Làng vượt cạn ở nhà

0:00 / 0:00
0:00
Phụ nữ ở thôn Quế kết hôn từ rất sớm và hầu hết sinh con tại nhà
Phụ nữ ở thôn Quế kết hôn từ rất sớm và hầu hết sinh con tại nhà
TP - Dưới ngọn núi Cà Đam (còn gọi là Vân Phong) cao hơn mặt nước biển trên 1.400 m quanh năm mây phủ, cuộc sống của đồng bào Cor ở thôn Quế (xã Trà Bùi, huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi) vẫn nguyên sơ, mộc mạc và hầu như biệt lập với xã hội hiện đại.

Tảo hôn và đẻ nhờ bà mụ

Nằm trên những ngọn đồi dưới chân núi Cà Đam, thôn Quế cách trung tâm xã Trà Bùi 23 km, cách trung tâm huyện Trà Bồng khoảng 70 km. Đường lên thôn Quế mùa này quanh co, khúc khuỷu, nhiều đoạn dốc đứng đầy sương mù và dễ bị ngăn trở bởi sạt lở núi. Càng lên cao nhiệt độ càng giảm.

Đã có hẹn từ trước, Hồ Văn Liên (34 tuổi) đi xe máy ra đầu đường, mở cổng để đón khách: “Thôn Quế chia làm 2 tổ, trên con dốc bên kia đường là tổ 7, ở đây tổ 8. Bình thường không có cái cổng này đâu, nhưng mấy hôm trước có người lạ đến, ngủ lại qua đêm. Sợ dịch COVID-19 nên người dân bàn nhau làm cái cổng, khóa lại, vừa không cho mấy đứa nhỏ chạy ra tiếp xúc người lạ, vừa cản không cho người nơi khác vào”, Hồ Văn Liên lý giải.

Dù chỉ vừa học hết lớp 9, nhưng nhờ nhanh nhẹn, tháo vát nên sau vài khóa tập huấn kiến thức cơ bản, Liên được phân công làm y tế thôn bản đã nhiều năm nay. Bên cạnh các nhiệm vụ như tuyên truyền, giáo dục sức khỏe cộng đồng, sơ cứu ban đầu và chăm sóc bệnh thông thường, Liên có một “trọng trách” khác là thường xuyên có mặt tại các gia đình có phụ nữ đang chuyển dạ để hỗ trợ.

“Phụ nữ ở đây hầu hết sinh con ở nhà. Việc đỡ đẻ có bà mụ lo. Các ca khó, 1-2 ngày chưa đẻ được thì mình gọi cấp cứu rồi dân làng khiêng sản phụ ra đầu đường, xe sẽ đưa xuống trung tâm y tế huyện Sơn Hà. Qua đó gần hơn về trung tâm huyện Trà Bồng. Trước kia người ta ít biết, không đẻ được thì lo cúng nên cũng có người chết vì đẻ khó. Giờ đỡ hơn nhiều rồi”, Liên kể.

Vợ Liên kém anh 3 tuổi, cũng sinh con tại nhà. Bốn đứa con đều chào đời bởi sự giúp sức của bà mụ - là mẹ Liên.

Mẹ Hồ Văn Liên là bà Hồ Thị Hiền (57 tuổi), một bà mụ được xếp vào hàng “kỳ cựu” ở thôn Quế, đã từng đỡ đẻ cho rất nhiều sản phụ. Bà Hiền mồ côi mẹ từ nhỏ, thường theo chân những người phụ nữ khác trong làng đi đỡ đẻ. Bà biết đỡ đẻ trước khi có chồng, sinh con. Trong làng có chừng 4-5 bà mụ chuyên đỡ đẻ như bà Hiền, còn hầu hết là mẹ đỡ đẻ cho con, chị đỡ đẻ cho em. Việc này cứ thế duy trì hàng trăm năm qua, từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Làng vượt cạn ở nhà ảnh 1

Học sinh mầm non ở điểm trường tổ 8, thôn Quế ăn trưa

Tuy nhiên, người Cor ban ngày thường lên rừng, lên rẫy, nên không phải phụ nữ nào vượt cạn cũng có bà mụ ở bên hỗ trợ. Kế nhà Hồ Văn Liên, Hồ Văn Hải (34 tuổi cũng có 4 mặt con. Năm 2016, vợ Hải đang mang thai đứa con thứ 4 phải sinh con một mình vì không tìm được bà mụ: “Đứa nhỏ sinh ra rồi, đứa lớn trong nhà mới chạy đi tìm người tới cắt rốn. May là dễ sinh”, Hải cho biết.

