Lãnh đạo 21 nền kinh tế APEC thông qua nhiều văn kiện

Lãnh đạo 21 nền kinh tế APEC thông qua nhiều văn kiện
TPO - Hôm nay, Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 khép lại với việc lãnh đạo 21 nền kinh tế thành viên ra Tuyên bố Đà Nẵng, trong đó thông qua nhiều văn kiện quan trọng.

Các văn kiện nổi bật gồm: Chương trình hành động thúc đẩy tính bao trùm kinh tế, tài chính và xã hội và Khuôn khổ APEC về phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số. Các nhà lãnh đạo hoan nghênh việc thông qua Chiến lược APEC về các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa xanh, bền vững và sáng tạo...

Các nhà lãnh đạo APEC cam kết thúc đẩy tăng trưởng sáng tạo, bao trùm và việc làm bền vững, chú trọng yếu tố tăng trưởng chất lượng, cải cách cơ cấu và sáng tạo, tính bao trùm về mặt kinh tế, tài chính và xã hội trong thế giới toàn cầu hóa.

Tăng trưởng chất lượng, cải cách cơ cấu và đổi mới

Các nhà lãnh đạo tái khẳng định mong muốn đạt được tăng trưởng cân bằng, bao trùm, bền vững, sáng tạo và bảo đảm ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, như đã được phản ảnh trong Chiến lược tăng trưởng APEC 2010, thông qua các chính sách tiền tệ, tài khóa và cơ cấu.

Các nhà lãnh đạo nhấn mạnh rằng, cải cách cơ cấu, bao gồm chính sách cạnh tranh, tạo thuận lợi cho kinh doanh, cải cách luật lệ, tăng cường hạ tầng pháp lý và kinh tế, quản trị lĩnh vực công và doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển nguồn vốn con người, là chìa khóa cho sự tăng trưởng cân bằng, bền vững, sáng tạo và bao trùm, cho năng suất và khả năng cạnh tranh.

Các nhà lãnh đạo cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của sáng tạo, khoa học và công nghệ, coi đó là những động lực chính đối với tăng trưởng kinh tế, đầu tư, thương mại quốc tế trong khu vực APEC. Cụ thể, thúc đẩy triển khai giáo giục về khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM) và làm chủ doanh nghiệp dựa trên STEM.

Các nhà lãnh đạo cũng chú trọng vấn đề năng lượng và an ninh để duy trì tăng trưởng kinh tế, cụ thể là khuyến khích việc thuận lợi hóa các hoạt động tài chính liên quan năng lượng, thương mại và đầu tư, tăng độ tiếp cận các nguồn năng lượng giá rẻ, đáng tin cậy, thúc đẩy các hệ thống năng lượng bền vững, sạch và hiệu quả, góp phần giảm phát thải khí nhà kính và ứng phó biến đổi khí hậu.

Bao trùm kinh tế, tài chính và xã hội trong thế giới toàn cầu hóa

Nhận thấy các cơ hội mới và thách thức mới nổi do toàn cầu hóa và chuyển đổi kỹ thuật số đem lại, các nhà lãnh đạo APEC quyết tâm thúc đẩy tính bao trùm về kinh tế, tài chính và xã hội, với tầm nhìn xây dựng một cộng đồng APEC bao trùm, lành mạnh, có khả năng chống chịu, phục hồi cao vào năm 2030, phù hợp với chương trình hành động 2030 về phát triển bền vững.

Các nhà lãnh đạo APEC nhất trí đẩy nhanh tiến độ để đạt được tình trạng công ăn việc làm đầy đủ, chất lượng, hiệu quả cũng như bình đẳng lương đối với các công việc cùng giá trị. Đồng thời bảo đảm khả năng tiếp cập đối với các dịch vụ ngân hàng, bảo hiểm và tài chính, nâng cao năng lực và nhận thức tài chính của mọi người để tiếp cận lĩnh vực tài chính.

Ngoài ra, dần dần đạt được và duy trì tăng trưởng thu nhập của tất cả thành viên trong xã hội, đặc biệt là phụ nữ và các nhóm dễ bị tổn thương, tạo điều kiện cho họ nắm bắt các cơ hội toàn cầu. Các nhà lãnh đạo APEC khuyến khích các nền kinh tế đầu tư vào hệ thống y tế để tăng năng suất lao động và tăng trưởng kinh tế.

