Ông Nguyễn Đức Vinh - Tổng giám đốc VPBank - cho biết, để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tăng trưởng kinh tế, cần có các giải pháp khác chứ riêng ngành ngân hàng không thể thúc đẩy. Trong đó, các cơ quan quản lý nhà nước cần tập trung tháo gỡ khó khăn pháp lý cho doanh nghiệp. Ví dụ với thị trường bất động sản, nếu tháo gỡ pháp lý thì giải ngân tín dụng sẽ tăng rất nhanh.
Nhiều giải pháp gỡ khó thúc đẩy tăng trưởng tín dụng cuối năm. |
Bên cạnh đó, các cơ quan, bộ, ban, ngành, chính quyền địa phương cũng cần hỗ trợ ngân hàng trong xử lý tài sản đảm bảo. Đây là vấn đề rất khó khăn của các ngân hàng, nhất là đề nghị phối hợp xử lý các hội nhóm “bùng nợ”, với cả khách hàng cá nhân và doanh nghiệp.
Còn ông Nguyễn Hưng - Tổng Giám đốc TPBank - cho hay, tính đến thời điểm này, TPBank tăng trưởng tín dụng khoảng 12% và trong hai tháng gần đây tỷ lệ tăng trưởng tốt hơn giai đoạn trước, bình quân mỗi tháng khoảng 0,11%. Có thể nói thời gian qua, tăng trưởng tín dụng khó khăn do cầu tín dụng yếu, bất động sản đóng băng. Những phân khúc khách hàng cần là nhà thu nhập thấp thì nhu cầu cao nhưng do giá “ảo”, điều kiện khó khăn không tiếp cận được, không có khả năng trả nợ ngân hàng.
Thị trường bất động sản chiếm đến 1/4 tổng dư nợ của nền kinh tế, chưa kể nó còn liên quan đến rất nhiều ngành nghề khác. Lực lượng lao động khi thị trường đóng băng cũng bị mất việc làm, giảm thu nhập. Cầu tín dụng bất động sản yếu không chỉ ảnh hưởng đến tăng trưởng tín dụng chung toàn ngành mà có nguy cơ nợ xấu ngân hàng tăng cao.
Ông Phùng Quang Hưng - Phó Tổng Giám đốc Techcombank - cho biết, tính đến tháng 11, tăng trưởng tín dụng khoảng 13,7%.
Theo ông Hưng, từ đầu năm đến nay, Techcombank đã giảm lãi suất 6 lần, tổng mức giảm trung bình 3-4%/năm, qua đó giúp tối ưu chi phí tài chính cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, muốn tối ưu chi phí cho doanh nghiệp hơn nữa vẫn còn có rất nhiều giải pháp từ chính sách tài khóa. Chẳng hạn, các nước giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm chi phí trực tiếp cho các ngành, nghề…
Việc huy động vốn cho trung, dài hạn có mức độ rủi ro cao hơn, lãi suất cũng cao hơn. Mặt khác, tính khả thi của các dự án cũng khó đánh giá nên cần đa dạng hóa các kênh cấp vốn, chẳng hạn như thị trường trái phiếu cần được quan tâm hơn. Ngân hàng mong muốn Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước cân nhắc cho phép ngân hàng mua lại trái phiếu riêng lẻ không bị giới hạn thời gian 1 năm để góp phần thúc đẩy thanh khoản cho thị trường.
Đối với thị trường bất động sản, Techcombank cũng đang tích cực làm việc với Bộ Xây dựng và các bộ, ngành, địa phương để triển khai ở các dự án. Ngân hàng đề nghị UBND các tỉnh đẩy nhanh tiến độ, công khai các dự án để ngân hàng tham gia được nhiều hơn, thủ tục pháp lý dễ dàng hơn.
Thủ tục hoàn thuế cũng đang chậm, gây khó khăn cho doanh nghiệp thiếu hụt dòng tiền và cũng ảnh hưởng đến cấp tín dụng. Việc đẩy nhanh quá trình này sẽ tạo tâm lý tốt hơn cho doanh nghiệp cũng như ngân hàng.
Để tháo gỡ khó khăn về tăng trưởng tín dụng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú đề xuất cần triển khai đồng bộ các giải pháp mới đạt hiệu quả. Cụ thể, cần kích cầu đầu tư, tiêu dùng, thúc đẩy các động lực tăng trưởng kinh tế,đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu; khai thác thị trường nội địa; cải thiện môi trường kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính; có các giải pháp ổn định, khơi thông dòng vốn trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp; Xử lý các vấn đề tồn tại của thị trường để thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.
Các cơ quan chức năng tăng cường phối hợp, hỗ trợ tổ chức tín dụng trong xử lý tài sản bảo đảm là bất động sản để thu hồi nợ.
Về phía các doanh nghiệp để nâng cao năng lực, khả năng hấp thụ vốn tích cực thực hiện các biện pháp tái cấu trúc hoạt động, nâng cao năng lực quản trị điều hành, xây dựng các phương án, dự án sản xuất kinh doanh khả thi, minh bạch tình hình tài chính…