Lãng phí lớn của công: Cần tìm người chịu trách nhiệm

TP - Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, nguyên nhân sâu xa của tình trạng lãng phí của công là lối sống thực dụng, ích kỷ. Một số đại biểu khác cho rằng, nguyên nhân chủ yếu và xuyên suốt là câu chuyện về thể chế. Do vậy, vấn đề quan trọng là tìm ra ai sẽ chịu trách nhiệm về những thiệt hại, tổn thất, lãng phí hiện nay.

“Nguồn lực về nhà cửa, đất đai đang bị lãng phí rất lớn”

Ngày 31/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016- 2021. Đại biểu (ĐB) Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) nêu ý kiến băn khoăn “tại sao trong khu vực công, hiện tượng lãng phí lại luôn xảy ra nhiều hơn và trầm trọng hơn khu vực tư?”. Theo bà Nga, trong số nhiều nguyên nhân thì căn bản là do ý thức cá nhân, chỉ chú trọng đến lợi ích bản thân, vì bản thân.

“Nguyên nhân sâu xa của tình trạng lãng phí của công là lối sống thực dụng, ích kỷ, chỉ quan tâm nhất đến quyền lợi của cá nhân, không vì cái chung, không vì tập thể… Một thực tế đang diễn ra, trong cùng một cá nhân, nhưng cách ứng xử với tài sản công khác hẳn với tài sản tư”, ĐB Nga, nói.

Tranh luận sau đó, ĐB Nguyễn Việt Thắng (Kiên Giang) chia sẻ quan điểm của ĐB Nga, tuy nhiên, theo ông, đây không phải là nguyên nhân chính, mà một trong những nguyên nhân chủ yếu và xuyên suốt của những tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra đó là thể chế liên quan việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí còn nhiều bất cập. Ông Thắng kiến nghị nghiên cứu quy định các chế tài xử lý đối với tổ chức, cá nhân thiếu trách nhiệm, vi phạm các quy định của pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Theo ĐB Phạm Trọng Nhân (Bình Dương), báo cáo giám sát có thể tính được tổng số tiết kiệm ngân sách nhà nước hơn 350.000 tỷ đồng, rất đáng quý. Tuy nhiên, bên cạnh đời sống khá ngắn của không ít dự án luật phải sửa đổi sau một vài năm có hiệu lực là một sự lãng phí rất lớn thì hãy nhìn ngược lại, việc chậm ban hành các cơ chế, chính sách được xem là sự lãng phí về cơ hội, thời cơ phát triển. Theo ông, lãng phí này lớn gấp nhiều lần con số có thể định lượng, thậm chí kéo lùi sự phát triển. “Con số tiết kiệm 350.000 tỷ đồng sẽ được nhân lên gấp bội nếu các địa phương phát triển không còn phải “mặc chiếc áo đồng phục thể chế” vốn không còn vừa vặn từ lâu. Có như vậy mới tạo điều kiện để cởi các nút thắt, tạo nguồn lực tăng trưởng cho đất nước, bởi chúng ta không còn nhiều thời gian để vượt bẫy thu nhập trung bình, vượt qua tình trạng “chưa giàu đã già” mà nhiều chuyên gia đã cảnh báo”, ĐB đại biểu Phạm Trọng Nhân nói.

ĐB Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) cho rằng, nguồn lực về nhà cửa, đất đai đang bị lãng phí rất lớn, không chỉ ảnh hưởng đến nguồn lực phát triển mà còn gây nhiều hệ lụy như tham nhũng, tiêu cực, thất thoát, lợi ích nhóm, lạm dụng chính sách. Các vụ sai phạm của cán bộ gần đây đều có bóng dáng của quản lý nhà đất.

Theo phụ lục báo cáo kết quả giám sát, có 28.000 ha của 900 dự án, công trình chậm, không đưa đất vào sử dụng, nhiều dự án để đất hoang hóa. Trong khi chính sách pháp luật đất đai còn nhiều bất cập, như quy hoạch, quản lý quy hoạch đất đai, tình trạng phân lô bán nền, đầu cơ, sử dụng không đúng mục đích chưa được xử lý kịp thời...

Lãng phí lớn của công: Cần tìm người chịu trách nhiệm ảnh 1

Dự án đường sắt đô thị số 1, metro Bến Thành - Suối Tiên bị đội vốn lớn. Ảnh: Duy Quang

Lấy ví dụ ngay tại Lâm Đồng, ông Tạo nói có hai sân bay và một khách sạn thuộc đất quốc phòng, nằm ngay giữa trung tâm hai thành phố lớn là Đà Lạt và Bảo Lộc đã bị lấn chiếm sử dụng không đúng mục đích gây lãng phí. Đó là sân bay Cam Ly (TP Đà Lạt) có 53 ha thì bị lấn chiếm khoảng 40 ha. Sân bay phường Lộc Phát (TP Bảo Lộc) có 35 ha thì gần như bị lấn chiếm toàn bộ...

