khối D)
Dàn ý chung
1. Mở bài
Cách 1: Mở bài gián tiếp
Nêu vấn đề, dẫn ý kiến vào (bằng lí luận). Học sinh khá/giỏi nên dùng cách mở bài này để tạo dấu ấn, gây ấn tượng với người chấm bài.
Cách 2: Trực tiếp
- Giới thiệu vài nét tác giả, tác phẩm.
- Nêu vấn đề nghị luận (trích dẫn đầy đủ 2 ý kiến).
2. Thân bài
- Vài nét về tác giả, tác phẩm (Nếu là mở bài gián tiếp)
- Giải thích ý kiến, nhận định: Giải thích bám sát tác phẩm và phong cách tác giả (nếu hai nhận định thì giải thích lần lượt từng nhận định).
- Chứng minh, phân tích, cảm nhận nhận định ý kiến (2.5 điểm). Phần này chiếm nhiều điểm nhất và yêu cầu hàm lượng kiến thức nhiều nhất.
- Bình luận ý kiến, nhận định (0.5 điểm): Sau khi phân tích, cảm nhận về nhận định, học sinh bày tỏ ý kiến cá nhận về nhận định, ý kiến đó và đưa ra lí do vì sao. Ví dụ như phủ định/ bác bỏ ý kiến sai; khẳng định ý kiến đúng; kết hợp hai ý kiến (bổ sung).
3. Kết bài: Đánh giá chung về vấn đề.
Dàn ý minh họa
Đề 1:
Về hình tượng người lính trong bài thơ “Tây Tiến” của Quang Dũng, có ý kiến cho rằng: người lính ở đây có dáng dấp của các tráng sĩ thuở trước. Ý kiến khác thì nhấn mạnh: hình tượng người lính mang đậm vẻ đẹp của người chiến sĩ thời kháng chiến chống Pháp.
Từ cảm nhận của mình về hình tượng này, anh/chị hãy bình luận những ý kiến trên.
(Câu 3.a. Đề thi ĐH năm 2013 – Khối C)
1. Mở bài
- Giới thiệu tác giả: Quang Dũng là một nghệ sĩ đa tài mặc áo lính, nhưng nổi bật lên là một hồn thơ phóng khoáng, tài hoa.
- Giới thiệu tác phẩm: “Tây Tiến” là thi phẩm xuất sắc, tiêu biểu cho phong cách thơ Quang Dũng. Tác phẩm đã khắc họa thành công hình tượng người lính trong buổi đầu kháng Pháp
- Nêu 2 ý kiến: Về hình tượng người lính trong bài trơ có ý kiến cho rằng: “….”. Ý kiến khác lại nhấn mạnh: “…”
2. Thân bài
a. Giải thích ý kiến:
- “Tráng sĩ thuở trước”?
- “Hình tượng người lính mang đậm vẻ đẹp của người chiến sĩ thời kháng chiến chống Pháp”?
b. Cảm nhận hình tượng người lính Tây Tiến (Cảm nhận dựa theo trình tự 2 ý kiến)
- Vẻ đẹp người lính mang dáng dấp của các tráng sĩ thuở trước.
- Hình tượng người lính mang đậm vẻ đẹp của người chiến sĩ thời chống Pháp – hào hoa, bi tráng.
c. Bình luận hai ý kiến:
- Hai ý kiến đều đúng, mỗi ý kiến một góc nhìn nhưng không đối lập mà thống nhất.
- Vì sao? (Lý giải nguyên nhân)
3. Kết bài: Đánh giá chung về vấn đề.
- “Tây Tiến” là dấu ấn của thời đại bi thương nhưng bi tráng, hào hùng.
- Vẻ đẹp ấy không chỉ của riêng “Tây Tiến” mà là gương mặt chung của tuổi trẻ Việt Nam trong các cuộc vệ quốc vĩ đại.
