Lãng phí trong sử dụng hàng trăm nhà chuyên dùng: Kiên quyết thu hồi, truy thu

0:00 / 0:00
0:00
TP - Liên quan đến những vi phạm trong quản lý, sử dụng tài sản công là nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước ở Hà Nội, UBND thành phố Hà Nội giao cơ quan chức năng thanh tra toàn diện công tác quản lý, sử dụng quỹ nhà chuyên dùng do Cty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội trong quý IV/2022.

Thanh tra toàn diện

Theo kết luận giám sát của HĐND thành phố Hà Nội, việc theo dõi, quản lý các tài sản công là nhà, đất của Cty Quản lý nhà Hà Nội còn nhiều bất cập. Đáng chú ý, việc phát hiện vi phạm hợp đồng thuê nhà; thiết lập hồ sơ vi phạm và đề xuất phương án xử lý vi phạm không kịp thời và thiếu quyết liệt gây khó khăn trong quá trình giải quyết. Cùng với đó, việc giải quyết tranh chấp, khiếu nại liên quan còn chưa được quan tâm xử lý dứt điểm; chưa thực hiện đầy đủ quyền và trách nhiệm của đơn vị cho thuê nhà theo các hợp đồng đã ký…

Mới đây, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành kế hoạch, yêu cầu: Đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hồ sơ pháp lý về nhà, đất đối với các cơ sở nhà, đất; Khẩn trương hoàn thành rà soát, lập và phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc phạm vi quản lý của thành phố, đảm bảo sử dụng nhà, đất đúng tiêu chuẩn, định mức, tiết kiệm, hiệu quả.

Lãng phí trong sử dụng hàng trăm nhà chuyên dùng: Kiên quyết thu hồi, truy thu ảnh 1

Hà Nội đã ra quyết định thu hồi toàn bộ diện tích kinh doanh ở tầng 1 toà nhà N01, ngõ 84, phố Chùa Láng (Đống Đa). Ảnh: Trường Phong

Lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội nêu quan điểm, sẽ: Kiên quyết thu hồi để xử lý theo quy định các diện tích nhà, đất không được sử dụng, sử dụng không đúng quy định, kém hiệu quả; xử lý cơ quan được giao, thuê nợ nghĩa vụ tài chính về nhà; Tiến hành phân loại, xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm như nợ đọng tiền thuê, bị chiếm dụng hoặc tự bố trí cho thuê trái phép, vi phạm trật tự xây dựng, có tranh chấp, khiếu kiện về quyền sử dụng, sở hữu… Đáng chú ý, thành phố quyết định giao cơ quan chức năng toàn diện công tác quản lý, sử dụng quỹ nhà chuyên dùng của Cty Quản lý nhà Hà Nội trong quý IV/2022.

Còn khoảng trống pháp lý

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, một số chuyên gia nhận định, đây là hành động kiên quyết của thành phố, nhằm lập lại trật tự, quản lý hiệu quả tài sản công của nhà nước. Chuyên gia Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở QH&KT thành phố Hà Nội cho rằng, vấn đề quản lý tài sản là nhà, đất công rất nóng, ngay cả trong nghiên cứu dự án Luật Đất đai sửa đổi cũng đang đề cập. Cần thiết phải làm rõ quyền hạn, trách nhiệm của các đơn vị được giao đất. Bởi hiện nay, không chỉ Hà Nội mà ngay cả các cơ quan T.Ư được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, nhưng không ít trường hợp cho một số tổ chức, cá nhân thuê lại làm ki ốt…

Luật cũng chưa xác định điều đó có phù hợp không, quyền hạn của người thuê được làm những gì, có được phép cho thuê lại, chuyển đổi chức năng hay không… “Ví dụ đất được giao làm văn phòng, nhưng đơn vị được giao lại biến thành đất dịch vụ, thương mại thì trách nhiệm đến đâu. Khung pháp lý quy định còn thiếu, nên tình trạng nêu trên vẫn xảy ra”, ông Nghiêm nói, đồng thời cho rằng, cần quy định rõ quyền hạn cơ quan thuê đất đến đâu.

Về những thông tin kết luận giám sát của HĐND thành phố liên quan Cty TNHH MTV Điện ảnh Hà Nội và Cty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội, phóng viên Tiền Phong đã liên hệ vào số điện thoại của lãnh đạo hai đơn vị này. Lãnh đạo Cty TNHH MTV Điện ảnh Hà Nội cho biết, đơn vị đang chờ sáp nhập, đã bàn giao công việc điều hành cho một người khác, đồng thời đề nghị phóng viên gọi cho người này.

Khi phóng viên liên hệ, người này bắt máy, cho rằng phải hỏi lại ý kiến của lãnh đạo cụ thể ra sao rồi liên lạc lại. Khi phóng viên liên lạc lại (gọi điện, nhắn tin) không thấy hồi âm. Qua điện thoại, lãnh đạo Cty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội đề nghị thống nhất đầu mối để làm việc với Cty về vấn đề quản lý tài sản công và một vụ việc phóng viên khác đã liên hệ từ trước. Tuy nhiên, sau đó, phóng viên cũng không nhận được phản hồi, dù đã gọi điện, nhắn tin đến số máy của vị này.

Mới đây, tại buổi tiếp xúc cử tri, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói về tình trạng quản lý tài sản công là nhà, đất trên địa bàn thành phố. Theo ông Dũng, công tác quản lý hiện “lem nhem, mỗi chỗ một tí”. “Mấy nhà tái định cư ở Khu đô thị mới Định Công, cả tầng 1, tầng 2 chưa bàn giao. Không thể để như thế được, trong khi khu dân cư không có nơi sinh hoạt”, ông Dũng nói, đồng thời cho rằng, đây là tình trạng “rất buồn cười”. “Buông lỏng quản lý, hỏi đến không biết sở nào, ngành nào thống kê để theo dõi. Vừa rồi tôi phải đề nghị HĐND đưa ra chất vấn để từng bước phân công, phân cấp lại. Sở Xây dựng theo dõi một tí, Sở QHKT một tí, Sở TN&MT, KH&ĐT, Sở Tài chính cũng một tí, không có đầu mối. Cứ nói chính quyền điện tử, chính quyền số mà không theo dõi được cái này thì số hóa gì”, ông Dũng nói.

MỚI - NÓNG