Dưới chân núi Tam Đảo có nhiều nhà người Sán Dìu treo biển chữa bệnh bằng thuốc nam. Nức tiếng nhất vùng là nhà thuốc Man Phượng của cặp vợ chồng đã sang tuổi xưa nay hiếm, da dẻ hồng hào, mái tóc bạc phơ. Ông cụ người Kinh, còn bà cụ người Sán Dìu.
Bao đời nay, người Sán Dìu có nghề làm thuốc cứu người, dựa trên nguồn dược liệu sẵn có ở núi rừng Tam Đảo. Trong ảnh là lương y Nguyễn Công Phượng. Các con, cháu ông cũng mang nghề này đi chữa bệnh nhiều nơi ở Việt Nam. Ảnh: Phan Dương.
Phòng khám của ông bà treo đầy huân, huy chương kháng chiến, bằng khen nghề thuốc, kể cả bằng Hải Thượng Lãn Ông cao quý. Hai bên cửa là quy định về y đức, biển thông báo bốc thuốc miễn phí cho người nghèo, tàn tật, gia đình chính sách. Gian phòng bên cạnh là kho thuốc của gia đình. Tất cả đều là cây cỏ tự trồng hoặc hái trong rừng. So với thuốc Bắc (thuốc nhập từ Trung Quốc), người bệnh yên tâm phần nào khi uống thuốc Nam (dược liệu trong nước).
Trời mưa lạnh nhưng hiệu thuốc vẫn đông bệnh nhân. Anh Quân (37 tuổi, Thường Tín, Hà Nội) chia sẻ, anh bị xơ gan, đã đi bệnh viện cũng như tới nhiều phòng chẩn trị y học cổ truyền uống thuốc mà không thuyên giảm. Tết rồi nghe người bà con mách trên Tam Đảo có làng thuốc nam, chữa bệnh gan tốt nên anh tìm đến. Uống chục thang thuốc anh thấy người khỏe hơn. Lần này lên, anh bốc thêm 20 thang nữa. "Đi bốc thuốc nơi khác phải mất 100.000 đồng một thang, nhưng các hiệu thuốc ở đây chỉ chừng 30.000 đồng thôi. Bước đầu tôi thấy hiệu quả lắm", anh nói.
Một phụ nữ tuổi ngũ tuần bước vào phòng khám, muốn ông lang Phượng bắt mạch, cắt thuốc cho bệnh nhức mỏi khớp. Dù đông khách nhưng ông Phượng vẫn đích thân đi bốc cho bà yên tâm hơn.
Xưa kia, mẹ vợ ông Phượng là người giỏi nghề thuốc. Không chỉ truyền dạy cho con gái tên Phó Thị Man, bà còn nhận anh bộ đội Nguyễn Công Phượng làm học trò. Ông Phượng còn được đào tạo bài bản thêm về nghề thuốc nên đã mở rộng cơ nghiệp của gia đình. Hơn 20 năm liền, ông là Chủ tịch Hội đông y huyện Tam Đảo, Tam Dương. Nay ông thôi giữ chức nhưng vẫn đi nhiều nơi chữa bệnh, dạy nghề thuốc từ thiện.
"Làng thuốc của người Sán Dìu chữa tốt các bệnh gan, thận, khớp, tỷ lệ khỏi có thể đạt tới 80%. Tuy nhiên, không phải tất cả bệnh chúng tôi đều chữa được", ông nói.
Trong khi ông Phượng giỏi bắt mạch, trị bệnh, bà Man lại am hiểu từng vị thuốc. Tuổi lên 5, bà đã theo mẹ lên rừng hái thuốc. Ngay cả bây giờ, vị thuốc nào không trồng, không mua được bà cũng phải đích thân leo núi tìm. Theo bà, dòng họ Phó có 7 đời làm thuốc. Để tồn tại được lâu như vậy không chỉ ở việc chữa bệnh hiệu nghiệm mà còn do cái tâm cứu người độ thế.
