Như Tiền Phong đã phản ánh, trên đường phố Hà Nội, nhiều biển báo giao thông bị "tận dụng" gắn biển quảng cáo ảnh hưởng đến tầm nhìn, gây khó khăn cho việc chấp hành hiệu lệnh và mất mỹ quan đô thị.
Sau khi báo phản ánh, ông Trần Hữu Bảo, phó giám đốc sở GTVT Hà Nội cho biết đã chỉ đạo đơn vị quản lý, bảo trì đường bộ kiểm tra. "Đối với những biển quảng cáo do người dân tự phát treo lên biển báo giao thông, Sở chỉ đạo yêu cầu đơn vị quản lý cho người dỡ ngay" - ông Bảo nói.
Các biển quảng cáo được người dân treo lên cột biển báo giao thông sẽ được Sở GTVT tổ chức tháo dỡ. |
Với các biển quảng cáo kích cỡ lớn, được gắn chắc chắn trên biển báo giao thông trên đường Nguyễn Văn Cừ, đường Tam Trinh, ông Bảo cho biết đây là các biển thực hiện theo dự án ký kết với một doanh nghiệp Hàn Quốc. Sở sẽ kiểm tra pháp lý của hợp đồng ký kết ở UBND thành phố mới có cơ sở để đưa ra biện pháp xử lý.
Theo thông tin được công bố từ năm 2008, một doanh nghiệp Hàn Quốc được cho phép triển khai lắp đặt biển chỉ dẫn giao thông đường bộ kèm quảng cáo tại 37 tuyến đường Hà Nội, với gần 564 biển với tổng kinh phí 4,3 triệu USD trong giai đoạn 2008 - 2010.
Dự án chia làm 2 giai đoạn: giai đoạn 1, lắp 35 biển chỉ dẫn trên đường Nguyễn Văn Cừ, Tam Trinh và đánh giá những yếu tố gây ảnh hưởng đến ATGT; giai đoạn 2, sau khi xem xét, thành phố tiếp tục lắp 529 biển trên 35 tuyến đường còn lại...
Một biển báo điểm chờ xe buýt khác thường so với các điểm chờ xe buýt khác được kèm với biển quảng cáo của một thẩm mỹ viện bị xe đâm móp mép trên phố Tam Trinh. |
Biển báo hiệu giao thông là một trong những công trình báo hiệu đường bộ quan trọng, giúp người tham gia giao thông chấp hành các quy tắc, góp phần bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Các hành vi xâm phạm biển báo giao thông sẽ bị xử lý theo Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.
Một chuyên gia giao thông cho hay, biển báo giao thông chứa thông tin quan trọng, cô đọng, không nên kèm quảng cáo để tránh sự phân tán của người tham gia giao thông. Việc quảng cáo trên đường chỉ nên triển khai ở các băng rôn, biển tuyên truyền phổ biến pháp luật về giao thông hoặc các nội dung khác được thường xuyên thay đổi để giảm chi phí cho Nhà nước.