Theo kế hoạch tháng 6 này dự án đường vành đai 2 sẽ hoàn thành, tuy nhiên hiện dự án vẫn còn ngổn ngang và vướng trên 100 hộ dân vẫn chưa được giải phóng mặt bằng. Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó giám đốc Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình dân dụng Hà Nội (chủ đầu tư) cho rằng, dự án bị chậm là do tiến độ giải phóng mặt bằng (GPMB) của các quận tuyến đường đi qua bị chậm. Theo ông Cường, hiện dự án đã cơ bản xong phần xây lắp và hạ ngầm, chỉ chờ quận Đống Đa giải phóng nhà của hơn 100 hộ dân hai đầu tuyến là Ban có thể hoàn thành dự án tổng thể. Về tiến độ Ban cam kết với thành phố hoàn thành dự án vào tháng 6 năm nay, ông Cường cho rằng, với thực trạng mặt bằng còn tồn tại ở hai đầu tuyến, tiến độ này là khó thực hiện và đang đề xuất lùi thêm một vài tháng.
Ông Nguyễn Hoàng Giáp, Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa cho biết, với những hộ dân còn lại trên tuyến đường vành đai 2, để không ảnh hưởng đến tiến độ dự án, quận vừa có quyết định thực hiện cưỡng chế trong cuối tháng 5 này. Các hộ dân chưa đồng tình để di dời, bàn giao mặt bằng cho dự án nhiều năm nay là do chưa đồng tình với giá nhà nước đưa ra và muốn được chi trả theo giá thị trường. Vừa qua, thành phố đã cho quận áp dụng cơ chế giá đền bù vượt khung và đã có thêm nhiều chủ hộ đồng ý. Từ giờ đến cuối tháng 5 nếu hộ nào vẫn chây ì quận sẽ cưỡng chế.
Với tuyến đường qua khu tưởng niệm Chu Văn An, dự án đã bị chậm 48 tháng chưa thông xe, đại diện UBND huyện Thanh Trì cho biết, hiện dự án vẫn còn vướng 99 hộ dân tại nút giao Xa La (Hà Đông) chưa giải phóng xong mặt bằng. Theo tiến độ, tháng 9 năm nay huyện sẽ thực hiện xong để dự án hoàn thiện nút giao với đường Cầu Bươu để thông xe.
Chưa có giải pháp cụ thể
Lý giải cho việc các dự án chuẩn bị đầu tư vẫn chậm triển khai, đại diện Sở KH&ĐT Hà Nội cho rằng, các dự án vẫn đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ, trong đó có việc lấy các ý kiến các sở ngành. Với dự án xây dựng cầu cạn đi qua hồ Linh Đàm, dự án vẫn triển khai và đã được HĐND và UBND thống nhất. Tuy không nói đến thời điểm khởi công, nhưng đại diện Sở này thông tin, hiện thành phố đã giao cho Ban QLDA đầu tư xây dựng các công trình giao thông Hà Nội lập dự án để thành phố phê duyệt.
Thay vì sử dụng nguồn vốn BT, để triển khai nhanh dự án hầm chui Lê Văn Lương, đại diện Sở KH&ĐT Hà Nội cho biết, thành phố vừa thống nhất điều chỉnh hình thức đầu tư dự án sang nguồn ngân sách thành phố. Hiện thành phố đã giao Ban QLDA đầu tư xây dựng các công trình giao thông Hà Nội đề xuất chủ trương thực hiện dự án, cùng với đó thành phố giao cho Sở KH&ĐT lấy thêm ý kiến các sở ngành liên quan để hoàn thiện kế hoạch triển khai.
Với dự án nối đường Phan Trọng Tuệ với cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, đại diện Sở KH&ĐT Hà Nội cho biết, hiện dự án đã có nhà đầu tư đề xuất thực hiện theo hình thức BT. Thành phố đang yêu cầu nhà đầu tư hoàn hiện hồ sơ để xem xét, quyết định.
Như vậy, trong tất cả các dự án được Tiền Phong phản ánh, là cơ quan có trách nhiệm hoàn thiện hồ sơ, cơ chế, thủ tục đầu tư, lộ trình triển khai nhưng đại diện Sở KT&ĐT chỉ trả lời chung chung và chưa đưa ra được các phương án, giải pháp cụ thể.
Trong tất cả các dự án được Tiền Phong phản ánh, là cơ quan có trách nhiệm hoàn thiện hồ sơ, cơ chế, thủ tục đầu tư, lộ trình triển khai nhưng đại diện Sở KT&ĐT chỉ trả lời chung chung và chưa đưa ra được các phương án, giải pháp cụ thể.