Lao động đi làm việc ở nước ngoài: Có gì thay đổi?

Đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài trong thời gian tới sẽ phụ thuộc nhiều vào nước tiếp nhận
Đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài trong thời gian tới sẽ phụ thuộc nhiều vào nước tiếp nhận
TP - Dịch COVID-19 khiến hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài tạm dừng ngay từ những tháng đầu năm. Hơn nửa triệu lao động Việt Nam ở nước ngoài bị tác động, xáo trộn cuộc sống.  Tới đây, Việt Nam dự kiến nối lại và tăng dần các chuyến bay thương mại quốc tế, trong đó có một số nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc). 

Vậy, việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài có gì thay đổi?  Tiền Phong trao đổi với ông Đặng Sĩ Dũng (ảnh), Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước. Ông Dũng cho biết:

 Do dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp của nước tiếp nhận lao động Việt Nam, đặc biệt là ở các thị trường truyền thống như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan...phải điều chỉnh quy mô hoạt động, thu hẹp sản xuất, cắt giảm số lượng lao động đang làm việc cũng như giảm hoặc hủy bỏ nhu cầu tiếp nhận lao động mới từ nước ngoài.

Điều này khiến lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài gặp không ít khó khăn, như giảm thu nhập, giờ làm việc, thất nghiệp hoặc phải chuyển việc làm...Tuy nhiên, rất may các nước này đều triển khai chính sách hỗ trợ lao động nước ngoài.

Tại Nhật Bản, có hơn 400.000 lao động Việt Nam đang làm việc. Lao động phải nghỉ việc tạm thời do doanh nghiệp thu hẹp sản xuất sẽ được Chính phủ Nhật trợ cấp nghỉ việc tạm thời với mức trợ cấp 6.815-8.330 Yên/người/ngày (tương đương 1,5-1,8 triệu đồng/ngày), lao động bị mất việc do doanh nghiệp phá sản sẽ được nhận trợ 6.815-8.330 yên/ngày (tương đương 1,5-1,8 triệu đồng/ngày), thời gian nhận trợ cấp từ 90 ngày đến 150 ngày tùy theo độ tuổi.

Lao động đi làm việc ở nước ngoài: Có gì thay đổi? ảnh 1

ông Đặng Sĩ Dũng

Tại Hàn Quốc, Chính phủ nước này tạo điều kiện cho lao động nước ngoài hết hạn hợp đồng, hết hạn lưu trú nhưng không thể về nước được gia hạn thời gian lưu trú thêm 50 ngày. Hết thời hạn này, nếu người lao động vẫn phải tiếp tục lưu lại Hàn Quốc do chưa có đường bay sẽ tiếp tục được gia hạn thời gian lưu trú nhiều lần, mỗi lần có thời hạn 30 ngày. Bộ Tư pháp cùng Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc còn cho phép lao động làm việc theo Chương trình EPS hết hạn cư trú có thể chuyển đổi sang lao động thời vụ; cho lao động vay tiền để trang trải chi phí sinh hoạt trong thời gian chờ về nước… Điều này giúp lao động Việt Nam giảm áp lực khi làm việc ở nước ngoài.

Kế hoạch đưa lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc sắp tới có điều chỉnh gì không, thưa ông?

Tính đến hết tháng 7/2020, có 36.118 lao động Việt Nam được đi làm việc ở nước ngoài, chủ yếu đi vào 3 tháng đầu năm, khi dịch bệnh COVID-19 chưa bùng phát mạnh.

Thống kê chưa đầy đủ từ các doanh nghiệp và Ban Quản lý lao động Việt Nam ở nước ngoài cho thấy, trong mấy tháng diễn ra dịch COVID-19 đã có hơn 6.000 lao động Việt Nam ở nước ngoài về nước. 3.000 lao động Việt tại Nhật cũng đã hết hợp đồng, không muốn chuyển sang việc khác mà đang muốn về nước.

Hiện trên thế giới, dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, số ca nhiễm mới và số người tử vong vẫn chưa có chiều hướng giảm xuống. Theo dự báo, tình hình khó khăn nghiêm trọng này còn kéo dài tới cuối năm và có thể ảnh hưởng sang đầu năm 2021. Trước tình hình trên, Cục Quản lý Lao động ngoài nước đã báo cáo Bộ LĐ-TB&XH điều chỉnh số lượng lao động dự kiến đưa đi làm việc ở nước ngoài trong năm 2020 từ 120.000 người xuống còn 70.000 người và năm 2021 là 90.000 người.

 Xin ông cho biết, với diễn tiến khó lường của dịch COVID - 19, hoạt động đưa lao động đi làm việc trong bối cảnh này có gì thay đổi? Thủ tướng vừa chỉ đạo nối lại và tăng dần các chuyến bay quốc tế, đặc biệt ưu tiên một số nước như Nhật Bản, Hàn Quốc. Đối với lĩnh vực đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài, Cục đã có kế hoạch ra sao?

Do tác động của dịch COVID-19, đại bộ phận doanh nghiệp tại nước tiếp nhận đều phải điều chỉnh kế hoạch sản xuất. Bây giờ, không phải mình muốn đưa bao nhiêu thì đưa, mà phụ thuộc lớn vào nhu cầu của nước tiếp nhận.

Nhiều đơn hàng đã bị hủy.Quy định về thời hạn lao động ở một số thị trường cũng đã thay đổi. Tại Nhật Bản, trước đây visa cho thực tập sinh có thời hạn 3 năm, giờ đây họ có thể nới dài hơn thành 5 năm... Hay tại Đài Loan, chính quyền đảo này vẫn tiếp nhận lao động nước ngoài nhưng đưa ra hạn ngạch và chỉ ưu tiên lao động đã có visa cấp trước.

Đặc biệt, thay đổi lớn nhất là các thủ tục, giấy tờ để xin cấp visa. Lao động xin visa cũng khó hơn trước nhiều. Doanh nghiệp còn phải tốn thêm các chi phí thực hiện cách ly, xét nghiệm cho lao động khi họ muốn đưa lao động đi làm việc.

Tuy nhiên, trước tín hiệu tích cực trong tiếp nhận lại lao động, Cục Quản lý lao động ngoài nước đang lên kế hoạch ưu tiên một số thị trường truyền thống như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan.

Cục đã có giải pháp gì để hỗ trợ lao động, cũng như doanh nghiệp xuất khẩu lao động, thưa ông?

Để hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, Cục đã phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng Thông tư số 54/2020/TT-BTC giảm 50% lệ phí, phí xác minh giấy tờ trong lĩnh vực đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đến hết 31/12/2020. Tăng cường giải quyết thủ tục trực tuyến đối với đăng ký hợp đồng, cấp phép cho các doanh nghiệp.

MỚI - NÓNG