“Những việc trên đã được kiến nghị 5 năm liên tục nhưng chưa được cơ quan chức năng xử lý, gây bức xúc trong dư luận xã hội và cử tri”, ông Tạo, nói.

“Thất thoát, lãng phí nêu trong báo cáo giám sát cũng chưa phản ánh đầy đủ bức tranh về thực trạng lãng phí, thất thoát hiện nay… Đoàn giám sát đã chỉ rất cụ thể các mặt còn tồn tại, gây thất thoát, lãng phí. Đoàn cũng chỉ rõ nguyên nhân của những tồn tại đó. Điều đó cho thấy Quốc hội đã chọn trúng và đúng vấn đề giám sát. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng đặt ra tiếp theo là, ai sẽ chịu trách nhiệm về những thiệt hại, tổn thất, lãng phí đó? Giải pháp để xử lý tiếp theo các tồn tại đó như thế nào?”, ĐB Lê Hữu Trí (Khánh Hòa) nói.

Tinh giản biên chế: “giản” mà chưa “tinh”

Đề cập vấn đề lãng phí nguồn nhân lực, ĐB Phạm Trọng Nghĩa (Lạng Sơn) lưu ý tình trạng công chức, viên chức thôi việc, nhất là viên chức y tế và giáo dục. Trong tổng số hơn 16.000 giáo viên nghỉ việc thì có tới hơn 10.000 là giáo viên trường công lập và gần 6.000 giáo viên các trường tư thục. Nếu như phần lớn viên chức y tế chuyển từ khu vực công sang khu vực tư theo quy luật cung cầu trong thị trường lao động thì việc hơn 16.000 giáo viên nghỉ việc là hiện tượng rất bất bình thường, bởi vì hầu hết số nghỉ việc là bỏ nghề giáo chứ không phải chuyển từ trường công sang trường tư để dạy.

“Một số cơ quan ngành dọc ở địa phương sau khi đã được tỉnh bố trí xây dựng trụ sở mới nhưng không bàn giao trụ sở cũ cho địa phương quản lý, sử dụng. Nhiều khu đất có vị trí đắc địa là đất vàng, giá trị lớn ở các trung tâm đô thị nhưng bị bỏ hoang nhiều năm, gây lãng phí nguồn lực”.

ĐB Nguyễn Văn Mạnh (Vĩnh Phúc) đề nghị khẩn trương rà soát, có phương án xử lý dứt điểm

“Trong bối cảnh Nhà nước đang thiếu hơn 100.000 giáo viên thì tình trạng bỏ nghề của nhà giáo là hồi chuông báo động về việc sử dụng, đãi ngộ các thầy, các cô… Những lo toan cuộc sống hằng ngày đã đè nặng lên vai, ngăn cản các thầy, các cô tiếp tục theo đuổi giấc mơ trồng người sau bao năm miệt mài đèn sách, đây là sự lãng phí lớn cả về khía cạnh kinh tế, cả về khía cạnh xã hội”, ĐB Phạm Trọng Nghĩa nêu.

Để khắc phục tình trạng lãng phí nguồn lực, ĐB Trần Đức Thuận (Nghệ An) đề nghị nhanh chóng hoàn thiện Đề án việc làm để bố trí cán bộ, công chức, viên chức, người lao động phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ, không để xảy ra tình trạng nơi cần người thì thiếu, nơi việc ít lại quá nhiều người hay bố trí không đúng chuyên môn; đồng thời, bố trí ngân sách để thực hiện chính sách cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng để trả lương xứng đáng cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động phù hợp với trí tuệ và công sức đóng góp của họ. “Không nên để chậm cải cách tiền lương làm chảy máu chất xám trong lĩnh vực quản lý công”, ông Thuận lưu ý.

Lãng phí lớn của công: Cần tìm người chịu trách nhiệm ảnh 2

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương). Ảnh Như Ý

Lãng phí lớn của công: Cần tìm người chịu trách nhiệm ảnh 3

Đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương). Ảnh: Như Ý

Theo ĐB Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp), giải pháp chống lãng phí nguồn nhân lực, nhân tài, phải quan tâm đến vấn đề tuyển dụng công chức, viên chức. Theo bà, dù đã có chính sách, nhưng thực tế người tài khi được thu hút vào cơ quan nhà nước họ đã gặp khó khăn trong phát huy năng lực, sẽ an phận ngồi xếp hàng chờ cơ hội làm việc trái ngành hoặc đến lúc nào đó sẽ chán nản, rời bỏ vị trí. Hai vấn đề tinh giản biên chế, dù đã vượt chỉ tiêu giảm tối thiểu 10%, nhưng việc tinh giản biên chế liệu có mang tính cơ học? “Vấn đề công chức, viên chức nghỉ việc thời gian qua có liên quan gì tới tinh giản biên chế ở các bộ ngành địa phương. Dù chọn câu trả lời nào thì rõ ràng đang có sự lãng phí trong sử dụng nguồn nhân lực ở khu vực công”, bà Hoa cho hay. Chủ trương rất đúng, nhưng dường như kết quả thu lại là “giản” mà chưa “tinh”.

Tin liên quan