Để lưu thông, qua lại hai bên bờ sông Kỳ Cùng, người dân phải đi vòng hàng km qua cầu Đông Kinh, cầu 17/10, cầu ngầm Thác Trà và cầu Mai Pha (quốc lộ 1A cũ). Nhiều cán bộ công chức nhà nước phải tranh thủ đi làm sớm để kịp thời gian, tránh ùn tắc đường.
Hiện tại, lực lượng thi công đang tiến hành các công việc phục vụ cho tháo dỡ cầu cũ như: cắt điện thắp sáng trên cầu, tiến hành khảo sát, xây dựng các lán trại cho công nhân ở. Một số đơn vị quân đội đã tham gia vào các công việc này.
Các thợ điện tổ chức cắt điện thắp sáng trên cầu Kỳ Cùng *ảnh: Duy Chiến
Việc tháo dỡ cây cầu lịch sử Kỳ Cùng đã gây xôn xao dư luận trong thời gian vừa qua, khiến nhiều người dân địa phương tiếc nuối. Bởi cây cầu này đã đi sâu vào tâm thức và là một trong những di tích nằm trong tổng thể các danh lam thắng cảnh nổi tiếng ở Lạng Sơn như: Chùa Tam- Nhị Thanh; núi Tô Thị, đền Kỳ Cùng, chùa Thành, cột đồng trụ bên sông Kỳ Cùng.
Cầu Kỳ Cùng trầm mặc, vắng lặng trong sáng 25/11. Ảnh: Duy Chiến
Theo báo cáo của ngành giao thông vận tải Lạng Sơn- đơn vị chủ đầu tư xây dựng, cây cầu mới được xây dựng vĩnh cửu bằng bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực; chiều dài toàn cầu: 117,2m. Thời gian thực hiện dự án gần 20 tháng với mức đầu tư trên 400 tỷ đồng.