Làng nhai trầu

Hai chú bé Tráng và Thắng nhai trầu như nhai kẹo
Hai chú bé Tráng và Thắng nhai trầu như nhai kẹo
TP - Phú Lễ thanh bình, người làng chăm chỉ làm ăn. Và cả làng cùng chăm chỉ... nhai trầu. Đường Láng - Hòa Lạc mở rộng sốt đất ầm ầm ngoài kia nhưng phía trong làng cách ba cây số tịnh không ảnh hưởng gì. Người dân Phú Lễ thuần nông chân chỉ hạt bột, giọng Ba Vi con bo vang đặc sệt.
Hai chú bé Tráng và Thắng nhai trầu như nhai kẹo
Hai chú bé Tráng và Thắng nhai trầu như nhai kẹo.

Tìm mãi mới có một cửa hàng game internet trên trục huyện lộ. Khách mới vào tưởng mình lạc tới Đường Lâm, vì nhà đá ong, cổng đá ong rất phổ biến. Thôn Phú Lễ thuộc xã Cần Kiệm, huyện Thạch Thất, cách trung tâm Hà Nội 25 cây số.

Ông Nguyễn Xuân Nho, trưởng thôn khề khà: “Bận lắm, đang dịp thu sản của nông dân”. Chỉ thoáng trông ông Nho cười thấy ngay hàm răng vừa trầu vừa thuốc. Quả có thế, ngồi một lúc ông gọi: “Tráng ơi đi mua trầu trà cho ông”. Thằng cháu con nhà hàng xóm lóc cóc xách về trầu cau, rồi ngồi chẻ cau nhai nhoay nhoáy như trẻ con thành phố ăn bim bim kẹo mút.

“Bọn này cứ lên 5 tuổi là ăn trầu thành tài” - ông trưởng thôn khoe xong ngồi quạt cho hai đứa Nguyễn Đức Tráng và Nguyễn Đức Thắng ăn trầu, hát: “Lại đây ăn một miếng trầu, không ăn cầm lấy cho nhau vừa lòng. Miếng trầu là miếng trầu tình, ăn vào cho đỏ môi mình môi ta…”. Ông đùa đùa: “Trưởng thôn nói khó nghe nhưng hay đi hát karaoke nên giọng ca quan họ cũng được, hả?”. Ông Nho lại cười phô hàm răng trầu thuốc. Tráng và Thắng đứa 12, đứa 13 tuổi đều ngoan, học khá, khi ăn trầu vẫn sợ say. Chúng gọt cau, bỏ hạt. Nhai vài miếng thì chạy đi nhổ bớt nước.

Làng nhai trầu ảnh 2

Người Phú Lễ đi làm đồng đều mang trầu cau vôi. Thiếu thứ gì thì xin nhau. Phú Lễ có nhiều dòng họ sinh sống: Đặng, Nguyễn, Lê, Phùng, Kiều… Nhà thờ dòng tộc san sát nhau, đều trồng cau và mẫu đơn.

Anh Kiều Long - một người trong làng bảo, cả làng không biết nguồn gốc từ bao giờ nhưng cứ lớn lên đã thấy ông bà bố mẹ nhai trầu bỏm bẻm. Chẳng có nơi nào người dân ăn trầu như ăn quà vặt như thế.

Cụ Phùng Thị Hải 101 tuổi, già nhất làng, vẫn nhai trầu đều đặn hàng ngày: “Tôi lớn lên thấy bố mẹ đã ăn trầu rồi”.

Đám cưới, đám ma ở Phú Lễ không khói thuốc lá, nhưng phải có trầu cau. Thanh niên nhai trầu thay hút thuốc. Cứ hết miếng này lại đến miếng khác. “Ăn trầu vào, môi đỏ má đỏ hây hây, trông ai cũng ấm áp dễ gần. Mùa đông trông hay hơn” - anh Long nói.

Nhà anh Long trồng bốn chục cây cau xen lẫn mít, mẫu đơn. Cây cao cây thấp, cây lớn cây bé đan xen nhau nên không bị thiếu nắng. Cau to mấy cũng đánh được. Tục lệ ở làng này là vẫn đánh cau sang hố khác, chôn thấp xuống so với hố cũ để kích thích sinh trưởng và trổ quả. Khi đánh cau, người ta phải đánh dấu hướng. Trồng lại mà sai hướng cũ, cau dễ chết. Cau năm nay gặp nắng to, không được mùa, chỉ đủ cho người làng ăn.

Ông trưởng thôn nghiện trầu nên có nụ cười khó quên
Ông trưởng thôn nghiện trầu nên có nụ cười khó quên.

Theo các cụ cao niên, xưa kia làng định lệ lễ ăn hỏi, nhà trai mang đến nhà gái 1.000 quả cau, 1.000 lá trầu không, rồi nhà gái mang đi chia cho từng người trong làng gọi là lộc cưới.

Làng Phú Lễ xưa kia tên là Phú Hòa, có vẻ không giàu nhưng hiền hòa bình lặng. Hiếm trộm cắp. Mấy ông cầm bếp gas, máy bơm Trung Quốc giả dạng bộ đội phục viên nghèo “vừa chôm được cái đồ xịn của tây, nhờ các bác mua hộ”. Người dân mời vào nhà, bảo: Cái trò của ông bọn tôi biết cả. Uống nước xong rồi đi chỗ khác. Không làm ăn vớ vẩn được ở làng này đâu.

Phía tây và đông của làng đều có sống Tích uốn mình chảy qua, tre xanh ken dày theo con đường đê manh mảnh. Bên này cầu Cần Kiệm là làng Yên Lạc. Người làng Yên Lạc ra trú nắng dưới bóng cây đa 13 gốc bên sông. Dân Yên Lạc ít ăn trầu, nhưng thi thoảng có những cô hàng xén răng đen/cười như mùa thu tỏa nắng (Hoàng Cầm) đi qua, biết ngay gái Phú Lễ tần tảo thích ăn trầu, ít ăn quà vặt.

MỚI - NÓNG