Làng có 2 bảo tàng mỹ thuật, 8 phòng tranh

Có người đi theo tour, có người qua internet tự tìm đến bảo tàng tranh Cổ Đô thưởng lãm. Ảnh: Lan Hương.
Có người đi theo tour, có người qua internet tự tìm đến bảo tàng tranh Cổ Đô thưởng lãm. Ảnh: Lan Hương.
TP - Phong cảnh hữu tình, nhiều di tích cấp quốc gia, có hàng trăm họa sĩ trong số 3.000 dân. Làng Cổ Đô (huyện Ba Vì, Hà Nội) còn gây bất ngờ cho khách bởi hai Bảo tàng Mỹ thuật và tám phòng tranh gia đình.

Làng họa sĩ Cổ Đô cung cấp 2/3 giáo viên dạy mỹ thuật cho toàn huyện Ba Vì. Một số khác ra thành phố lập nghiệp bằng các nghề liên quan đến đồ họa, hội họa. Nhiều trong số họ là con nhà nông dân thuần túy, được học vẽ từ những lớp dạy vẽ miễn phí xuất hiện từ đầu thập kỷ 80.

Theo người dân nơi đây, ông tổ nghề của làng là họa sĩ Nguyễn Sỹ Tốt. Cụ Tốt từng tốt nghiệp Đại học Mỹ Thuật VN cùng thời họa sĩ Tô Ngọc Vân. Từng có nhiều tranh được giải, khi về hưu trở về làng, cụ Tốt dạy vẽ cho những ai có sở thích. Ngược lại lịch sử hồi cuối thế kỷ 19, xóm Bàng (tên Cổ Đô cũ) vốn là đất học với nhiều người thành danh, có cụ  Phó Bưởi tốt nghiệp loại ưu trường Kỹ Nghệ Đông Dương. Cụ có tài vẽ tranh thờ cực đẹp nên chuyển sang mở xưởng hàng mã. Cụ Phó Bưởi và các thợ vẽ nhân công có thể được tính là những họa sĩ đầu tiên của vùng đất này.

Bảo tàng chứ không phải nhà truyền thống

Đứng trước cổng trào “Bảo tàng Mỹ thuật Cổ Đô” du khách thường ngước nhìn vài lần để xem mình có đọc nhầm không vì “bảo tàng” là từ hiếm gặp ở chốn thôn quê. Cách đây 10 năm, nhờ đặc thù tỉ lệ người vẽ tranh nhiều khác thường mà Ủy ban nhân dân xã Cổ Đô đã cắt sân bóng 5.000 mét vuông để xây dựng hẳn một Bảo tàng Mỹ thuật. Sau nhiều năm hoạt động kiểu tự phát, từ năm 2016 bảo tàng được giao cho Câu lạc bộ Mỹ thuật (CLB MT) Cổ Đô. Ba mươi thành viên họa sĩ tự đóng tiền để vận hành chi trả điện nước, treo tranh, mua họa phẩm cho các lớp dạy vẽ miễn phí.

Một phần ba số họa sĩ trong CLB là Hội viên Hội Mỹ Thuật VN, hai trong số họ là nghệ sĩ điêu khắc có công trình tại nơi công cộng. Một chút khó tin khi ở một làng quê xa xôi yên ả, có thể xem tranh của các  họa sĩ tên tuổi như Sỹ Tốt, Giang Khích, Trần Hòa, La Vuông, Ngô Bình Thiểm... Đâu đó có một vài tác phẩm mang hơi hướng đương đại như điêu khắc “Sâu đo” của Nguyễn Tân.

Họa sĩ nông dân, tình nguyện viên trông coi bảo tàng Đào Xuân Quang kể: “Tôi may mắn là hàng xóm và là học trò của cố họa sĩ Nguyễn Sĩ Tốt”. Ở tuổi ngoài 30, lúc đó là bộ đội phục viên, thương binh, ông Quang mới bắt đầu cầm cọ vẽ và say mê công việc này suốt ba thập kỷ qua. “Các cháu nhà tôi đã lớn và ra thành phố hết rồi. Tôi và vợ tôi có một sào ruộng, vào lúc rảnh rỗi bà ấy đi làm phụ hồ, còn tôi thì vẽ tranh”. Họa sĩ Quang chuyên vẽ phong cảnh và hoa, chất liệu acrylic, ông có hai bức trưng bày trong bảo tàng.