Hồ Văn Liên dẫn chúng tôi ra phía sau quả đồi, đi bộ qua đoạn đường dốc ngược đầy sỏi đá để qua một quả đồi khác. Ở đây, Hồ Thị Lý đang bế con chơi đùa cùng các chị em ở gần nhà. Lý có chồng từ năm 16 tuổi, đến nay đã được 2 mặt con, đứa lớn hơn 3 tuổi, đứa nhỏ vừa 10 tháng. “Hai đứa đều sinh ở nhà hết, không đi bệnh viện. Đau bụng vài tiếng là đẻ thôi, ở đây phụ nữ toàn như thế”, Lý cho biết.

Làng vượt cạn ở nhà ảnh 2

Hồ Văn Liên (trái) - người chuyên hỗ trợ đỡ đẻ tại làng và Hồ Văn Hải chia sẻ về cuộc sống ở thôn Quế

Những lúc Lý vượt cạn, bà mụ chính là mẹ ruột, bà Hồ Thị Hoa (68 tuổi). “Tui có 10 đứa con thì 7 là gái, đứa nào ở gần thì tui đỡ đẻ hết, đến nay đỡ đẻ cho hơn chục cháu ngoại rồi, chưa đứa nào phải đi bệnh viện. Đẻ xong lấy chỉ trắng cắt rốn, có người dùng dao lam, trước kia thì dùng thanh nứa. Bao nhiêu năm qua người ta như thế cả”, bà Hoa kể tỉnh rụi.

Cùng trang lứa với Lý, nhiều người cũng đã có 3-4 mặt con. Phụ nữ ở vùng này hơn 20 tuổi chưa lập gia đình đã được xem là già. “Con gái có chồng sớm lắm. Nghèo quá nên ít học, hết cấp 2 là nghỉ, rồi có chồng. Gần đây do dịch bệnh với chính quyền tuyên truyền nhiều nên cũng ít dần đi”, Hồ Văn Liên gãi gãi đầu, cười ngượng ngùng.

Nỗi lòng giáo viên cắm bản

Tại điểm trường mầm non hỗn hợp thôn Quế ở tổ 8, cô Ngô Thị Thu Hà (26 tuổi, thị trấn Di Lăng, huyện Sơn Hà) đang tổ chức bữa ăn trưa cho 14 trẻ em từ 3-5 tuổi.

“Các em đều mang cơm đến lớp, tự xúc ăn, tự lấy bàn ghế để ngồi. Phần lớn ăn cơm với cá khô, hiếm có em được ăn thịt. Hôm nay, em Hồ Thị Kim Uyên 3 tuổi chỉ mang cơm không đến lớp, có hôm em Uyên còn ăn cơm với muối”, cô Hà chia sẻ.

Vùng núi cao, trời càng về tối càng lạnh. Vào mùa này, thường đến 2-3 giờ chiều, cô Hà phải ngưng việc dạy học vì sương mù che phủ khắp nơi. Học sinh cuối cùng được đón về, cô Hà vượt qua 2 quả đồi để về chỗ nội trú cùng một giáo viên khác ở điểm trường tổ 7.

Cô Võ Thị Mỹ Châu (34 tuổi) vừa quay trở lại điểm trường tiểu học ở tổ 7, thôn Quế từ tháng 2/2021, đây cũng là lúc đứa con thứ 2 của cô Châu vừa tròn 30 tháng. Nhà cô Châu ở xã Trà Bình, cách chỗ dạy hơn 50km nên mỗi cuối tuần mới về nhà, thời gian còn lại trong tuần đều bám trường bám lớp.

“Có giáo viên, con mới ngoài 20 tháng đã phải luân chuyển vì không kiếm được người. Thôn Quế sóng điện thoại chưa phủ hết, chỗ có chỗ không. Mỗi lần muốn gọi về nhà phải chạy đi kiếm trụ điện, sóng lên được 1-2 cột, âm thanh phập phù, có khi tắt ngóm. May là ở đây ổn định, được dạy học trực tiếp, chứ nếu dạy trực tuyến thì cũng chịu, vừa không có sóng, vừa là phụ huynh nghèo quá, không có tiền mua điện thoại, máy tính”, cô Châu chia sẻ.

