Ngày 13/12, UBND TPHCM phối hợp với Tổng Lãnh sự quán Lào tại TPHCM tổ chức Diễn đàn Thương mại và Đầu tư Việt Nam - Lào với mục tiêu thúc đẩy mối quan hệ ngoại giao thương mại và đầu tư giữa TPHCM với các địa phương Lào, xúc tiến đầu tư vào Lào và TPHCM.
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên dự và chủ trì diễn đàn.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên và Phó Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone tham quan các gian hàng trong không gian diễn đàn. |
Nhiều năm đầu tư tại Lào, bà Hứa Thị Bích Thu - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Tập đoàn Indochina Holdings - cho biết doanh nghiệp này trong 6 tháng qua đã khảo sát tại nhiều tỉnh, thành ở Lào để tiếp tục đầu tư làm ăn. Ngoài các thuận lợi, bà cho biết vấn đề các tuyến giao thông kết nối giữa các địa phương Lào hiện còn là cản trở lớn.
“Tôi hy vọng Lào sẽ là trung tâm kết nối giao thương cho các nước trong khu vực, thuận tiện trong hệ thống logistics cho các doanh nghiệp Việt muốn đầu tư vào Lào và xuất khẩu. Riêng Tập đoàn Indochina Holdings sẽ đầu tư vào khu vực Cánh đồng Chum”, bà Thu cho biết.
Từ dự định đầu tư, bà Thu muốn được biết kế hoạch, chính sách của Chính phủ Lào hiện tại như thế nào trong thu hút đầu tư nước ngoài.
Đại biểu sở ngành, địa phương và doanh nghiệp hai nước dự diễn đàn (Ảnh: Ngô Tùng). |
Đại diện Công ty Cổ phần Mekong Logistics cho biết, vì Lào không có các cảng biển, nếu doanh nghiệp muốn đầu tư thêm cho lĩnh vực Logistics thì Chính phủ Lào có ưu tiên gì cho doanh nghiệp?
Về điều này, Phó Thủ tướng Sonexay Siphandone khẳng định, Lào rất quan tâm đến lĩnh vực logistics, với mục tiêu từ nước không có biển trở thành trung tâm kết nối. Ông cho biết, thời gian qua, Chính phủ Lào đã quan tâm đầu tư hạ tầng dọc sông Mekong, nâng cấp các tuyến đường, đặc biệt là các tuyến đường bộ kết nối với Việt Nam. Tuy nhiên nỗ lực này cũng gặp nhiều khó khăn, hạn chế liên quan đến việc nâng chuẩn đường sá.
Phó Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone trao đổi tại diễn đàn. |
Ông Sonexay Siphandone cũng cho biết, Lào rất quan tâm thu hút đầu tư nước ngoài, tỷ lệ đầu tư của Lào chiếm hơn 50% là đầu tư nước ngoài, phần lớn là vốn ODA, quỹ quốc tế khác trong hỗ trợ phát triển đất nước.
“Hiện chúng tôi đang củng cố, bổ sung luật, cơ sở pháp lý liên quan. Đặc biệt đối với Việt Nam, chúng tôi triển khai các chính sách dựa trên mối quan hệ hữu nghị vĩ đại của hai nước, do đó có chính sách ưu đãi đặc biệt đối với Việt Nam để khai thác hiệu quả các tiềm năng”, ông Sonexay Siphandone nhấn mạnh và cho biết thêm, Chính phủ Lào cũng áp dụng chính sách khuyến khích đối với vùng sâu vùng xa, như chính sách cho phép nhập nguyên vật liệu, xăng dầu phục vụ các dự án…
Đối với thắc mắc về điều kiện thành lập công ty có 100% vốn Việt Nam tại Lào, đại diện Chính phủ Lào cho hay điều này còn phụ thuộc vào hoạt động của các dự án sẽ có những cơ chế khác nhau. Hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào cũng như các tỉnh cũng đã triển khai “phòng một cửa” nhằm tư vấn, hỗ trợ việc triển khai thành lập doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Phó Thủ tướng Lào và Chủ tịch TPHCM Phan Văn Mãi tại hội nghị. |
Tại diễn đàn đã diễn ra hoạt động ký kết 17 biên bản ghi nhớ và 1 hợp đồng kinh tế giữa các đơn vị, doanh nghiệp hai nước. |
Phát biểu kết luận diễn đàn, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi đề nghị sau diễn đàn này, Sở Công Thương TPHCM theo dõi, hướng dẫn các đơn vị như Saigon Co.op, Satra tổ chức kết nối hàng hóa của Lào đi vào thị trường thành phố. Bên cạnh đó, Sở Du lịch theo dõi, hỗ trợ để các doanh nghiệp du lịch thúc đẩy hơn nữa các hoạt động du lịch giữa TPHCM và các địa phương của Lào.
Chủ tịch UBND TPHCM cũng yêu cầu Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TPHCM (ITPC) làm đầu mối tập hợp các vấn đề, yêu cầu của doanh nghiệp hai bên để trao đổi với các sở ngành, tổ chức liên quan nhằm kịp thời cung cấp thông tin cho doanh nghiệp. Cùng với đó, chủ trì tổ chức tuần lễ sản phẩm của doanh nghiệp TPHCM tại Lào, thúc đẩy hơn nữa giao thương giữa thành phố và Lào.
“Chúng tôi đề nghị các doanh nghiệp đã ký kết hôm nay cũng như các doanh nghiệp đang tìm hiểu cơ hội hợp tác, đầu tư giữa hai bên triển khai các nội dung ký kết hoặc các kế hoạch xúc tiến việc đầu tư thương mại sắp tới”, ông Phan Văn Mãi bày tỏ.
Phát biểu chào mừng diễn đàn, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên khẳng định, sau khi hai nước Việt Nam – Lào ký kết Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác năm 1977, quan hệ hữu nghị, hợp tác toàn diện giữa hai nước tiếp tục được vun đắp, trong đó quan hệ chính trị ngày càng đi vào chiều sâu, quan hệ kinh tế trở thành điểm sáng hết sức tích cực.
Ông Nên cho biết, Lào là thị trường đầu tư ra nước ngoài lớn nhất của doanh nghiệp Việt Nam, đứng thứ nhất trong số 78 quốc gia vùng lãnh thổ mà Việt Nam đầu tư ra nước ngoài, gồm 240 dự án với tổng số vốn đăng ký hơn 5,3 tỷ USD. Nhiều dự án lớn hoàn thành đã phát huy hiệu quả, tạo công ăn việc làm, đóng góp tích cực vào sự phát triển của hai nước, điển hình như các dự án đầu tư của Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, Tổng Công ty Xăng dầu Việt Nam, dự án tổ hợp sân golf và khách sạn nhà ở của Công ty CP Đầu tư và Kinh doanh golf Long Thành, cùng hoạt động của chi nhánh các ngân hàng cổ phần Việt Nam tại Lào…