Lạng Sơn: Dân lo lắng việc xây cầu Kỳ Cùng mới

Cầu Kỳ Cùng đã đi vào tâm thức, tình cảm của người dân.
Cầu Kỳ Cùng đã đi vào tâm thức, tình cảm của người dân.
TPO - Sau khi UBND tỉnh Lạng Sơn có quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng cầu Kỳ Cùng mới hoành tráng trên sông Kỳ Cùng ở trung tâm thành phố Lạng Sơn và dự kiến sẽ khởi công vào cuối tháng này, người dân địa phương không khỏi băn khoăn, lo lắng vì mất đi cây cầu truyền thống, lịch sử đã thấm đẫm trong tâm thức, tình cảm của người xứ Lạng.

Thông tin Quyết định phê duyệt dự án Kỳ Cùng mới thay thế cầu Kỳ Cùng cũ được đăng tải trên cổng thông tin điện tử của tỉnh đã thu hút sự chú ý của dư luận. 

Nhất là việc dự kiến khởi công, dỡ bỏ cầu cũ để xây dựng cầu mới sẽ tổ chức vào cuối tháng 10/2016, được hàng ngàn lượt người dân chia sẻ, bình phẩm trên mạng xã hội, đa phần đều lo lắng, hoài niệm về một cây cây cầu đã đi vào lịch sử, thơ ca của địa phương và du khách thập phương.

Theo các nhà nghiên cứu ở Lạng Sơn, nhận thấy vị trí quan trọng của con đường Hà Nội – Lạng Sơn, Đồng Đăng, thực dân Pháp đã tiến hành xây dựng chiếc cầu qua sông Kỳ Cùng ngay từ năm 1887, đến năm 1889 thì hoàn thành. 

Trải qua những năm chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc (1979), cầu bị phá hủy hoàn toàn. Năm 1985 - 1987, tỉnh Lạng Sơn làm chiếc cầu với dáng vẻ kiến trúc như xưa và nó tồn tại cho đến ngày nay. Để chống lũ lụt, hai đầu cầu và đường dẫn được nâng cao hơn trước.

Kiến trúc cầu Kỳ Cùng nằm trong tổng thể các danh lam thắng cảnh nổi tiếng ở Lạng Sơn như: Chùa Tam- Nhị Thanh; núi Tô Thị, đền Kỳ Cùng, chùa Thành, cột đồng trụ bên sông Kỳ Cùng.

Theo thông báo của tỉnh Lạng Sơn, cây cầu mới được xây dựng vĩnh cửu bằng bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực; chiều dài toàn cầu: 117,2m. Thời gian thực hiện dự án trong ba năm. Tổng mức đầu tư: 405.499 triệu đồng do Sở Giao thông vận tải Lạng Sơn làm chủ đầu tư.

Đây là kiến trúc xây dựng gắn với lịch sử ở Lạng Sơn nên thu hút sự quan tâm của dư luận và người dân địa phương. Ủy ban MTTQ tỉnh Lạng Sơn cũng đã tổ chức buổi họp phản biện về việc xây dựng lại cầu Kỳ Cùng trong việc phát triển kinh tế xã hội gắn với bảo tồn kiến trúc lịch sử.

Được biết, cũng tại cầu Kỳ Cùng này vừa được ngành giao thông tỉnh này tiến hành sơn sửa, bảo dưỡng dầm cầu, lan can với nguồn kinh phí không nhỏ và mới đây, cây cầu 17/10 (hay còn gọi là cầu Thác Mạ) vừa hoàn thành, chuẩn bị đưa vào sử dụng, vị trí cách cầu Kỳ Cùng không xa.

MỚI - NÓNG