Làng vượt cạn ở nhà ảnh 3

Một điểm trường mầm non ở tổ 7, thôn Quế

Cùng nội trú với cô Châu còn có 3 giáo viên khác. Khu nội trú là một căn phòng nhỏ, vật dụng rất đơn sơ. Cô Châu và 2 giáo viên nữ giường kê sát nhau, giường của giáo viên nam duy nhất thì ở góc tường bên kia, cách đó một chiếc tủ gỗ. Hết giờ lên lớp, các giáo viên luân phiên nấu ăn, dọn dẹp, chia sẻ. Thường giáo viên ở lại thôn từ thứ 2 đến thứ 6, cuối tuần mới về với gia đình và chuẩn bị sẵn gạo, thức ăn để đầu tuần lại lên trường dạy học.

Cô Đoàn Thị Tài (45 tuổi), giáo viên trường tiểu học Trà Bùi đã có 6 đợt luân chuyển công tác lên thôn Quế. “Nhiều nhất 3 năm có đợt luân chuyển. Đường sá bây giờ đỡ hơn, không phải đi bộ như trước nhưng đời sống ở đây bao năm qua vẫn vậy, người dân rất nghèo nhưng lại vô cùng thân thiện, thật thà. Đến ngày 20/11, chỉ mong cành hoa dại mà cũng không có nữa. Có điều, họ thấy mình khó là họ giúp liền. Năm ngoái sạt lở núi, giáo viên không thể về nhà được, người dân vác xe qua chỗ sạt giúp giáo viên”, cô Tài cười.

Thôn Quế có 6 giáo viên cắm bản. Cách đây chưa tròn chục năm, trẻ con ở đây rất nhát người lạ, thấy thầy cô giáo dưới xuôi lên thì trốn hết dưới gầm bàn. Tới mùa đót hay sau Tết lại nghỉ học, bây giờ tình trạng này giảm đi rất nhiều bởi người dân đã có ý thức hơn. Thêm nữa, đi học “sướng” hơn ở nhà, vì còn được nhà nước hỗ trợ. Có điều, giáo viên cắm bản thì vất vả và thiệt thòi hơn nhiều nơi khác.

“Ở đây toàn hộ nghèo - dân tộc thiểu số nên sách vở, dụng cụ học tập giáo viên tự bỏ tiền ra mua, học sinh chỉ việc đến lớp. Vùng này thiếu thốn đủ bề, mua sách vở cũng quá xa xôi, mà phụ huynh cũng không biết mua nữa. Trên lớp các em cứ mách cô: “cô ơi hết vở, cô ơi hết mực”…Tội lắm! Còn việc lấy lại được tiền thì không nói trước được, khi nào học sinh được nhận hỗ trợ, phụ huynh trả lại tiền cho giáo viên, còn khó khăn quá thì giáo viên cho luôn. Được cái các em rất ngoan, đi học đều đặn. Mới đầu lên đây thì lạ lẫm, nhưng ở một thời gian thành quen. Chỉ mong tụi nhỏ thuộc con chữ, biết cách làm toán, thế là mừng rồi”, cô Tài khoát tay, bật cười.

Theo ông Hồ Ngọc Ninh, Phó chủ tịch UBND xã Trà Bùi, thôn Quế có 84 hộ dân với hơn 350 nhân khẩu. Người dân ở đây đều là đồng bào dân tộc Cor, chủ yếu sống bằng trồng lúa rẫy, khoai mỳ, không có thu nhập ổn định nên tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo chiếm gần 100%. “Vùng này lạnh nên sản xuất, nuôi trồng gặp nhiều khó khăn. Cây keo ở đây cũng chậm phát triển hơn những vùng khác. Dù đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhưng hiệu quả vẫn chưa đạt như mong đợi”, ông Ninh chia sẻ.

MỚI - NÓNG
Đèo An Khê tê liệt
Đèo An Khê tê liệt
TPO - Một khối lượng đất đá bị sạt xuống đường làm bịt lối thoát nước gây ngập một đoạn đường trên đèo An Khê, khiến giao thông bị tê liệt.