Đề 2
Nhận định về niềm khát khao tận hưởng sự sống trong bài thơ “Vội Vàng” của Xuân Diệu, từng có ý kiến cho rằng: đó là tiếng nói của cái tôi vị kỉ tiêu cực. Lại có ý kiến khẳng định: đó là tiếng nói của cái tôi cá nhân tích cực.
Từ cảm nhận của mình về niềm khát khao đó, anh/chị hãy bình luận những ý kiến trên.
(Câu 3.a. Đề thi ĐH năm 2013 – Khối D)
1. Mở bài
- Giới thiệu tác giả: Nhắc đến Xuân Diệu là chúng ta đang nhắc đến một “nhà thơ mới nhất trong số các nhà thơ mới” (Hoài Thanh)…
- Giới thiệu tác phẩm: “Vội vàng” là thi phẩm xuất sắc được in trong tập “Thơ thơ” (1938), bài thơ tiêu biểu cho phong cách thơ Xuân Diệu trước Cách mạng. Đây là tiếng nói của hồn thơ sôi nổi, ngân vang, chân thành nhất ở những năm tháng tuổi trẻ, thể hiện niềm khát khao tận hưởng sự sống của cái tôi trữ tình.
- Nêu 2 ý kiến: Nhận định về niềm khát khao tận hưởng sự sống trong bài thơ “Vội Vàng” của Xuân Diệu, từng có ý kiến cho rằng: “….”. Lại có ý kiến: “…”
2. Thân bài
a. Giải thích ý kiến:
- “Cái tôi” là gì?
- “Cái tôi vị kỉ tiêu cực” là gì?
- “Cái tôi cá nhân tích cực” là gì?
b. Cảm nhận niềm khao khát tận hưởng sự sống trong “Vội vàng”:
- Cái tôi bám riết, say sưa tận hưởng vẻ đẹp của sự sống trần thế; thể hiện quan niệm mới mẻ về cái đẹp, mùa xuân, tuổi trẻ và tình yêu.
- Cái tôi nhận thức được sự trôi chảy của thời gian và sự ngắn ngủi của kiếp người; do đó phải sống có ý nghĩa, trân trọng từng giây phút của cuộc đời bằng tâm thế sống vội vàng, cuống quýt.
- Cái tôi được thể hiện bởi sự kết hợp giữa cảm xúc trữ tình và triết luận, hình ảnh thơ độc đáo, mới lạ; ngôn ngữ thơ tự nhiên, sinh động; thể thơ tự do; cấu trúc câu thơ linh hoạt; giọng điệu gấp gáp, sôi nổi, ...
c. Bình luận hai ý kiến:
- Phủ định/ bác bỏ ý kiến thứ nhất chưa đúng (sai): Với quan niệm nhân sinh đầy tính triết luận mới mẻ, tiến bộ của “Vội vàng”, đây không phải “là tiếng nói của cái tôi vị kỉ”. Vì sao?
- Khẳng định ý kiến thứ hai là đúng: “Vội vàng” là tiếng nói của cái tôi tích cực. Lí giải nguyên nhân?
3. Kết bài: Đánh giá chung về vấn đề.
- Thời đại “Thơ mới” nói chung và thơ Xuân Diệu nói riêng, khao khát tận hưởng sự sống của cái tôi tích cực ấy đã có ảnh hưởng sâu sắc đến ý thức sống cá nhân, giúp cho người đọc biết trân quý bản thân, biết mở lòng yêu đời, yêu cuộc sống, biết tận, tận hưởng, đặc biệt là tầng lớp thanh niên.
- Tuy nhiên trong thời đại hội nhập hôm nay, nhiều thanh niên có lối sống vội vàng, sống gấp theo kiểu vị kỉ, lười lao động, lười học tập, sa vào con đường hưởng lạc, đồi trụy. Đó không phải là lẽ sống vội vàng mà Xuân Diệu tuyên ngôn.