Các nhà lãnh đạo APEC công nhận một thực tế rằng, việc tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực kinh tế giúp thúc đẩy tăng trưởng. Vì vậy, các nhà lãnh đạo khuyến khích các nền kinh tế, khu vực tư nhân thực hiện các sáng kiến tăng cường tạo quyền kinh tế cho phụ nữ, mở rộng khả năng tiếp cận của họ đối với nguồn vốn, tài sản và thị trường, đẩy mạnh sự tham gia của phụ nữ vào các lĩnh vực được trả lương cao, có mức tăng trưởng cao, và  thúc đẩy sự lãnh đạo, việc làm chủ doanh nghiệp, kỹ năng và khả năng của phụ nữ.

Các nhà lãnh đạo hoan nghênh mọi nỗ lực của mọi nền kinh tế thành viên APEC thúc đẩy các sáng kiến như vậy thông qua đóng góp tài chính trực tiếp.

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao thời kỳ kỹ thuật số

Các nhà lãnh đạo APEC nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chuẩn bị cho mọi đối tượng, tất cả người lao động, đặc biệt là các nhóm dễ bị tổn thương, ứng phó với một thế giới đang thay đổi về công việc.

Các nhà lãnh đạo ca kết tăng cường phát triển nguồn nhân lực thông qua giáo dục và học tập suốt đời, giáo dục và đào tạo nghề, kỹ thuật, học kỹ năng bổ sung, kỹ năng mới để tăng khả năng người lao động được tiếp nhận và chuẩn bị cho thời đại kỹ thuật số.

Đồng thời đảm bảo rằng các chính sách thị trường lao động có thể đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường lao động với nhiều khía cạnh phát triện và đào tạo kỹ năng. 

Trong Tuần lễ Cấp cao APEC, các bộ trưởng, lãnh đạo 21 nền kinh tế thành viên đã thảo luận nhiều văn kiện mang tính định hướng chiến lược và dài hạn cho hợp tác APEC.

Nhiều nội dung hợp tác đã được đề cập, thống nhất như thu hẹp khoảng cách phát triển, xây dựng một cộng đồng APEC năng động, phát triển bền vững và bao trùm; mở ra những tiềm năng phát triển mới cho khu vực thông qua đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, hợp tác giáo dục; tạo điều kiện cho các tầng lớp nhân dân, phụ nữ và thanh niên tham gia phát triển kinh tế và thụ hưởng lợi ích của thương mại tự do và tăng trưởng.

Các văn kiện này cũng đều gắn với mục tiêu đưa APEC trở thành một cộng đồng phát triển bền vững và sáng tạo, vì người dân, vì doanh nghiệp, và xây dựng một cộng đồng châu Á - Thái Bình Dương hòa bình, ổn định, năng động, kết nối và thịnh vượng. 

Hội nghị Liên bộ trưởng Ngoại giao – Kinh tế APEC lần thứ 29 hoan nghênh việc thông qua văn kiện về APEC hướng tới năm 2020 và tương lai. Đây là sáng kiến của Việt Nam và là một dấu ấn của hợp tác APEC năm 2017 nhằm chuẩn bị cho APEC bước vào thập niên phát triển thứ tư và thúc đẩy hoàn tất thực hiện các mục tiêu Bogor về tự do hóa thương mại và đầu tư vào năm 2020.

Hội nghị cũng thông qua nhiều sáng kiến quan trọng, có ý nghĩa thiết thực, đáng chú ý là bốn văn kiện: Khuôn khổ thuận lợi hóa thương mại điện tử xuyên biên giới, Chiến lược APEC về các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa xanh, bền vững và sáng tạo, Kế hoạch hành động nhiều năm về an ninh lương thực và biến đổi khí hậu giai đoạn 2018 - 2020, và Chương trình hành động về phát triển nông thôn - đô thị nhằm tăng cường an ninh lương thực và tăng trưởng chất lượng.

MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.