Giải quyết pháp lý, không đổ lỗi cho công chức
Ngày 13/12, tại phiên thảo luận của kỳ họp thứ 15, HĐND TP Đà Nẵng khóa X, đại biểu Lê Phú Nguyện - Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP Đà Nẵng - đã nêu ý kiến liên quan đến việc giải quyết công vụ của cán bộ, công chức hiện nay và những bất cập liên quan đến pháp lý trong xử lý, giải quyết tình trạng này.
Ông Nguyện cho biết, có hai nhóm vấn đề chính là tâm lý và pháp lý. Trong đó, về tâm lý nếu tích cực thì các cán bộ, công chức sẽ tìm thấy điểm dựa để giải quyết thỏa đáng quyền lợi của người dân. Nhưng tâm lý tiêu cực thì họ sẽ hướng mục tiêu không phải là nguyện vọng của người dân mà là an toàn cho bản thân.
Đại biểu Lê Phú Nguyện nêu ý kiến tại kỳ họp. |
Để giải quyết tình trạng đùn đẩy, né tránh, ông Nguyện cho rằng, ở khía cạnh tâm lý nếu người đứng đầu cũng sợ thì rất là khó.
“Lãnh đạo như cha như mẹ, anh em dựa vào mà yếu thì cũng ngã luôn. Trách nhiệm người đứng đầu nêu gương, động viên, bảo vệ, kích thích anh em làm thì sẽ rất tốt”, ông Nguyện cho biết.
Thành ủy Đà Nẵng vừa ban hành Chỉ thị 34 để chấn chỉnh thái độ làm việc của cán bộ công chức hiện nay, Phó giám đốc sở Nội vụ TP Đà Nẵng kiến nghị thành lập tổ công tác 34. Tổ công tác này sẽ đi đánh giá tình hình thực hiện của từng đơn vị và mời cả Thanh tra, Ủy ban kiểm tra cùng tham gia, để phát hiện và chấn chỉnh.
Về mặt pháp lý, ông Nguyện cho biết, ở khía cạnh quan hệ lao động công chức là một loại hình lao động xã hội đặc biệt. Công chức nhà nước vì thực thi công vụ nên có tính đặc quyền, cưỡng bức và có xu thế dễ bị lạm quyền nên mọi hành vi của công chức phải được kiểm soát bằng pháp luật. Vậy nên khi pháp luật bất cập, mâu thuẫn, không được quy định thì công chức cũng không được tự mình, kể cả người đứng đầu không thể bắt công chức làm trái với quy định.
“Cái khiếm khuyết của pháp lý phải giải quyết bằng con đường pháp lý, không thể đổ lỗi cho công chức. Đây mới là căn cơ giải quyết vấn đề, không thể nhanh được nhưng phải kiến nghị, phản ánh với cơ quan cấp trên”, ông Nguyện cho biết.
Theo ông Nguyện, khi pháp luật có sai sót thì các cơ quan giám sát pháp luật phải trưng cầu ý kiến, giám định của các cơ quan lập pháp để kết luận. Tránh việc, pháp luật có cách hiểu khác nhau mà kết luận thì không công chức nào dám làm.
“Đây là vấn đề tầm cả nước và cũng là vấn đề rất trăn trở trong đội ngũ cán bộ công chức thành phố hiện nay. Tác động tích cực của cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng là mở ra cho chúng ta nhìn nhận ra những khiếm khuyết của pháp luật để hoàn thiện tốt hơn, quay lại công tác phòng chống tham nhũng sẽ tốt hơn. Chúng ta chỉ nhìn ở khía cạnh con người thì không giải quyết được rốt ráo vấn đề”, ông Nguyện nêu ý kiến.
Cần xây dựng chính sách đột phá
Đại biểu Huỳnh Huy Hòa - Viện trưởng Viện Phát triển kinh tế - xã hội thành phố Đà Nẵng - nêu ý kiến về việc xây dựng các chính sách đột phá, tạo động lực thu hút các nhà đầu tư chiến lược.
Ông Hòa cho rằng, để tốc độ tăng trưởng ước tăng 8-8,5% theo kịch bản thành phố chọn thì dự kiến quy mô nền kinh tế đạt mức khoảng 165.000 tỷ đồng, nghĩa là quy mô nền kinh tế phải tăng khoảng 30.000 tỷ đồng so với năm 2023. Đây thực sự là một thách thức lớn đối với thành phố. …
Quang cảnh kỳ họp thứ 15, HĐND TP Đà Nẵng khóa X. |
Theo ông Hòa, để đạt được mục tiêu tăng trưởng cao năm 2024 và phát triển đột phá và duy trì với tốc độ tăng trưởng hơn 10% trong những năm tiếp theo đòi hỏi thành phố cần sớm xây dựng và thụ hưởng các chính sách đột phá, đủ lớn, đủ mạnh, đặc thù, tạo động lực, có tính lan tỏa, thu hút được các nhà đầu tư chiến lược.
Ông Hòa cho rằng thành phố cần xem xét giải pháp thu hút các nhà đầu tư chiến lược là giải pháp mang tính quyết định đối với yêu cầu nâng cao năng suất và sức cạnh tranh không chỉ đối với lĩnh vực sản xuất mà còn đối với cả nền kinh tế thành phố nhằm hình thành chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị với sản phẩm giá trị gia tăng cao, tỷ lệ nội địa hóa cao, cũng như lan tỏa về mặt công nghệ và hỗ trợ tích cực sự phát triển của các doanh nghiệp địa phương.
Đại biểu Nguyễn Thanh Phúc nêu ý kiến đề nghị cần quan tâm một số giải pháp quan trọng trong để thu hút mạnh hơn nữa đầu tư trong nước, nước ngoài cũng như thúc đẩy nhanh triển khai thực hiện các dự án trong năm 2024. Mặt khác, tập trung thúc đẩy nhanh việc tháo gỡ nút thắt về cải cách hành chính và đồng hành cùng các nhà đầu tư để cùng tháo gỡ các khó khăn vướng mắc về cơ chế, quy định thuộc thẩm quyền của Trung ương mạnh mẽ hơn nữa để khơi thông các dòng vốn đầu tư mới và đầu tư mở rộng....
"Doanh nghiệp luôn mong muốn ở đâu có dự án đầu tư mới, ở đâu có dự án đầu tư mở rộng có quy mô và tác động lớn thì ở đó có ngay sự đồng hành của các cơ quan có liên quan với sự chỉ huy của một lãnh đạo thành phố chịu trách nhiệm với nhiệm vụ, thời gian và mục tiêu được phân công rõ ràng" ông Phúc cho biết.