Kể về làng mình, họa sĩ, trưởng thôn Ngọc Nho bày tỏ: “Ở nước ta chưa có thành phố nào có bảo tàng mỹ thuật riêng kể cả Hà Nội, nghe nói mỗi Đà Nẵng đang lên kế hoạch xây. Còn làng có tỉ lệ họa sĩ, bảo tàng và phòng tranh nhiều thế này thì trên thế giới chắc cũng chưa có đâu”.

Ngoài Bảo tàng Mỹ thuật xã, du khách yêu hội họa còn có nhiều lựa chọn như Bảo tàng tư nhân của họa sĩ Nguyễn Sỹ Tốt, bảy tám phòng tranh gia đình của các họa sĩ từng tham gia triển lãm ở Hà Nội như Nguyễn Ngọc Cũi, Nguyễn Huy Khôi, Phan Quang Tùng, Nguyễn Trường Yên…

Học vẽ như một tập quán

Cổ Đô có hai dòng họa sĩ, một là lứa nông dân, bộ đội phục viên tự học truyền tay và lứa đi học trung cấp, đại học mỹ thuật trở về làng (hoặc ra thành phố lập nghiệp).

Trong lứa tự học, họa sĩ Nguyễn Hữu Lượng được các đồng hương kể về với tình cảm ngưỡng mộ. Ông vốn là thợ mộc trong gia đình nông dân. Những cảnh vật thân quen  hiện lên trong tranh ông đầy sống động. Nhiều khách muốn mua tranh nhưng ông không bán mà “để làm của để dành cho con cháu”. Theo nguyện vọng của cha, hai họa sĩ con trai đã mở phòng tranh của ông tại nhà để mọi người đến tham quan.

Thuộc thế hệ giáo viên dạy vẽ trường phổ thông, họa sĩ, phó chủ nhiệm CLB MT Cổ Đô Nguyễn Trường Yên kể “điều đặc biệt ở Cổ Đô là sự kết nối, học hỏi giữa các thế hệ”. Các cụ hệ tự học có năng khiếu trời cho và con mắt nhìn tranh nhiều khi người được học chưa chắc nhìn ra. Mở lớp dạy vẽ miễn phí cho thiếu nhi trở thành “tập quán” độc đáo tại làng họa sĩ. “Chúng tôi dạy các em vẽ chơi, luyện thi vào trường họa giống như mười, hai mươi năm trước các chú bác dạy vẽ, dẫn dắt chúng tôi thành những người theo nghề mỹ thuật”.

Tốt nghiệp Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương, họa sĩ Phan Quang Tùng trở về quê làm thầy giáo dạy vẽ ở làng bên. Trước đó, Tùng và một số họa sĩ làng vẫn gửi tranh ra gallery Hà Nội bán. Một năm gần đây, làng Cổ Đô trở thành điểm đến của nhiều tour du lịch, họa sĩ trong làng có cơ hội bán tranh nhiều hơn. “CLB MT chúng tôi đang lên kế hoạch vẽ tranh tường tuy nhiên đang còn cân nhắc lựa chọn rất kỹ sao cho không bị nhàm. Làm thế nào để ra phong cách bích họa riêng có ở Cổ Đô”.

Nhà làm phim tài liệu kỳ cựu Nguyễn Văn Nẫm là người con của Cổ Đô cũng bắt đầu vẽ khi về hưu. Ông chỉ vẽ duy nhất hai bức màu nước nhưng cả hai tác phẩm đều gây chú ý tại phòng trưng bày của bảo tàng. Họa sĩ vẽ hai điểm mà Hà Nội giờ đây không còn nữa là sông Tô Lịch và phố Cấm Chỉ (cũ). Cứ hai tuần một lần, nhà làm phim lại đi xe buýt từ Hà Nội về nhà mình trong làng để mang trứng và rau sạch lên thành phố “tiện thể vào xem tụi trẻ vẽ tranh”. Chú Nẫm có những nhận xét rất sắc sảo khi xem tranh của  lứa trẻ, chúng tôi trưởng thành đôi khi nhờ những người tài hoa không qua trường lớp như thế, họa sĩ Quang Tùng chia sẻ.  

MỚI - NÓNG