Lao động di cư tự do – Cần tăng cường giáo dục và tuyên truyền

Anh Hoàng Mạnh Danh và vợ trước quyết định đi lao động ở nước ngoài của anh
Anh Hoàng Mạnh Danh và vợ trước quyết định đi lao động ở nước ngoài của anh
Gấp lại những trang sách cuối cùng thời trung học, chàng trai tuổi đôi mươi Đặng Quang Sơn đã quyết định rẽ bước hành trình sang con đường lao động ngoài nước để đi tiếp cuộc đời. Không chỉ là ước mơ được đặt chân lên vùng đất mới, mà đó còn là nỗi khát khao thay đổi cuộc sống.

“Tôi muốn đi nước ngoài là do nguyện vọng của tôi và gia đình, tôi muốn ra nước ngoài để học hỏi kinh nghiệm và muốn tìm hiểu ở nước ngoài họ sinh sống và làm việc như thế nào và muốn trải nghiệm cuộc sống ở đó” – Sơn chia sẻ.

Hoàng Mạnh Danh, sinh năm 1988, một ngư dân nghèo thuộc huyện Quỳnh Lưu chia sẻ do cuộc sống gia đình quá khó khăn, cưới xong thì vợ có bầu, đói quá nên vợ chồng bàn bạc nhau để cho anh đi xuất khẩu lao động.

“Lúc đầu cũng tính đi khô (trên bộ), nhưng vì đồng vốn bỏ ra quá cao nên em xuất khẩu theo đường nước, tức là đi làm việc cho doanh nghiệp trên biển ở Đài Loan, mình đánh bắt xa bờ. Tất nhiên đi biển thì mình lênh đênh ngoài biển có thể 3, 4 tháng, 3, 4 năm hay 1, 2  năm thì mình mới vô đất liền một lần được, nhiều cái rủi ro do sóng gió, thiên tai nhưng mình đã xác định đi làm thuê thì mình phải chịu tất cả những điều đó để kiếm tiền về nuôi gia đình”, anh Danh chia sẻ.

Khát vọng, quyết tâm ra đi, tự tìm hiểu thông tin qua bạn bè, hàng xóm, những người đi trước; tự liên hệ sang nước ngoài để kiếm việc làm; và rồi, họ tìm đến những công ty môi giới để đặt hi vọng của mình vào đó. Những bản hợp đồng mập mờ được ký vội; những đồng tiền là mồ hôi nước mắt, là cả một gia tài được trao tay. Thế chỗ vào đó là những hứa hẹn cho giấc mơ xuất ngoại mà họ không hay biết có những rủi ro, nguy hiểm luôn rình rập.  

Người thận trọng như Sơn sẽ mãi ngập ngừng ôm hồ sơ ngóng đợi; người nôn nóng vội vàng như anh Danh sẽ bất chấp để liều lĩnh dấn thân  Phía sau anh là vợ con, là gia đình, người thân… đã đặt hết niềm tin cho lựa chọn này. Để rồi, giờ đây mỗi khi nhớ lại, anh Danh vẫn không khỏi bàng hoàng vì những ký ức nghiệt ngã trên hành trình di cư của mình: bạo lực, đói kém, sự kì thị của những người chủ, bị bỏ đói, đánh đập…

Bắt đầu từ giấc mơ thay đổi số phận, di cư lao động đã trở thành câu chuyện nhận được nhiều sự quan tâm, có ảnh hưởng rất lớn tới xã hội, đây không chỉ là một câu chuyện mưu sinh nữa, mà có thể tác động đến các vấn đề khác.

Bà Trần Thị Vân Hà (Cục Quản lý Lao động ngoài nước) đánh giá “Chúng tôi cho rằng những câu chuyện chưa thành công của những người lao động khi đi làm việc ở nước ngoài là do trước khi đi họ tìm hiểu các thông tin chưa kỹ, người lao động chưa biết đến nơi mà mình sẽ tới: Văn hóa, pháp luật của nước sở tại, thậm chí họ còn không biết đến điều kiện làm việc, những cái thách thức, khó khăn mà họ sẽ phải đối mặt như thế nào”.

