Lắng nghe thế giới

Lắng nghe thế giới
TP - Haruki Murakami trong tiểu thuyết “Biên niên ký chim vặn dây cót” đưa nhân vật chính của mình xuống đáy của một chiếc giếng hoang lâu ngày kiệt nước. Đáy giếng không mùa, không tối sáng, không thời gian. Giữa những “dòng chảy” vô thường nào đó không hiện hữu. Chỉ để câm lặng, nghĩ ngợi. Và lắng nghe.

> Núi thần, Thomas Mann và Ngô Bảo Châu
> GS Ngô Bảo Châu muốn làm nghề bán sách

Ngồi dưới đáy sâu, để lắng nghe về cái thế giới “người ta” mà mình vẫn đương kim là một phần tử vô danh trong ấy. Cuộc đi tìm bản thể đang tha hóa và chán nhàm của loài người đôi lúc đau đớn và cô độc như vậy. Khi tiếng quick quick của con chim vặn dây cót không mấy ai nghe được.

Tôi băn khoăn không rõ sau gần 40 năm sống cách biệt với tiếng nói con người, cha con “người rừng” ở Quảng Ngãi liệu sẽ hoà nhập thế nào. Làm quen thế nào với tiếng nói, mà chính xác hơn là những thanh âm quá ồn ào gây ra bởi con người hiện đại. Khi bản năng lắng nghe và thấu hiểu của họ là giao hoà trò chuyện một cách im lặng với thiên nhiên.

Trong “Âm thanh và cuồng nộ” của William Faulkner (Mỹ, Nobel 1949) – một kiệt tác kỳ dị của văn chương nhân loại - âm thanh lớn nhất lại là khứu giác của chàng khùng Benjy, thân xác 30 tuổi nhưng trí óc chỉ của đứa trẻ lên 3. Nó ngửi được mùi tinh khiết hay tha hoá của người khác. Thế giới đổ vỡ, nhận thức và suy tư của con người có lẽ không thể còn dựa vào những giác quan truyền thống, được mặc định như là sự bất biến.

Nhưng rồi, cho dù vẽ lên một thế giới đổ vỡ, đau đớn, nhưng W. Faulkner vẫn tha thiết tin vào khả năng “vượt qua” của con người, chứ không phải sự chịu đựng hoàn cảnh. Cho dù đối diện với ngày tận thế, “âm thanh là tiếng nói yếu ớt của con người” vẫn không tắt.

Sự đổ vỡ của thi nhân trước thời đại, khi “Cái thi pháp của thời mạt pháp/Hét vào tai những người điếc lác/Tiếng nói thầm không còn kẻ tri âm” (Thi pháp ồn - thơ di cảo Chế Lan Viên). Thì rồi sau đó, người thơ cũng tìm ra một giác quan mới cho mình: “Hằng ngày anh khoét sâu vào hang, vào giếng lòng mình/Đi đâu, làm gì cũng lắng nghe tiếng vang từ giếng, từ hang động ấy” (Giếng - Di cảo Chế Lan Viên).

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG