Lùm xùm xuất khẩu gạo: Đáng ngờ việc bỗng dưng mất tờ khai hải quan

Gạo được mùa, được giá mà không xuất được khiến DN như “ngồi trên đống lửa”
Gạo được mùa, được giá mà không xuất được khiến DN như “ngồi trên đống lửa”
TP - Hết hạn ngạch xuất khẩu, hàng ngàn tấn gạo đã tập kết ở cảng vẫn không được thông quan, mất cả trăm triệu đồng/ngày cho tiền kho bãi… là tình cảnh “sống dở chết dở” của doanh nghiệp (DN) xuất khẩu gạo hiện nay.

Ngày 22/4, tại hội nghị về công tác điều hành xuất khẩu gạo do Bộ Công Thương tổ chức, nhiều DN kêu bỗng dưng bị mất tờ khai hải quan một cách đáng ngờ.

Ông Trần Hồ Hiền, Giám đốc chi nhánh Công ty CP Lương thực Bình Định (Bidifood) nói, 9.700 tấn gạo công ty này đưa đến cảng Mỹ Thới (An Giang) trước ngày 24/3 và khai báo hải quan thành công, chờ lên tàu. Tuy nhiên, vì lệnh cấm xuất khẩu nên gạo phải nằm tại cảng. Đến ngày 11/4, sau khi Thủ tướng cho nối lại xuất khẩu, DN kiểm tra thông tin hàng hóa trên tờ khai thì phát hiện bị mất toàn bộ trên hệ thống. Điều này đồng nghĩa với việc các lô gạo này của Bidifood không được thông quan. Do hàng hóa bị “ngâm” từ ngày 23/3 đến nay, đơn vị này đã bị thiệt hại gần 6 tỷ đồng (200 triệu đồng/ngày).

“Ngày chủ tàu chở gạo thông báo phạt chúng tôi gần 200.000 USD, chưa kể gần 9.700 tấn gạo trên sà lan đợi lên tàu, cộng thêm lượng gạo tồn tại cảng gây thiệt hại rất lớn. Công ty chúng tôi có nguy cơ sụp đổ. Tôi đề nghị Tổng cục Hải quan kiểm tra và trả lời DN tại sao xóa thông tin tờ khai của chúng tôi. Mong Bộ Công Thương, Bộ Tài chính chủ trì đề xuất hải quan giải oan cho DN”, ông Hiền nói.

Ông Trương Quang Hoài Nam, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho hay, DN trên địa bàn tỉnh này đã chuyển ra cảng 76.181 tấn gạo. Trong đó, hơn 46.000 tấn đã mở tờ khai từ tháng 3 nhưng đến nay vẫn chưa đi được. Ông Nam kiến nghị cho phép DN tiếp tục mở tờ khai xuất khẩu, trong đó ưu tiên những tờ khai đã mở trong tháng 3 nhưng chưa xuất được. Tương tự, tỉnh Kiên Giang cũng nói, số lượng gạo các DN của tỉnh tồn tại cảng lên tới 69.000 tấn; Đồng Tháp có 12.000 tấn gạo cũng nằm dài ở cảng… 

Không để DN thiệt hại

Tại hội nghị, ông Mai Xuân Thành, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho rằng, tổng số lượng các hợp đồng đã ký (trước khi có lệnh ngừng xuất khẩu gạo) của DN nhưng chưa giao hàng là gần 1,3 triệu tấn gạo, trong khi chỉ cho phép xuất khẩu 400.000 tấn thì chắc chắn xảy ra những bức xúc của DN. Ông Thành nói hệ thống khai tờ khai xuất khẩu hoàn toàn tự động, cơ quan hải quan mở thời điểm 0h là đúng theo các quy định.

“Việc một số DN phản ánh liên quan tờ khai bị mất dữ liệu, Tổng cục Hải quan đã nhận đơn, đã yêu cầu các bộ phận công nghệ thông tin kiểm tra. Hải quan sẽ báo cáo lại với Bộ Công Thương để có hướng giải quyết”, ông Thành nói.

Giải thích về lý do ngừng xuất khẩu gạo trước đây, theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, trong cuộc họp của Thủ tướng với Thường trực Chính phủ ngày 23/3, căn cứ vào số liệu thống kê tổng quát, các cơ quan nhận định có rủi ro lớn về vấn đề cung gạo, an ninh lương thực quốc gia đứng trước mối đe dọa nghiêm trọng.

Cụ thể, tính đến 15/3, đã xuất khẩu 1,3 triệu tấn gạo, tương ứng mỗi ngày xuất 25.000 tấn. Nếu tốc độ này được duy trì, đến cuối tháng 5, có thể xuất thêm 1,8-1,9 triệu tấn gạo bởi thời điểm đó, nhiều nước có chiến lược hút gạo rất lớn từ Việt Nam. Trong khi đó, cân đối cung cầu cho thấy chỉ có hơn 3 triệu tấn trước khi vụ hè thu thu hoạch xong.

“Lúc đó, có 2 yếu tố rất khó xác định là tình hình dịch bệnh và tâm lý của người dân. Bình thường xuất khẩu không sao nhưng khi người dân mua gạo dự trữ, nếu mỗi gia đình chỉ mua thêm 20kg thôi, chúng ta lấy đâu ra gạo?”, ông Khánh nói.

Trước các kiến nghị, đề nghị của các địa phương và DN xuất khẩu gạo, Bộ Công Thương nói sẽ làm việc với hải quan để giải quyết xuất khẩu gạo nếp, giải quyết các lô hàng gạo tẻ đưa về cảng trước 24/3, sau đó đến các trường hợp đã mở tờ khai nhưng bị thất lạc, lượng hàng tồn trong kho của DN. 

“Nguyên tắc là DN nào đưa gạo đến cảng trước thì ưu tiên cho xuất trước. Đề nghị tính lượng xuất khẩu của các DN này vào 100.000 tấn ứng thêm trong lượng xuất khẩu thêm tháng 4. Tôi xin chịu trách nhiệm cá nhân cho đề nghị này, không để DN thiệt hại thêm nữa” - Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nói.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, tổng số gạo tồn kho tại các DN tính đến ngày 18/4 là 1,9 triệu tấn, số hợp đồng ký trước đó là 1,7 triệu tấn, giao hàng đến tháng 6. Nếu xuất khẩu xong những hợp đồng này thì lượng gạo tồn kho là 200.000 tấn, chưa tính lượng hàng sắp thu hoạch vào tháng 6 và lượng gạo của các DN ngoài hiệp hội. Đại diện hiệp hội đề xuất cho tiếp tục xuất khẩu gạo và nâng hạn mức xuất khẩu lên thêm 200.000 tấn, thay vì 100.000 tấn như hiện nay.

MỚI - NÓNG