Tuy nhiên, dù kết quả nhận được, hay cái giá phải trả là gì, thì cũng không có ước mơ nào là đáng trách; mà ngược lại, di cư trật tự và nhân đạo sẽ mang lại lợi ích cho chính bản thân người lao động và cả xã hội. Tận tụy với sứ mệnh ấy, Tổ chức Di cư Quốc tế IOM, Cơ quan Di cư Liên Hợp Quốc, cùng với các đối tác là các quốc gia thành viên, các tổ chức xã hội và cộng đồng quốc tế cùng phối hợp hành động nhằm hỗ trợ trong việc đáp ứng với những thách thức về di cư; thúc đẩy hiểu biết về những vấn đề của di cư.

Ngày 5/12/2016 đánh dấu 65 năm nỗ lực không ngừng của IOM với mạng lưới văn phòng tại trên 100 quốc gia toàn cầu. Tại Việt Nam, IOM bắt đầu hoạt động từ năm 1987 và hiện đang hoạt động trong khuôn khổ Hiệp định Hợp tác với chính phủ Việt Nam.

Đáp ứng những đòi hỏi của thực tế về nhu cầu lao động di cư, IOM đã và đang triển khai hàng loạt các dự án quan trọng, trong đó có dự án “Tăng cường năng lực chính phủ để hỗ trợ người di cư dễ bị tổn thương khu vực tiểu vùng sông Mekong và Malaysia” với việc thành lập Văn phòng Thông tin Di cư MRC ở Nghệ An.

Lao động di cư tự do – Cần tăng cường giáo dục và tuyên truyền ảnh 1

IOM mở Văn phòng Thông tin Di cư MRC tại Nghệ An

Dự án cũng triển khai nhiều cuộc đối thoại chính sách dành cho cộng đồng, tổ chức hội thảo vận động dành cho khối tư nhân về di cư an toàn, tập huấn hướng dẫn cung cấp dịch vụ tư vấn cho người di cư dễ bị tổn thương và nạn nhân bị mua bán tái hòa nhập với cộng đồng.

Trở lại với câu chuyện của Sơn, sau ba năm loay hoay mà vẫn chưa tìm được lối đi cho giấc mơ của mình, cậu đã tìm đến Văn phòng Thông tin Di cư MRC Nghệ An. Sơn thật thà chia sẻ: “Chúng tôi là những người lao động bỏ ra rất nhiều thời gian và tiền bạc để quyết định sự di cư này, nếu như gặp những rủi ro thì đó là một điều mất mát quá lớn. Qua sự tư vấn của văn phòng thông tin di cư thì chúng tôi đã nhận được những thông tin rất bổ ích, để xác định được đi nước nào cho phù hợp”.

Lao động di cư tự do – Cần tăng cường giáo dục và tuyên truyền ảnh 2

Bạn Sơn được tư vấn miễn phí về di cư lao động tại Văn phòng Thông tin Di cư Nghệ An

Ông David Knight, Trưởng Phái đoàn Tổ chức Di cư Quốc tế tại Việt Nam cho biết: “Di cư đang trở thành một vấn đề ngày càng quan trọng đối với Việt Nam. Hiện có hơn nửa triệu người Việt đang sinh sống và làm việc tại hơn 40 quốc gia trên thế giới. Một trong những vai trò quan trọng của chúng tôi là tăng cường cung cấp cho người di cư những thông tin cần thiết để họ đưa ra những quyết định di cư đúng đắn: thông tin về nơi họ nên đi, mức chi phí, những lợi ích và các rủi ro tiềm ẩn”.

Với sứ mệnh đặc biệt của mình, IOM đang hỗ trợ cho sự phát triển kinh tế và xã hội thông qua di cư, nâng cao nhân phẩm và sức khoẻ của người di cư. Không chỉ trang bị những kiến thức đúng đắn cho cuộc hành trình của người lao động mà IOM còn hỗ trợ người dân viết tiếp những ước mơ đang bị bỏ dở giữa những toan tính của cuộc sống.

Để hiểu hơn về thông điệp mà IOM muốn mang đến nhiều hơn cho người dân Việt Nam, mời bạn cùng xem và chia sẻ bộ phim ngắn về di cư an toàn tại: www.facebook.com/iom.vietnam/videos/1785071735076353/

MỚI - NÓNG