> Xây biệt thự, đi xe hơi trên núi rác
Nghĩa địa xe
Từ đầu làng đến giữa làng Thuyền ngổn ngang đầu ô tô, đuôi xe máy, những chiếc bánh xe to tướng chình ình dưới ruộng, những bãi dài đầy nhíp, gầm, trục hoen rỉ phơi sương phơi nắng. Tất cả nằm bất động như những thây ma trong nghĩa địa xe.
Nhà nào cũng roèn roẹt tiếng cắt kim loại, khét lẹt đèn khò đốt mỡ cùng những con người lấm lem dầu máy. Ông Nguyễn Văn Nhuận, trưởng thôn Thuyền là những một trong những người đầu tiên xây dựng một đế chế phá xe ở làng Thuyền này.
Trước đây, người dân thôn Thuyền nghèo, phải đi thu mua đồng nát, sắt vụn về bán, kiếm ít tiền sống qua ngày. Tất thảy phải đi bộ, quảy đôi quang gánh hoặc ngồi trên chiếc xe đạp cũ kỹ với hai chiếc sọt to tướng phía sau mà rao đến rát cổ mới được vài chục nghìn đồng/ngày. Ấy là cách đây hơn 20 năm. Bây giờ ở thôn Thuyền không còn hộ nghèo. Hộ giàu thì không tính xuể. Nhà cao tầng mọc lên khắp nơi, ô tô (mới!) đi lại nườm nượp ở thôn.
Chuẩn bị phá một chiếc ô tô 45 chỗ. |
Người làng Thuyền không sản xuất mà chỉ biết… phá. Ô tô, xe máy, máy cày, máy bừa… to lớn đến mấy, phức tạp đến mấy chỉ qua tay mấy ông thợ phá một thời gian ngắn là thành sắt vụn hết. Ở đây, tiêu chí đánh giá trình độ của những phó phá này chính là thời gian. Người giỏi thì 1-2 ngày phá xong một cái ô tô, người mới vào nghề phải mày mò cả tuần. Đến nay, người dân làng Thuyền tự hào là họ đã phá được tất cả các loại xe, trừ… máy bay và tàu ngầm.
Tất nhiên, không phải cứ đập nát là được mà còn phải tính toán xem cái nào có thể bán cho thợ sửa xe, cái nào đưa đi Đan Hội (Bắc Ninh), Thái Nguyên nấu chảy thành sắt.
Chính vì thế, sắt vụn cũng có đẳng cấp của nó và được phân loại một cách kỹ lưỡng trước khi xuất xưởng. Đặc biệt, 3 loại trục, nhíp, lốp luôn là những bộ phận được ngắm nghía kỹ nhất trước khi kéo rác về nhà. Người dân thường bảo nhau: “Ăn” được hay không chính là ở những bộ phận này bởi hầu hết chúng còn bán lại cho các cơ sở sửa chữa ô tô, xe máy để tái sử dụng.
Sắt vụn giá… hàng tỷ đồng
Ngổn ngang sắt vụn. |
Tính ra ở thôn Thuyền có hơn 1/3 số hộ chuyên làm nghề mổ xe, còn số nhân lực ăn theo tính ra đến hàng trăm. Đấy là chưa kể các chân rết của người làng này tỏa đi ở khắp các nơi trong cả nước. Thu nhập của công nhân trung bình cũng khoảng 5-7 triệu đồng/tháng.
Người thôn Thuyền bây giờ không thu mua đồng nát, sắt vụn nữa mà đều làm ăn lớn, tức là quan hệ với cả các cơ quan nhà nước, đơn vị quốc phòng… Bất kể có một thương vụ gì liên quan đến việc đấu thầu xe cũ, nát trên cả nước, hầu như đều có mặt người làng Thuyền. Ông Nhuần cho biết, những thương vu mua bán lên tới hàng chục tỷ đồng với người làng Thuyền bây giờ không còn là chuyện hiếm nữa.
Tuy nhiên, để có được những món hàng hời, mang lại lợi nhuận cao thì phụ thuộc rất nhiều vào kinh nghiệm, sự nhạy cảm và khả năng phối hợp nhịp nhàng. Buôn có bạn, bán có phường. Một chủ cơ sở lớn ở làng Thuyền nói về một bí quyết làm ăn rất sòng phẳng ở nghề này: Luôn luôn phải hỗ trợ nhau.
Trước khi đấu thầu một lô hàng, dựa trên mức sàn mà cơ quan thanh lý đưa ra, các ông chủ thu mua sắt vụn phải ngồi với nhau thống nhất về người trúng thầu và giá trúng thầu. Để làm tin, mỗi ông chủ ấy phải bỏ ra 400-500 triệu đồng cho một người cầm, nếu sau này có ai trả giá cao hơn sẽ bị mất số tiền đã cầm và đương nhiên sẽ bị khai trừ khỏi nghề.
