Hơn 20 năm trước, khu vực gần chợ Long Biên, phường Phúc Xá, quận Ba Đình đua nhau mọc lên các khu nhà trọ đơn sơ và tồn tại đến nay. Đây là nơi ở của những lao động nghèo, có người sống tại đây quá nửa đời người...
Phận nghèo xóm trọ
Dù đến xóm ngụ cư dưới chân cầu Long Biên từ sáng sớm, nhưng chúng tôi vẫn gặp rất ít người lao động ở đây. Hóa ra, những người làm ban ngày còn dậy sớm hơn và đã rời khỏi nhà. Còn những lao động làm bốc vác hoặc công việc khác trong đêm tại chợ Long Biên thì đã về nhà và đang ngủ.
Loanh quanh xóm ngụ cư một hồi, khá khó khăn chúng tôi mới bắt chuyện được với một chủ nhà trọ. Người chủ trọ khoảng 65 tuổi, giao hẹn trước là chỉ chia sẻ câu chuyện, không xưng tên. Ông cho biết mình vốn là dân phố cổ, cách đây hơn 30 năm do nhà chật chội quá mới tính chuyện mua đất ngoài bãi Phúc Xá để ở. Hồi đó nơi đây đất có chủ còn rẻ, đồng thời còn nhiều đất công để có thể “khai hoang”. Lúc đó, thấy mọi người khai hoang được thì ông cũng làm. Rồi chục năm sau đó, chợ Long Biên hình thành kéo theo lao động tự do khắp nơi tụ về khiến nhu cầu cho thuê nhà trọ phát triển. Thấy nhiều người làm nhà trọ cho thuê, ông cũng làm. Các phòng trọ đều sơ sài, thường rộng dưới chục thước vuông.
“Ban đầu giá trọ cho mỗi người chỉ vài ngàn đồng/ngày, sau tăng dần, đến nay tính ra cũng khoảng chục ngàn đồng/ngày. Nhưng có không ít lao động rủ nhau cùng thuê một phòng trọ, giá mỗi tháng cũng chỉ vài trăm ngàn”- người chủ trọ cho biết. Rồi ông chia sẻ thêm, về sau thấy việc cho thuê trọ cũng có thu nhập, một số người tiếp tục lấn chiếm để làm thêm phòng trọ. Vì thế, năm 2018, chính quyền phường Phúc Xá dỡ bỏ khá nhiều phòng trọ lấn chiếm. Khi được hỏi: “Sau này, nếu việc quy hoạch hai bên bờ sông Hồng được tiến hành khiến dãy nhà trọ của ông tại đây không còn, ông nghĩ sao?”, người chủ trọ trả lời sẽ chấp hành, miễn là được bồi thường đúng quy định.
Cũng tại xóm ngụ cư, chúng tôi gặp bà Lê Thị Đỗ, trọ tại khu vực Phúc Xá đã gần 50 năm. Bà cho biết, năm 1972, gia cảnh quá khó khăn khiến bà phải rời miền quê nghèo Lý Nhân (Hà Nam) lên Hà Nội kiếm sống. Hằng ngày, người phụ nữ này bán ngô luộc, tối về ngủ trọ ở trong căn phòng rộng chừng chục mét vuông, cùng vài người khác. Cách đây hơn 20 năm, khi lũ lụt tại đây ít đi rồi không còn thì xóm ngụ cư tại bãi Phúc Xá bắt đầu hình thành. Bà Đỗ là một trong những người đầu tiên đến thuê trọ tại xóm ngụ cư này và chuyển từ bán ngô sang thu mua đồng nát đến nay. “Ngày rời khỏi nhà khi 19 tuổi, tôi nghĩ đi vài tháng rồi về, không ngờ ở đến nay đã ngót nửa thế kỷ”- bà Đỗ nói: “Cũng từ gánh đồng nát này mà tôi có tiền để nuôi các con khôn lớn và lo học hành cho chúng thành người”.
Khác với bà Đỗ, anh Nguyễn Văn Minh, quê ở huyện Ân Thi (Hưng Yên), đến chợ Long Biên làm bốc vác khi đã gần 40 tuổi, và ở xóm ngụ cư này được chục năm. Cũng như nhiều người lao động khác, ở quê ruộng ít, làm không đủ ăn nên anh phải ra Hà Nội kiếm sống. Đêm nào nhiều việc, anh kiếm được từ hai đến ba trăm ngàn đồng, còn hôm ít việc chỉ được vài chục ngàn đồng. Do không còn trẻ, công việc bốc vác lại nặng nhọc nên có lúc anh Minh tính chuyện về quê. Nhưng khổ nỗi, do ba đứa con vẫn đang tuổi ăn học nên anh chưa thể rời khỏi xóm ngụ cư này.