"Ngày xưa chữa bệnh không mất tiền. Nếu khỏi, người bệnh biếu cho đấu gạo hay con gà, chai rượu. Sau đó lấy tiền nhưng cũng rất rẻ, chỉ 1-2 xu một thang. Những năm gần đây giá thuốc tăng nên mình thắp hương xin các cụ từ 30.000 đồng lên 39.000 đồng một thang thuốc. Nếu mà lấy thuốc đắt, người bệnh chưa uống đã lo tiền nong rồi, khó mà khỏi bệnh", bà bộc bạch.
Nhà thuốc của lương y Hoàng Văn Thạch, Phó chủ nhiệm Hội đông y huyện Tam Đảo, nằm trong ngõ nhỏ. Trước căn nhà cấp bốn cũ kỹ là vườn thuốc đang độ mơn mởn. Ông lang vẻ chân chất, nhìn bụi dây leo bên bờ rào nói: "Đây là cây thuốc chữa xương, khớp rất tốt. Đáng lý đến ngày thu hoạch rồi nhưng mấy hôm nay trời mưa chưa làm được". Dưới hiên nhà, vợ ông Thạch vận đồ thổ cẩm địu cháu trên lưng đang căng bạt phơi thuốc.
Lương y Hoàng Văn Thạch bên vườn thuốc trồng tại nhà. Để bảo vệ nguồn dược liệu quý, gia đình ông Thạch trồng vài sào thuốc. Ảnh: Phan Dương.
Ông Thạch cho biết, cả hai vợ chồng ông đều biết nghề thuốc. Nhà có 5 người con trai thì 4 theo nối nghiệp cha. Hiện ở trong làng có gần 100 lương y trực thuộc hội, nhưng chỉ vài người mở phòng chẩn trị. Mỗi nhà thuốc có những sở trường, bài thuốc bí truyền. Nhà ông chữa tốt cho các bệnh về gan, thận.
Tâm niệm chữa bệnh cứu người, vậy nên có 5 đời làm thuốc mà nhà ông Thạch cũng chẳng khá giả. Như những người khác trong hội đông y, ông không lấy tiền người nghèo, gia đình chính sách. Nếu có lấy giá thuốc cũng chỉ vài chục nghìn đồng.
Xưa kia trong gia đình người Sán Dìu thường có 3 quyển sách. Sách về lý số, sách ghi lại những điệu hát soọng cô của bản làng và một quyển sách về dược liệu. Các sách này giữ những bài thuốc độc đáo của dân tộc như thu hái ngải cứu phải vào giờ Ngọ ngày 5/5 (âm lịch) sẽ tăng được công dụng hoặc chữa bệnh liệt dây thần kinh số 7 (méo miệng) không cần dùng kim châm. Người Sán Dìu cũng có loại cao lá cây, được luyện từ 120 vị thuốc trên đỉnh Tam Đảo, nấu trong 10 ngày. Cao này như một loại thuốc bổ rất tốt với trẻ em, người già, người bệnh.
Nhiều nhà khoa học nhận định Tam Đảo là một kho dược liệu quý giá, với khoảng 1.000 vị thuốc. Ấy thế có nhiều cây chỉ người Sán Dìu mới biết như cây ngòi mỵ u, vong hoi lô, vong ngòi cú, tàu pú shong ...
Để bảo vệ nguồn dược liệu quý, Hội Đông y đã kêu gọi bà con trồng dược liệu. Ban đầu, giống được lấy từ các cây con trên rừng, trồng ở vườn nhà. Một số loại không trồng được, bà con phải leo núi lấy nhưng đều có ý thức bảo tồn "lấy một trồng hai" ngay tại chỗ. Hiện nay, những mảnh vườn nhà đều được phủ màu xanh của cây thuốc. Gia đình ông Phượng cũng trồng vài sào làm giống còn nguồn thuốc chính là do con cháu trong họ cung cấp.
Phan Dương