Cách Hà Nội khoảng 70 km, nằm bên sông Cầu thơ mộng, làng gốm Phù Lãng (thuộc xã Phù Lãng, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh) đã giữ gìn và phát triển nghề truyền thống trong nhiều năm qua. Những nghệ nhân ở Phù Lãng cho hay, nghề gốm được truyền vào vùng dân cư đôi bờ sông Lục Đầu sau đó chuyển về vùng Vạn Kiếp (Hải Dương). Đến tận đầu thời Trần, nghề gốm được truyền đến đất Phù Lãng.
Các nghệ nhân cao tuổi của làng cho biết, ngày xưa làm gốm đều làm thủ công. Ngay từ khâu xử lý đất sét đã rất kỳ công từ chọn đất, phơi khô, ngâm nước, cắt đất v.v.. Còn hiện tại, mọi việc dễ dàng hơn vì có máy móc.
Sau khi luyện thật nhuyễn, đảm bảo độ dẻo, mịn nhất định, đất sét được tạo hình trên bàn xoay bằng tay hoặc trên khuôn. Bà Trần Thị Luận cho biết: “Làm gốm ngày trước rất vất vả. Nhiều khi trời rét nhưng vẫn phải lấy tay trộn đất. Các xưởng làm gốm hầu như không có mái che nên những lúc phơi gốm mà gặp trời mưa lại phải chạy ra bê hết vào nhà”.
Điều đặc biệt là đến nay làng nghề Phù Lãng vẫn sử dụng phương pháp truyền thống, dùng củi để nung gốm.
Các hoạ tiết trên gốm Phù Lãng thường lấy từ trong cuộc sống như cây cối, hoa sen, cá chép…
Xuất phát từ niềm đam mê, nhiều thanh niên trong làng đã đi học mỹ thuật rồi trở về làng để vẽ thuê cho các xưởng gốm hoặc tự mở xưởng của riêng mình.
Truyền thống hoà quyện cùng với yếu tố hiện đại đã tạo nên làng gốm Phù Lãng ngày nay. Một ngôi làng với những con người tâm huyết, tận tuỵ với nghề, cuộc sống thanh bình, đậm chất văn hoá truyền thống.