“Riêng học phí đại học của đứa con đầu cũng mất gần 30 triệu đồng/năm, chưa kể hai đứa em còn đang học phổ thông. Ở quê làm ruộng không thể đủ nuôi các con ăn học, tôi đành cố gắng vì tương lai của các cháu”- anh Minh chia sẻ.
Khi được hỏi: “Nếu xóm ngụ cư này không còn, anh có về quê?”, anh Minh cho biết mình sẽ thuê trọ nơi khác để tiếp tục nuôi các con ăn học. Còn bà Đỗ cho biết khi đó bà sẽ về quê vì mục tiêu gánh vác gia đình coi như đã hoàn thành.
Ðể bờ sông Hồng đẹp hơn…
Đến UBND phường Phúc Xá, chúng tôi có dịp trò chuyện với Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Hưng. Vốn nhiều năm làm cán bộ địa chính phường, ông Hưng hiểu khá tường tận tình trạng đất đai ở xóm ngụ cư này. Ông cho biết, hơn 30 năm trước, đất bãi Phúc Xá còn ít người ở. Rồi do nhà ở chật chội, một số người dân trong phố đã ra mua nhà tại bãi Phúc Xá rồi làm nhà trọ cho thuê.
Không ít trường hợp được phân nhà tập thể tại đây, rồi tranh thủ “mượn tạm” vào phần đất công để làm nhà cho thuê trọ. Nhiều dãy nhà trọ khác được xây dựng từ phần đất trồng rau trước đây chia cho người dân làm nông nghiệp tại Thủ đô từ thời bao cấp. Có những người ở quê ra làm ăn, ban đầu chỉ dựng tạm túp lều tại xóm ngụ cư để ở, rồi dần xây dựng thành nhà…
Đến nay, xóm ngụ cư phường Phúc Xá có 400 nhà trọ với khoảng 600 người lao động tạm trú. “Các trường hợp đến thuê trọ đều được phường quản lý tạm trú, tạm vắng”- ông Hưng cho biết. Rồi ông chia sẻ, những năm gần đây, thấy việc cho thuê trọ đem lại thu nhập khá, một số chủ trọ tại xóm ngụ cư đã lấn chiếm thêm đất để làm nhà trọ.
Trước tình hình này, lãnh đạo phường Phúc Xá đã xin chủ trương cấp trên để làm con đường dân sinh tại xóm ngụ cư nhằm ngăn chặn việc lấn chiếm đất công. Năm 2018, con đường dân sinh được khởi công với chiều rộng 9 mét, nay chỉ còn một phần gần chân cầu Long Biên là chưa hoàn thành. Trong quá trình làm đường, có tới trăm căn nhà trọ được làm trên đất lấn chiếm thời gian gần đây đã bị dỡ bỏ.
Ông Hưng cho hay, từ khi chưa có thông tin về dự án quy hoạch hai bên bờ sông Hồng, hoạt động của xóm ngụ cư dưới chân cầu Long Biên vẫn luôn được địa phương chú ý, bởi các khu trọ đều làm sơ sài, có nguy cơ cháy nổ rất cao, nguy hiểm cho tính mạng người thuê. Do đó, UBND phường Phúc Xá đã đề xuất lên UBND quận Ba Đình hai phương án giải quyết theo hướng thu hồi đất, dỡ bỏ các phòng trọ hoặc cho tồn tại với điều kiện các chủ nhà trọ phải tu sửa, nâng cấp phòng trọ sạch đẹp hơn, đảm bảo mỹ quan đô thị.
“Trong khi đợi UBND quận chỉ đạo hướng giải quyết, chúng tôi yêu cầu các chủ nhà trọ phải chú trọng công tác phòng cháy đối với các phòng trọ. Đồng thời, các cơ quan chức năng của phường phải đảm bảo công tác an ninh cho những lao động nghèo ở trọ”- ông Hưng cho biết.
(Còn nữa)
Mới đây, tiếp xúc cử tri thành phố, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết: Thành phố sẽ hoàn thiện đề án quy hoạch hai bên bờ sông Hồng để trình HĐND thành phố xem xét trong năm 2019. Trong đó, có xem xét việc đời sống người dân ở ngoài bãi, bởi hiện có gần 1 triệu dân sinh sống ngoài đê.