Liên quan đến phát ngôn của ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An trao đổi tại một toạ đàm mới đây, cho rằng “90% người Việt Nam ăn gạo “bẩn”…, ông Tiệp cho rằng “Phát biểu của ông Bình là thiếu căn cứ”.
Theo ông Tiệp, về góc độ vệ sinh an toàn thực phẩm, chúng ta chỉ có thể nói là gạo có đảm bảo an toàn hay không đảm bảo an toàn, còn nói “gạo sạch” hay “gạo bẩn” thì không có căn cứ nào cả.
Muốn khẳng định gạo lưu thông trên thị trường có đảm bảo an toàn thực phẩm hay không, thì phải giám sát diện rộng.
Theo đó, phải tổ chức lấy mẫu ngẫu nhiễn theo diện rộng kiểm tra, phân tích các chỉ tiêu về an toàn thực phẩm, dư lượng hóa chất (thuốc bảo vệ thực vật và kim loại nặng) đối với các loại gạo ở các vùng khác nhau trên cả nước thì mới có thể có số liệu để kết luận chính xác.
Nafiqad đã tiến hành lấy mẫu gạo ở Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM, Cần Thơ và một địa phương lân cận, ở các vùng sinh thái khác nhau và được phân dích đa dư lượng, với trên 90 chỉ tiêu về an toàn.
Theo đó, Kết quả giám sát năm 2017 với số lượng 150 mẫu; năm 2018 với số lượng 169 mẫu cho thấy, không phát hiện ra mẫu gạo nào có chất cấm và tồn dư kim loại nặng, chỉ có một số ít mẫu có tồn dư thuốc bảo vệ thực vật nhưng đều dưới ngưỡng cho phép. Vì vậy, có thể khẳng định gạo tiêu dùng ở nước ta là hoàn toàn an toàn.
Các tiêu chuẩn an toàn của Việt Nam được được xây dựng trên văn bản của Codex (Uỷ ban tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế), nên gạo xuất đi EU, hay ăn ở Việt Nam thì về tiêu chuẩn an toàn là như nhau.
Đối với gạo xuất khẩu, những năm gần đây, số lượng lô gạo xuất khẩu bị các nước nhập khẩu có phản hồi cảnh báo cũng đã ở mức thấp nhất. Cụ thể trong 3 năm 2018-2020 (tính đến thời điểm này), mỗi năm chỉ có 1 lô gạo xuất khẩu bị EU cảnh báo, chiếm tỉ lệ vô cùng nhỏ so với hàng nghìn lô gạo xuất khẩu/năm. Khi cảnh báo, chúng tôi cũng đã yêu cầu doanh nghiệp xuất khẩu điều tra nguyên nhân, để khắc phục.
Ông Tiệp cũng cho rằng, khai niệm về “chất lượng” và “an toàn” là hai khai niệm khác nhau. Còn chất lượng gạo là nói về các loại gạo thơm, gạo thường, hạt tròn, hạt dài, gạo trồng theo quy trình VietGAP, GlobalGAP, hay hữu cơ… Chất lượng gạo Việt càng ngày trồng theo các quy trình GAP.
“Về mặt an toàn, tất cả các loại gạo đều được giám sát và đảm bảo an toàn. Nếu gạo Việt không an toàn thì các nước làm sao cho mình xuất khẩu. Còn chất lượng, những loại gạo hữu cơ, trồng theo quy trình GAP…sẽ ngon hơn thông thường”, ông Tiệp nói.
Về việc sản xuất lúa gạo theo quy trình GAP (VietGAP và GlobalGap), hữu cơ… ông Tiệp khẳng định đây chỉ là các quy trình hướng dẫn để sản xuất không chỉ nhằm đảm bảo sản phẩm an toàn, mà còn có nhiều ý nghĩa như phúc lợi xã hội, thân thiện với môi trường, đảm bảo sản xuất bền vững, truy xuất nguồn gốc…
Theo quy trình VietGAP của Việt Nam cũng được xây dựng trên cơ sở các hướng dẫn của Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO), và tương tương với GlobalGap. Vì vậy không có chuyện các nhà nhập khẩu gạo của Việt Nam trên thế giới chỉ tin tưởng GlobalGap mà không tin tưởng chứng nhận VietGap của Việt Nam.
Hiện nay, do một số khách hàng nhập khẩu gạo của Việt Nam có thể chưa hiểu rõ về VietGap của Việt Nam, nên họ đề nghị gạo phải có chứng nhận GlobalGap, còn về mặt quy định xuất khẩu thì VietGap hay GlobalGap đều tương tương nhau.
Hiện nay, Bộ NN&PTNT cũng đang xúc tiến để hợp nhất VietGap và GlobalGap là tương đương và công nhận lẫn nhau.
Vấn đề quan trọng nhất, đó là dù sản xuất theo quy trình VietGap hay GlobalGap, thì yêu cầu cuối cùng của nước nhập khẩu gạo của Việt Nam, đó là họ đều phải tiến hành kiểm tra, lấy mẫu để giám sát dư lượng các hóa chất theo quy định để đảm bảo an toàn thực phẩm. Có nhà nhập khẩu yêu cầu cần phải có chứng chỉ sản xuất theo Gap, cũng có nhà nhập khẩu không yêu cầu phải có GAP.
“Vấn đề là lô hàng phải đạt được các yêu cầu về dư lượng hóa chất đảm bảo an toàn thực phẩm, nếu vi phạm thì mới sẽ bị trả về, chứ không có lô hàng nào bị trả về do không có chứng nhận GAP”, ông Tiệp khẳng định.
Giá gạo Việt Nam xuất khẩu cao nhất 9 năm qua
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) khối lượng gạo xuất khẩu tháng 8 năm 2020 ước đạt 500 nghìn tấn với giá trị đạt 251 triệu USD. Với con số trên, xuất khẩu gạo trong 8 tháng đầu năm đạt 4,5 triệu tấn, kim ngạch 2,2 tỷ USD, giảm 1,7% về khối lượng nhưng tăng 10,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019.
Trong 7 tháng đầu năm 2020, Philippines dẫn đầu thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam với 35,3% thị phần với giá trị xuất khẩu đạt 1,5 triệu tấn và 688,3 triệu USD, tăng 2,7% về khối lượng và tăng 17,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019. Các thị trường có giá trị xuất khẩu gạo tăng mạnh nhất gồm Senegal, Indonesia, Trung Quốc…
Giá gạo xuất khẩu bình quân 7 tháng đầu năm 2020 đạt 487,2 USD/tấn, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm 2019.
Giá gạo tại các quốc gia xuất khẩu gạo lớn tại châu Á đang có chiều hướng tăng tích cực. Trong đó, gạo xuất khẩu Ấn Độ tăng cao do ảnh hưởng của lũ lụt và sự lan rộng của dịch Covid-19 khiến hoạt động logistics bị gián đoạn.
Giá gạo xuất khẩu Việt Nam tăng lên mức cao nhất kể từ cuối năm 2011 do tác động từ yếu tố mùa vụ, hiện vụ thu hoạch Hè Thu đã gần kết thúc nên nguồn cung bị thu hẹp hơn; ngoài ra, dịch Covid- 19 tái bùng phát khiến nhiều tác nhân trong chuỗi tăng cường dự trữ.