Sau khi trúng đấu thầu của cơ quan thanh lý, các ông chủ lại tiếp tục ngồi với nhau, tự tổ chức bỏ thầu lần nữa một cách công khai. Người nào trúng mới thực sự được sở hữu món hàng.
Có được hàng rồi, mổ hết xe ra, phân loại đàng hoàng xong, nhưng dân làm ăn làng Thuyền vẫn chưa hết lo. Đối với sắt vụn thì không sao nhưng với những loại hàng còn sử dụng được như trục, nhíp, lốp bán cho các ga- ra ô tô, việc vận chuyển trên đường gặp rất nhiều phiền toái. Những chiếc xe chở hàng này thường xuyên bị lực lượng công an giao thông “hỏi thăm” do không thể nào xuất trình được xuất xứ hàng hóa.
“Hàng trăm cái xe, chúng tôi mua về ở hàng chục điểm khác nhau, làm sao lấy được giấy tờ chứng minh. Vậy là phải trình bày, nói khó với các bác công an đàng hoàng, nếu không thì khó trụ ở nghề này lắm” – một chủ cơ sở cho biết.
100% giám đốc chưa có bằng cấp 2
Ông Nguyễn Khắc Cường trước đây ở nhà làm ruộng. Vợ ông đi mua đồng nát, sắt vụn, tất tả ở khắp các ngõ ngách. Thế rồi khi phong trào phá xe trở thành nghề, hai ông bà thay nghề chuyển nghiệp. Tích lũy kinh nghiệm và tiền bạc lâu dần, hai vợ chồng ông thành lập công ty, thuê hẳn 5 người làm.
Diện tích kho bãi cũng được mở rộng lên gần 3 nghìn mét vuông, khắp nơi một màu nâu xỉn. Bây giờ ít người có thể nhận ra ông nông dân, bà đồng nát khi xưa đã trở thành những ông chủ, bà chủ có tiếng tăm ở làng Thuyền.
Môi trường làm việc khá độc hại, sứt chân bỏng tay chảy máu là chuyện thường Một công nhân làm nghề "mổ xe" |
Còn anh Nguyễn Văn Trường, cách đây vài năm không làm mổ xe nữa mà chuyển hẳn sang kinh doanh xe ô tô cũ và xe tải nhập từ Trung Quốc về với số vốn hàng chục tỷ đồng. Theo tính toán của trưởng thôn Nguyễn Văn Nhuận, cả làng có tới 12 doanh nghiệp với 12 giám đốc là người làng. Đặc biệt, tất cả các giám đốc này đều chưa ai có bằng cấp 2 (THCS), thông thường chỉ học hết lớp 6, lớp 7 là dừng.
Điều đặc biệt nữa, hầu như trai tráng trong làng tất thảy đều biết lái ô tô, thậm chí nhiều phụ nữ cũng trèo lên cầm vô lăng lái bon bon. “Ô tô cứ vứt đầy ở nhà ấy, thích thì tự học, lái dần thành quen thôi mà” – ông Nhuận nói.
Không như ông chủ, công nhân ở các cơ sở mổ xe làng Thuyền vẫn còn lắm nhọc nhằn. Anh Nguyễn Khắc Toàn, một công nhân kể: “Công việc khá gian lao bởi lúc nào quần áo, chân tay cũng đen như hòn than. Mùa đông còn đỡ, chứ mùa hè ai nhìn thấy cũng muốn tránh xa! Hơn nữa trong các máy móc cũ thường sót lại một lượng dầu máy hay mỡ bên trong, khi đưa cần hàn vào cắt lốc máy, chân máy, dầu mỡ cháy, xộc thẳng vào mặt, hay các thiết bị có sơn phủ hoặc nhựa cũng bị cháy gây ra cảm giác rất khó chịu. Người mới làm thường buồn nôn, chóng mặt nhưng làm mãi thành quen”.
Nơi lưu giữ hàng độc
Bạch Dương, một tay chuyên sưu tầm xe máy cổ thuộc Hội Simson Thăng Long - Hà Nội thường xuyên ghé về làng Thuyền tìm phụ tùng xe máy. Hôm nào ít cũng mua mất vài chục nghìn đồng, nhiều thì khoảng vài trăm nghìn đồng. Có hôm Dương sướng rơn khi tìm được 1 đôi xi-nhan xe Simson còn khá nguyên vẹn với giá vài chục nghìn đồng, trước đó Dương đã lùng nhiều nơi mà không thấy. Chỉ có điều, muốn tìm được những món đồ như thế, người mua phải cất công đi tìm một cách tỉ mỉ ở các cơ sở.
Thông thường về làng Thuyền, Dương mất nửa ngày tìm kiếm, ít khi phải về không. “Có những phụ tùng mà bản thân người bán không biết hết những giá trị của nó nên họ bán rất rẻ. Nhưng cũng có phụ tùng họ tưởng là mới, bán đắt nhưng bọn mình lại chẳng thích mua. Cái thú khi về làng Thuyền là thế” - Bạch Dương tâm sự.